Tăng giá điện giúp thu hút đầu tư
Mặc dù giá điện đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng được hơn một tháng, nhưng những vấn đề xung quanh về hoạt động của ngành điện luôn được nhiều người quan tâm.
Trả lời câu hỏi của PV về tình hình thu hút đầu tư của ngành điện sau khi quyết định tăng giá từ ngày 16/3 vừa qua tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Công Thương, ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, giá điện được xem là tín hiệu để nhà đầu tư xem xét quyết định đầu tư.
Cũng theo ông Phong, Chính phủ và Bộ Công Thương đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, đơn cử như đã thành lập 3 Tổng công ty phát điện. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này cũng phải có lộ trình điều chỉnh giá điện sao cho minh bạch, tiếp cận được với giá thị trường. “Chính phủ hiện đang tái cơ cấu mạnh mẽ ngành điện, trong đó giá điện là một trong những vấn đề quan trọng nhất, bởi giá điện và năng lượng là tín hiệu quan trọng giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện", ông Phong khẳng định.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án về năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đều là các dự án đòi hỏi quy mô đầu tư lớn.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian qua, quá trình cải cách thủ tục hành chính của chúng ta đã đi kèm những nguyên tắc mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường trong nước. Việc điều hành giá điện cũng đang theo nguyên tắc kinh tế thị trường, nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nhu cầu phát triển kinh tế rất lớn. Sắp tới, việc đầu tư vào các dự án điện mong chờ nguồn vốn không chỉ từ vốn vay ODA, mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách, các cơ chế liên quan đến thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục được thực hiện công khai minh bạch, phân cấp rõ ràng.
“Chúng tôi tin rằng thời gian tới môi trường và cơ chế phê duyệt các dự án đầu tư, sẽ được cải thiện nhiều hơn so với trước đây”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Sẽ hạn chế mua điện từ Trung Quốc
Cũng liên quan đến tình hình hoạt động của Tập đoàn điện lực Việt Nam, trả lời câu hỏi của PV về sản lượng điện mua của Trung Quốc trong tháng 4 và kế hoạch mua điện từ Trung Quốc trong thời gian tới, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc cho biết, hiện sản lượng điện mua Trung Quốc trong tháng 4 chưa có số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên, sản lượng điện mua từ Trung Quốc trong tuần vừa qua của tháng 4 chiếm khoảng 1%, tổng lượng điện thương phẩm của nước ta. Tỷ lệ này cũng tương đương với các tuần còn lại trong tháng 4.
Ông Phúc cho biết thêm, hiện nay, hiện các nhà máy điện của miền Trung đang ít nước do từ đầu năm đến nay mưa ít, lượng thủy văn về các hồ hạn chế. Các nhà máy điện phải phát cầm chừng, bởi EVN đang phối hợp với Uỷ ban nhân dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, tính toán lượng điện phát nhằm đảm bảo từ giờ đến hết mùa khô, duy trì lượng nước tối thiểu ở hạ du để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt người dân.
Mặc dù tình trạng khô hạn tại nhà máy điện của miền Trung xảy ra, nhưng theo ông Phúc, lượng điện mua của Trung Quốc trong năm nay sẽ không tăng lên, do các nguồn phía Bắc hiện khác tốt, dự phòng cao.
“Lượng điện của các nhà máy Miền Trung tuy phát ít, nhưng EVN sẽ tăng cường lượng điện phát của các nhà máy thủy điện phía Bắc để chuyển vào phía Nam. Lượng điện mua Trung Quốc sẽ duy trì ở mức thấp theo hợp đồng mua bán điện đã ký”, ông Phúc cho biết.
Theo: VnMedia