|
Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội (Ảnh minh họa - Nguồn: quochoi.vn) |
Sáng ngày 6/6/2019, trong phiên chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng được mời trả lời một số câu hỏi liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ.
Trong đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm về giải pháp của Chính phủ khi Việt Nam được đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo người đứng đầu NHNN, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra danh sách 9 quốc gia cần giám sát về chính sách tiền tệ trong báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.
Có 3 tiêu chí để nhà chức trách của Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, bao gồm: (1) Thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; (2) Thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và (3) can thiệp ngoại hối 1 chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) trên 2% GDP.
Trong đó, Việt Nam thỏa mãn 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai, còn can thiệp ngoại hối 1 chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
“Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách thực hiện thao túng tiền tệ” - Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Người đứng đầu NHNN cũng khẳng định Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tỷ giá, để tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng.
Các khuyến nghị chính sách của Mỹ đưa ra tương đồng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và NHNN đang trong lộ trình triển khai để điều hành kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục làm việc cung cấp thông tin cần thiết với phía Mỹ để làm rõ những định hướng điều hành, diễn biến kinh tế vĩ mô, cán cân vãng lai đối với Mỹ./.
Chủ động ứng phó tác động từ cạnh tranh thương mại Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam, ông Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao - cho biết đây là quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của tất cả các nước, bởi cuộc cạnh tranh này tác động đến kinh tế thế giới và khu vực. Phó Thủ tướng cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá nếu “cuộc chiến” này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hướng tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể giảm từ mức 3,5% xuống còn 3,2%. Đối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn, bất cứ một tác động nào của kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam. Ngay trong năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và đã thành lập ban chỉ đạo để nghiên cứu, đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án và biện pháp cần thiết để bảo đảm nền kinh tế của chúng ta tiếp tục phát triển; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, linh hoạt tỷ giá; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, tình hình hiện nay cũng đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, đầu tư nước ngoài tăng nhưng đây cũng là thời điểm chúng ta cần có chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, lựa chọn chất lượng, bảo vệ môi trường. "Chúng ta phải hết sức cảnh giác việc hàng hóa có thể thông qua Việt Nam để xuất khẩu đến các thị trường khác" - Phó Thủ tướng lưu ý./. |