|
Thủ lĩnh Hamas Haniyeh và ngôi nhà nơi ông bị sát hại (Ảnh: Singtao). |
Ông Haniyeh đã bị sát hại bằng tên lửa chống tăng?
Một bài báo trên trang web i24NEWS của Israel ngày 31/7, giờ địa phương, tiết lộ rằng vụ tấn công xảy ra vào khoảng 2h00 sáng ngày hôm đó. Một tên lửa chống tăng "Spike" do Israel sản xuất đã được phóng từ gần nơi ở của ông Haniya và bắn trúng phòng ngủ của ông.
Truyền thông Iran cho rằng các vệ sĩ của ông Haniyeh đã làm rò rỉ thông tin quan trọng dẫn đến việc ông bị mưu sát. Cả Hamas và Iran đều cho rằng Mỹ đã hỗ trợ cho cuộc tập kích này, nhưng phía Mỹ cho biết họ "không hay biết gì".
Có thông tin tiết lộ rằng ông Haniya đã thiệt mạng do một quả tên lửa Spike "trực tiếp" bắn trúng, đồng thời cửa ra vào, cửa sổ và tường của căn phòng nơi Haniya ở đều bị phá hủy.
Hãng Sky News của Anh dẫn nguồn tin của Iran nói rằng đây là một cuộc tấn công chính xác. Theo báo cáo, ông Ziad al-Nakhala, Tổng thư ký của Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Jihad), ở cùng tòa nhà với ông Haniyeh vào thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng ông Nakhala không bị thương và cuộc tập kích dường như nhắm mục tiêu chính xác tới ông Haniyeh ở một tầng khác.
Đài truyền hình Al Arabiya của Saudi dẫn lời truyền thông Iran cho biết ông Haniyeh ở trong một khu nhà được thiết lập đặc biệt dành cho các cựu chiến binh ở Tehran, Iran vào thời điểm xảy ra vụ việc và tên lửa đã bắn thẳng vào vị trí của ông Haniyeh.
Sau vụ việc ông Haniyeh bị sát hại, một bức ảnh chụp một tòa nhà bị hư hại đã được lan truyền trên mạng xã hội Telegram. Theo giới thiệu đây được cho là nơi ông Haniyeh tử nạn. Một quan chức giấu tên của Iran đã xác nhận với truyền thông rằng đây chính là địa điểm ông Haniya bị tập kích.
Trong ảnh chụp, một góc của tòa nhà dường như đã bị hư hại nghiêm trọng, được che phủ bởi nhiều tấm rèm chắn mưa màu xanh lá cây, và vẫn có thể nhìn thấy đống đổ nát trên sân thượng của tầng một. Tờ New York Times đã tiến hành khớp bức ảnh với hình ảnh vệ tinh và xác nhận rằng tòa nhà này nằm gần Cung điện Sadr Abad ở phía bắc Tehran. Nhiều sự kiện đối ngoại của Iran đều được tổ chức tại cung điện này.
Mặc dù nhiều bên, trong đó có Hamas và Iran, cáo buộc Israel đứng sau vụ tập kích nhưng phía Israel không xác nhận cũng không phủ nhận điều này. Ông Amir Saeid Iravani, đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, khi phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ, ngoài việc cáo buộc Israel là hung thủ, ông còn cáo buộc Mỹ có liên đới, nói: “Đối với những tội ác khủng khiếp mà chế độ Israel đồng minh chiến lược và người ủng hộ chính của họ ở Trung Đông đã gây ra, Mỹ không thể chối bỏ trách nhiệm”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Channel News Asia rằng Mỹ "không biết trước và không liên quan đến sự kiện này". Ông Blinken cho biết lệnh ngừng bắn và để con tin trở về nhà là rất quan trọng và Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu đó. “Điều quan trọng nhất là hy vọng rằng sự việc có thể đi theo con đường tốt hơn để thực hiện hòa bình lâu dài hơn và an ninh lâu dài hơn”, ông nói.
