Quỹ đạo Trái Đất đang bị lấp đầy bởi… rác vũ trụ. Đó là tất cả những gì do con người tạo ra đang trôi nổi xung quanh Trái đất một cách không kiểm soát và không thể thu hồi.
RS Components, một nhà phân phối các linh kiện điện tử và công nghiệp đã tổng hợp các số liệu và chỉ ra các quốc gia phải chịu trách nhiệm nhiều nhất với gần 30.000 mảnh rác vũ trụ trôi nổi quanh quỹ đạo của Trái Đất.
Khái niệm rác vũ trụ ban đầu chỉ dành cho những mảnh vỡ của các tàu không gian, vệ tinh. Qua thời gian, nó được mở rộng ra cho cả những thứ lớn hơn, chẳng hạn các vệ tinh không còn hoạt động, những bộ phận của tên lửa đẩy, đến những thứ nhỏ như khuy áo của phi hành gia.
Ảnh: MIT News
|
Theo RS Components, có gần 30.000 mảnh vụn đang trôi nổi quanh hành tinh của chúng ta. Digital Trends cho biết Nga là quốc gia phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho vấn đề rác vũ trụ, chỉ riêng nước này đã thải ra 14.403 mảnh rác vũ trụ bao gồm những mảnh vỡ của các tàu không gian hay những vệ tinh đã không còn tồn tại.
Đứng ở vị trí thứ hai là Hoa Kỳ với 8.734 mảnh vụn và tiếp theo là Trung Quốc (4.688 mảnh), Pháp (994) và Ấn Độ (517). Anh chỉ có một mảnh rác vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo. Trước đây, quốc gia này có 4 mảnh nhưng đã bị phân rã. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lượng rằng lượng rác trôi nổi trong không gian đã tăng gấp đôi chỉ trong vài năm gần đây.
“Theo phân tích của chúng tôi, số lượng rác không gian đang nhiều hơn trước, chỉ trong vòng hai năm số lượng rác vũ trụ đã tăng 448 mảnh - chỉ tính top 5 quốc gia thải ra lượng rác vũ trụ nhiều nhất”, một phát ngôn viên của RS Components nói với Digital Trends.
“Từ năm 2018 đến nay, rác vũ trụ do Nga thải ra đang ở mức rất cao, hơn khoảng 10.000 mảnh so với Trung Quốc và hơn Mỹ 6000 mảnh. Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng các mảnh rác vũ trụ, với hơn 124 mảnh xung quanh Trái Đất trong vòng hai năm. Điều quan trọng ở đây là chúng tôi muốn mọi người nhận thức được quy mô của sự gia tăng rác thải trên vũ trụ”.
Thường thì một số rác vũ trụ không bay cao lên được và sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển, nhưng hầu hết nó vẫn nằm lại quỹ đạo mà không có cách gì để loại bỏ. Một số giải pháp cho vấn đề rác vũ trụ đã được đưa ra, như hệ thống dọn rác lấy cảm hứng từ tắc kè đến đề xuất tránh hệ thống tránh va chạm, hệ thống giám sát trên mặt đất và cảnh báo về các vụ va chạm sắp xảy ra liên quan đến rác vũ trụ.
Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách hơn khi số vệ tinh được phóng lên vũ trụ gia tăng, và các mảnh vụn không gian vào số vụ va chạm cũng tiếp tục tăng. Vì lý do này mà nhiều chuyên gia đã kiến nghị một dự luật quy định nghiêm ngặt hơn để giải quyết những vấn đề nan giải xung quanh câu chuyện rác vũ trụ.
Theo Digital Trends