Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra một số nội dung đối với Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đối với việc chuyển nhượng “đất vàng” 69 Nguyễn Du, TTCP xác định thẩm quyền quyết định việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thuộc UBND TP. Hà Nội.
Do đó, việc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.
Sau khi mua, PVC không tiến hành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà đề xuất và được PVN đồng ý thông qua chủ trương cho phép chuyển nhượng cơ sở nhà đất trên. Sau đó, PVC thuê CTCP Sông Đà Toàn Cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm và ủy quyền cho công ty tư vấn bán đấu giá trong khi UBND TP. Hà Nội chưa có quyết định giao đất là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.
Ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng không số, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Khoáng sản Hợp Thành). Mặt khác, khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP. Hà Nội giao đất. Vì vậy, TTCP cho rằng việc chuyển nhượng quyền sử đất tại số 69 Nguyễn Du (Hà Nội) là không có cơ sở pháp lý, sai quy định.
Theo TTCP, trách nhiệm thuộc về PVC, PVN, UBND TP. Hà Nội, Bộ tài chính và các cơ quan liên quan trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 69 Nguyễn Du (Hà Nội).
Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các phát sinh.
“Đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật” – kết luận thanh tra nêu rõ.
Ngày 5/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6393/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với kết luận thanh tra nêu trên. Trong đó có giao các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Với vai trò là chủ mới của khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du, Khoáng sản Hợp Thành rơi vào vị thế tương tự như lần thu hồi số cổ phần mà cổ đông Nhà nước đã bán sai tại CTCP Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn) trước đó.
Ở cả hai thương vụ, phần tài sản mà Khoáng sản Hợp Thành nhận được từ cổ đông Nhà nước sau đó đã được công ty này thế chấp tại các nhà băng để vay vốn.
Đối với “đất vàng” 69 Nguyễn Du, như VietTimes từng đề cập, tháng 12/2015, Khoáng sản Hợp Thành đã thế chấp các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của thửa đất hoặc của hạ tầng kỹ thuật trên đất) liên quan tới khu đất này để vay vốn tại một nhà băng.
Hiện chưa rõ hợp đồng tín dụng này đã được tất toán hay chưa, chỉ biết rằng, so với thời điểm nhận “đất vàng” 69 Nguyễn Du, Khoáng sản Hợp Thành đã có nhiều thay đổi trong cơ cấu cổ đông.
Cụ thể, vào tháng 3/2017, ngay sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương có ý kiến yêu cầu xem lại quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, ông Lê Hồng Thái – cổ đông sáng lập, nắm giữ 45% cổ phần – đã triệt thoái vốn khỏi Khoáng sản Hợp Thành.
Ông Lê Hồng Thái được đồn đoán có nhiều mối liên hệ với nhóm Trịnh Xuân Thanh tại PVC./.