Uy lực của tên lửa chống tăng Spike
Tên lửa chống tăng Rafael Spike là một series tên lửa được Công ty Rafael của Israel hợp tác với Deere Defense (một phần của Rheinmetall Defense Electronics) và Bharat Dynamics Ltd. nghiên cứu phát triển. Đây là vũ khí chống tăng dẫn đường bằng tia hồng ngoại thế hệ thứ tư được trang bị đầu đạn chống tăng cỡ 170mm có sức sát thương mạnh.
Spike là tên lửa kiểu “bắn và quên”, có thể khóa mục tiêu trước khi phóng và tự động tự dẫn đường sau khi phóng. Tên lửa được trang bị đầu dò hồng ngoại hình ảnh.
Ngoài việc được sử dụng để tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắm của bệ phóng theo phương thức “bắn và quên”, một số biến thể tên lửa còn có thể đạt được hiệu quả tấn công đỉnh cao thông qua phương thức dẫn đường “phóng, quan sát và cập nhật”.
Tên lửa được phóng và leo lên độ cao, người điều khiển có thể theo dõi mục tiêu bằng quang học thông qua các dây cáp quang kéo dài (hoặc liên kết RF trong trường hợp các biến thể NLOS tầm xa. Cấu hình bay của tên lửa này khi thiết lập quỹ đạo tương tự như tên lửa FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất).
Tên lửa cũng có khả năng “phóng mềm” - tên lửa chỉ điểm hỏa động cơ sau khi đã rời khỏi bệ phóng - cho phép Spike được phóng từ không gian chật hẹp (chẳng hạn như các tòa nhà), điều này cần thiết trong chiến tranh đô thị: không tạo ra dấu hiệu phóng lớn khiến vị trí của người bắn tên lửa Spike có nguy cơ bị đối phương phản công. Có ý kiến cho rằng vụ tập kích ông Haniyeh đã được thực hiện theo cách này.
Tên lửa Spike có thể được xạ thủ thao tác điều khiển từ bệ phóng hoặc có thể được gắn trên giá súng của phương tiện như xe tấn công nhanh, xe bọc thép chở quân hoặc xe đa dụng. Bằng cách này, những phương tiện thường không được trang bị vũ khí chống tăng cũng có thể có khả năng chống tăng.
Tên lửa Spike cũng đã được thử nghiệm để sử dụng như một hệ thống vũ khí của máy bay không người lái SAGEM Sparrow. Nó cũng đã được lắp đặt trên trực thăng đa năng UH-60 "Black Hawk", UH-60M "War Hawk" và cả trên tàu mặt nước hạng nhẹ.
Tên lửa Spike có nhiều phiên bản: Spike-SR, Spike-MR, Spike –LR, Spike-LRII, Spike-ER, Spike-NLOS tầm xa, Spikemini APGW. Theo tính toán, mỗi quả tên lửa Spike có giá 100.000 USD, đã có hơn 27.000 quả đã được xuất xưởng. Tùy theo phiên bản, đạn nặng từ 8kg (Spike-ER) đến 70kg (Spike-NLOS).
Hiện nay, ngoài Israel, quân đội nhiều nước khác cũng đã mua và đưa Spike vào trang bị, bao gồm: Australia, Azerbaijan, Bỉ, Chile, Colombia, Croatia, Séc, Ecuador, Phần Lan, Đức, Italy, Latvia, Litva, Hà Lan, Peru, Philippines , Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Singapore, Slovakia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Anh và Ukraine.
Lãnh tụ tối cao Iran thề "trả thù", kêu gọi "tấn công trực tiếp" Israel
Thủ lĩnh Hamas bị ám sát và nguy cơ dẫn đến chiến tranh toàn diện ở Trung Đông
Hezbollah là gì và tại sao Israel tiến hành cuộc không kích nhằm vào Beirut?
Theo Singtao