|
Chúng ta có thể không cần đến điện thoại trong những khoảng thời gian nhất định |
Tôi ít khi đi đâu mà lại để điện thoại ở nhà. Thậm chí đôi lúc tôi còn mang điện thoại vào phòng tắm khi vệ sinh cá nhân. Điện thoại giờ đây giúp chúng ta thực hiện mọi thứ, từ dẫn đường cho đến chuyển tiền, cho chúng ta hàng triệu cách khác nhau để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Điện thoại quan trọng đến nỗi tôi khó có thể tưởng tượng được rằng sẽ không cần chúng dù chỉ trong vài giờ.
Ngoài điện thoại, mạng xã hội cũng là một thứ “gây nghiện”. Nếu như không thể tán gẫu bạn bè vì khoảng cách địa lý, thì mạng xã hội đã đem mọi người lại gần nhau. Nhưng nếu tạm rời xa mạng xã hội và điện thoại trong hai ngày cuối tuần, liệu chúng ta có thể “sống sót” được không?
Đó chính xác là những gì tôi đã làm trong hai ngày cuối tuần qua để thử nghiệm một cuộc sống “không công nghệ”. Dưới đây là những gì đã xảy ra và những gì tôi đã học được:
Tôi đã không bỏ lỡ thứ gì
Tôi có mắc chứng “Sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó” (tiếng Anh gọi là FOMO – Fear of Missing Out). Trên thực tế thì hầu như tôi chưa bỏ lỡ hay quên thứ gì. Khi vứt điện thoại vào một xó và đi ra ngoài, tôi vẫn nghĩ “Lỡ có ai đó gọi mình thì sao?” “Có thể không phải là 1 cuộc gọi nhỡ mà là 10 cuộc gọi nhỡ từ mẹ tôi?” “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi được mời dự một bữa tiệc hoành tráng nhất từ trước đến nay, nhưng tôi không có điện thoại nên không biết có lời mời, và mọi người nghĩ rằng tôi khinh không thèm trả lời?”.
Sau 2 ngày xa rời thiết bị công nghệ, tôi mở lại điện thoại vào tối Chủ nhật và thấy có 6 cuộc gọi nhỡ và một vài tin nhắn chưa đọc. Tuy nhiên, đây đều là tin nhắn và cuộc gọi từ những người bạn mà tôi thường xuyên gặp gỡ, nên không có gì quá quan trọng đáng phải lưu tâm. Tôi đã từng FOMO, nhưng cuối cùng tôi đã không bỏ lỡ gì đáng kể trong hai ngày cuối tuần.
Khi đi ăn tối hoặc ngồi café với bạn bè, nhìn mọi người dán mắt vào chiếc điện thoại, tôi cảm thấy mình khá nhẹ nhõm khi không bị bận tâm bởi các tin nhắn hay cuộc gọi, cũng như không mỏi tay lướt Facebook. Không có điện thoại giúp tôi có nhiều thời gian hơn với các bạn của mình. Tôi trở thành người dẫn dắt các câu chuyện vui vẻ.
Tìm thấy niềm vui từ… chiếc iPod
Giống như mọi người, tôi dùng điện thoại cho mọi công việc và cả khi giải trí, chẳng hạn như nghe nhạc trong lúc luyện tập.
Khi thử nghiệm rời xa điện thoại vào hai ngày cuối tuần, tôi biết rằng mình cần phải tìm cách nào đó để nghe nhạc trong lúc tập gym. Điều này khiến tôi phải lục lại tủ để tìm chiếc iPod Shuffle đã vứt xó từ lâu. Tôi đã tìm thấy.
Vì để điện thoại ở nhà vào ngày cuối tuần, tôi có thể tập trung hơn và không bị gián đoạn việc luyện tập thể chất. Không còn cảnh tôi vừa chạy bộ trên máy, trong khi tay vuốt vuốt màn hình Facebook hoặc trả lời các tin nhắn. Tôi đã hoàn thành bài tập gym nhanh hơn thường lệ.
Không có điện thoại chỉ hơi bất tiện
Không có điện thoại, tôi không thể dùng Google Maps khi cần tìm đường, không thể trả lời email, lướt qua Facebook để xem mọi người đang làm gì, nhưng tôi thấy rằng chưa bao giờ tôi cần đến mức không bỏ được điện thoại vào dịp cuối tuần.
Có thể tôi cảm thấy hơi chán, có cảm giác bị bỏ rơi hoặc mất mát, nhưng đó chỉ là tôi đang tìm cách từ bỏ một thói quen. Tôi thực sự không cần nó. Ở những nơi tôi tới có rất nhiều người có điện thoại, nên trong trường hợp khẩn cấp tôi vẫn có thể mượn điện thoại để gọi. Ngoài một vài sự bất tiện nhỏ, việc không có điện thoại không phải là một khó khăn hay thách thức.