Thông tin không chính xác ảnh hưởng đến chiến lược phòng, chống dịch
Trao đổi với PV VietTimes trong sáng nay, ngày 23/8, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết: “Những thông tin cho rằng nhiều người Hà Nội, TP. HCM không đi đâu, chỉ ngồi ở nhà, không tiếp xúc với ai mà vẫn mắc COVID-19 về cơ bản là không đúng, không có bằng chứng khoa học, gây ảnh hưởng không tốt tới chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay”.
PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội (Ảnh - BSCC) |
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, cho tới nay, trong tất cả các hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 của các tổ chức y tế quốc tế hàng đầu (WHO, CDC Hoa Kỳ) và của Bộ Y tế đều khẳng định virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua giọt bắn hô hấp khi tiếp xúc gần (dưới 2 m) với người bệnh COVID-19, hoặc qua đường tiếp xúc (chủ yếu qua tiếp xúc của bàn tay vào các bề mặt ô nhiễm dịch tiết hô hấp của người bệnh COVID-19).
“Virus SARS-CoV-2 lây truyền qua đường không khí chỉ xảy ra trong một số hoàn cảnh đặc biệt (như ở cùng người nhiễm bệnh tại nơi có thông khí môi trường rất kém hoặc với nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc đường thở người nhiễm bệnh). Hiện không có bằng chứng lây truyền COVID-19 qua đường không khí ở ngoài cộng đồng. Nếu một người và các thành viên khác trong gia đình họ chỉ luôn ở trong nhà, không tiếp xúc với người ngoài hoặc các đồ vật có nguy cơ lây nhiễm từ ngoài mang vào nhà, thì người đó và gia đình họ không thể mắc COVID-19 được, và đó là biện pháp phòng ngừa tốt nhất trong thời điểm dịch đang bùng phát hiện nay” - PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng nói.
Virus SARS-CoV-2 (Ảnh - Minh Thuý) |
Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm: “Một người nói “chỉ ở nhà” mà bị nhiễm thì cần xem lại xem các thành viên khác trong gia đình có ra ngoài hay không, có giao tiếp với hàng xóm xung quanh không, có sử dụng các dịch vụ chung (thang máy, hốt đổ rác thải, hành lang chung…), người đó ở chung cư hay không, có nhận các đồ cung cấp từ bên ngoài mà không rửa tay ngay sau đó hay không”.
Để chủ động phòng, chống dịch, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo người dân nên ở nhà để không tiếp xúc với người khác, với môi trường bên ngoài. Đây biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay, kể cả với người đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Khi ở nhà, người dân cần mở cửa sổ và bật quạt để duy trì thông khí môi trường trong nhà luôn thoáng mát, lau sàn nhà và các bề mặt khác 1-2 lần/ngày, rửa tay thường xuyên nhất là ngay sau khi nhận đồ cung cấp từ bên ngoài, sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tay tiếp xúc với bề mặt ô nhiễm.
Virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn
Trước những lo ngại của người dân xung quanh việc chỉ ngồi ở nhà mà vẫn mắc COVID-19, thông tin với PV VietTimes, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – cho biết: “Không có chuyện chỉ ngồi trong nhà vẫn mắc COVID-19. Chỉ những trường hợp nào đi ra ngoài hoặc nhận hàng không cẩn thận, người khác đi ra ngoài rồi nhiễm bệnh thì những người ở trong nhà mới có nguy cơ mắc COVID-19. Về thông tin virus SARS-CoV-2 có trong không khí, tôi khẳng định virus SARS-CoV-2 không lây truyền trong không khí. Cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 chủ yếu qua giọt bắn. Gần đây còn có thông tin SARS-CoV-2 truyền qua khí dung là sai. Khí dung khác giọt bắn. Việc virus SARS-CoV-2 có trong khí dung chỉ xảy ra trong bệnh viện chứ không có ngoài cộng đồng”.
BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM (Ảnh: BSCC) |
Đặc biệt, BS. Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Hiện nay, để tự phòng bệnh mỗi người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Người dân cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ bàn tay để phòng dịch, phải rửa tay, khử khuẩn thường xuyên, tuyệt đối không đưa tay sờ lên mũi, miệng để phòng dịch”.
Đồng quan điểm với BS. Trương Hữu Khanh, TS. Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - khẳng định: Cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 là qua giọt bắn chứ không phải qua không khí.
“Virus lây qua giọt bắn to hoặc nhỏ dạng Son khí (aerosol) chứ không có chuyện virus lây qua không khí. Đây là cách hiểu sai lầm. Virus tách ra khỏi giọt thì chết ngay do tác động của ngoại cảnh. Vỏ bọc của virus là lipid dễ tan trong nhiệt. Nếu lây qua không khí thì chỉ có đeo khẩu trang N95 thôi còn các loại khác vứt hết” - TS. Nguyễn Huy Nga nói.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh - Đặng Thanh) |
Thông tin cho rằng virus SARS-CoV-2 lây qua không khí, lây ở khắp nơi, ở trong nhà không đi đâu mà bị dịch là sai. Tuyên truyền các thông tin như vậy sẽ làm cho dân hoang mang, mất tin tưởng vào các biện pháp 5K (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập) trong phòng dịch.
“Những trường hợp chỉ ở trong nhà mà vẫn mắc COVID-19 phải điều tra cụ thể có chắc là họ không đi đâu? “Tôi đã từng hỏi nhiều người bệnh về dịch tễ. Họ đi lấy mẫu xét nghiệm, đi tiêm vaccine, đi mua thuốc, đeo khẩu trang sai cách khi ra ngoài,… vì thế không có chuyện chỉ ngồi trong nhà mà mắc bệnh” – TS. Nga nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Huy Nga, để phòng dịch hiệu quả, TP. HCM và Hà Nội phải chuẩn bị hệ thống điều trị, diễn tập tình huống, nâng cao kỹ năng khám và chữa bệnh COVID-19; thiết lập một hệ thống y tế phản ứng ứng linh hoạt, truyền thông, củng cố y tế các cấp, xét nghiệm phát hiện các ca nghi ngờ, xét nghiệm máu đánh giá miễn dịch cộng đồng.
Đối với người dân, điều quan trọng nhất để phòng dịch là tuân thủ các biện pháp 5K theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Đeo khẩu trang đúng chất lượng và đúng cách.