Thống nhất chuẩn chính tả tiếng Việt: Cần có vai trò của công nghệ thông tin

VietTimes - Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo về chuẩn chính tả tiếng Việt để áp dụng cho sách giáo khoa và ấn bản giáo dục để có thể áp dụng chính thức từ năm học 2019 – 2020. Bên cạnh nhiều điểm đã thống nhất, hiện vẫn còn một số tranh cãi và đáng tiếc là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không mời các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) tham dự cuộc hội thảo này. 
Bìa sách giáo khoa được viết "i" chứ không phải "y" khiến không ít người không hài lòng
Bìa sách giáo khoa được viết "i" chứ không phải "y" khiến không ít người không hài lòng

Theo TS Mai Anh – nguyên Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, có rất nhiều việc trong lĩnh vực ngôn ngữ học cần đến vai trò của CNTT. Với nhiều trường hợp chưa thống nhất về chính tả, hoàn toàn có thể dùng CNTT để thống kê nhằm đưa đến một chuẩn hợp lý có thể áp dụng. Cụ thể có thể nói đến việc “y” được đưa về “i” trong những trường hợp phát âm giống nhau. Hiện tại, ngay trên bìa của sách giáo khoa Vật lý và Địa lý, người ta đã viết “i” thay vì “y”. GS TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho biết, sự thống nhất này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng từ gần 40 năm nay và trên thực tế “y” được thay bằng “i” đã được xã hội chấp nhận với một số từ như bác sĩ, tiến sĩ, liệt sĩ. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp khác thì xã hội, trong đó có báo chí trừ Tuổi trẻ Thủ đô không chấp thuận sử dụng.

Thêm một thực tế nữa theo Thạc sỹ Đào Tiến Thi – Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từng theo chuẩn của Bộ để khắc con dấu ghi là “công ti” song đã bị khách hàng từ chối ký hợp đồng nên đã phải sử dụng lại con dấu cũ của mình. Tuy nhiên, GS TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, tên doanh nghiệp kể cả chữ “công ty” là tên riêng nên không thể sử dụng “i”. Song GS TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, chuẩn chính tả này chỉ là của riêng ngành giáo dục chứ không phải là chuẩn quốc gia.

Nhân câu chuyện này, xin đề cập đến một thực tế nữa. Đó là chữ “hòa” phải được đánh dấu vào “a” thì mới là đồng nhất với “hoàn” và “hoàng”. Điều này đã được các nhà ngôn ngữ học và các chuyên gia tin học mà đại diện là TS Quách Tuấn Ngọc (tác giả hệ soạn thảo BKED) thống nhất từ đầu những năm 1990 vì “a” mới là trọng âm, còn “o” chỉ là nguyên âm phụ. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua rất nhiều ấn bản đã viết là “hòa” mà nguyên nhân vì Bộ Thông tin và Truyền thông từng khuyến cáo sử dụng bộ gõ Unikey song bộ gõ này lại đặt chế độ mặc định để đặt dấu vào “o” (!). Rất mừng là trong chuẩn chính tả mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến để chuẩn bị ban hành, điều này đã được khắc phục.

Theo TS Quách Tuấn Ngọc, thống nhất một chuẩn chính tả chung cho tiếng Việt chỉ là một trong những công việc đầu tiên mà ngành CNTT có thể tham gia. Nhìn một cách tổng thể hơn, trong Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã có đề cập “xử lý tiếng Việt” là một trong những nhiệm vụ phải đặt ra. Có chuẩn chính tả tiếng Việt rõ ràng, phần mềm sẽ tự động soát lỗi và đưa văn bản được soạn thảo trên máy tính về với đúng chuẩn đã quy định. GS VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam thì khẳng định, xây dựng những chuẩn mực về tiếng Việt tuy là nhiệm vụ của ngành giáo dục nhưng không phải là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục. Chính phủ và Quốc hội cần phải cùng có trách nhiệm với vấn đề này.

Riêng với CNTT, đó không chỉ là công cụ để thống kê, giải quyết những tồn tại của chuẩn mực ngôn ngữ tiếng Việt mà còn rất nhiều việc cần làm như góp phần cho công tác biên soạn từ điển, xử lý tiếng nói, công nghệ dịch thuật, hỏi đáp thông minh… và đương nhiên là không thể quên một vấn đề là sự bình đẳng của các dân tộc thiểu số trong môi trường CNTT và Internet.