|
Quầy đón tiếp bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đông nghẹt (Ảnh: Hoà Bình) |
Bệnh viện Ung Bướu có thời điểm quá tải 270%
Phóng viên: - Thưa bác sĩ, quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh từ ngày 1/1/2021 đã đi vào thực tế như thế nào?
TS.BS Diệp Bảo Tuấn: - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (BVUB) là bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối, khám và điều trị các bệnh lý ung bướu cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía nam. Từ nhiều năm nay, BVUB luôn trong tình trạng quá tải, có thời điểm tình trạng quá tải lên đến 270% (1.700 bệnh nhân nội trú/630 giường thực kê). Có tới 75% bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú đến từ các tỉnh”.
Trước thời điểm 1/1/2021, BVUB có 82% bệnh nhân nội trú có BHYT, 32% bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú có BHYT (là BHYT đúng tuyến, có giấy chuyển tuyến hợp lệ, số còn lại hoặc là không có BHYT hoặc là BHYT trái tuyến, không được hưởng quyền lợi nên bệnh nhân thường không khai báo). Trong 82% bệnh nhân BHYT nội trú, có 67% là BHYT đúng tuyến, còn lại 15% là BHYT trái tuyến chỉ được hưởng 60% quyền lợi theo quy định. Như vậy dù chưa có quy định thông tuyến tỉnh toàn quốc thì đã có 15% nội trú vượt tuyến BHYT lên điều trị tại BVUB.
Hiện nay, do nhiều quy định, đặc biệt là phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, nên chúng tôi chỉ nhận khoảng 500-600 bệnh nhân nội trú mỗi ngày (với 630 giường thực kê); 3800 lượt khám bệnh ngoại trú/ngày. Cũng với tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp nên số bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại BVUB đã giảm khoảng 10-15%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự đoán với quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh có hiệu lực từ 1/1/2021, BVUB sẽ đón nhận thêm một số bệnh nhân vượt tuyến (ngoài 15% bệnh nhân vượt tuyến trước đây), số lượng cụ thể ra sao thì BVUB đang ghi nhận.
*Ngoài nguy cơ quá tải giường bệnh, việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh còn khiến bệnh viện đối mặt nguy cơ vượt quỹ BHYT?
TS.BS Diệp Bảo Tuấn: - Đúng vậy. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình khám và điều trị BHYT mỗi ngày để có đối sách phù hợp, đồng thời thống kê các biến động đầy đủ làm cơ sở để kiến nghị giải trình vượt dự toán quỹ BHYT vào cuối năm.
|
Có thể nhìn thấy trước nguy cơ quá tải bệnh viện đồng thời vượt quỹ BHYT (Ảnh: Hoà Bình) |
Giải pháp sáng tạo ứng phó với tình hình mới
*Quan sát của phóng viên cho thấy, người bệnh xếp hàng tại quầy đón tiếp bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại BVUB rất đông. Xin bác sĩ cho biết về các giải pháp mà BVUB đã ứng dụng để ứng phó với nguy cơ quá tải nhìn thấy trước?
TS.BS Diệp Bảo Tuấn: - Để ứng phó với tình hình quá tải thêm sau khi quy định thông tuyến tỉnh BHYT có hiệu lực, ngay từ cuối năm 2020, BVUB đã chủ động tập huấn cho nhân viên y tế về quy định thông tuyến tỉnh cũng như tuyên truyền cho bệnh nhân và thân nhân về quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, trong đó lưu ý bệnh nhân BHYT cần có giấy chuyển tuyến hợp lệ để được hưởng quyền lợi BHYT đầy đủ, vì trước khi được nhận nội trú điều trị, bệnh nhân thường trải qua giai đoạn điều trị ngoại trú với nhiều chi phí điều trị (trừ trường hợp cấp cứu).
BVUB cũng đã ban hành chỉ định nhập viện điều trị nội trú chặt chẽ, đúng quy định, tránh để tình trạng lạm dụng nhập nội trú xảy ra. Chuẩn bị nhân sự và phương án dự phòng để nếu cần sẽ huy động thêm nhân lực tham gia khám bệnh. Tổ chức khám và điều trị thêm giờ, ngoài giờ hành chánh nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh để giảm thủ tục hành chánh, giảm thời gian chờ đợi như việc lấy số khám bệnh qua tổng đài, qua app; thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng, … đều được đẩy mạnh tại BVUB.
Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo bệnh nhân nên đăng ký khám bệnh từ xa để có số khám bệnh trước, tránh tập trung nhiều trong BVUB trong cùng một thời điểm. Phối hợp, hợp đồng với một số bệnh viện (như BV Đa khoa Hồng Đức, BV Đa khoa Sài gòn, BV Phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp) để chuyển bệnh nhân qua điều trị tại đây tránh quá tải nội trú.
Tích cực kiến nghị với các cấp nhằm cố gắng đưa cơ sở 2 BVUB (ở quận 9) với quy mô 1.000 giường nội trú vào hoạt động đồng bộ sớm nhất có thể. Hiện tại, từ tháng 10/2020, BVUB đã triển khai khu Khám bệnh của cơ sở này đi vào hoạt động.
|
Bệnh nhân trông chờ vào chính sách BHYT thay đổi nhưng bệnh viện đối mặt nhiều nguy cơ (Ảnh: Hoà Bình) |
*Việc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới ở BVUB nhằm nâng cao năng lực tuyến dưới, đồng thời tránh quá tải cho tuyến trên được thực hiện như thế nào thưa bác sĩ?
TS.BS Diệp Bảo Tuấn: - BVUB rất tích cực tham gia các công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến tỉnh và các BV khác trên địa bàn TP.HCM qua các đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh.
BVUB là Bệnh viện hạt nhân tham gia đề án BV vệ tinh từ năm 2013 – 2020, giúp chuyển giao kỹ thuật và đào tạo chuyên môn cho 9 bệnh viện: BV Ung Bướu Cần Thơ, BV Đa khoa Khánh Hòa, BV Quân Y 175, BV Ung Bướu Đà Nẵng, BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Đồng Nai, BV Đa khoa Lâm Đồng, BV Đa khoa Kiên Giang, BV Đa khoa Cà Mau.
Tại TP.HCM, ngoài công tác hỗ trợ tuyến cho các bệnh viện về chuyên ngành Ung bướu, BVUB còn thường xuyên đưa các bác sĩ tham gia khám chuyên khoa ung bướu tại các quận 2, quận 9 và quận 12.
Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM luôn cố gắng phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân trong hoàn cảnh và nguồn lực hiện có của bệnh viện, đồng thời BVUB cũng thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành y tế, của nhà nước trong công tác khám, chữa bệnh ung bướu cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía nam.