Thời đại của chatbot đang đến

Chatbot là gì, tại sao những “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Facebook lại xem nó như ưu tiên hàng đầu và ném hàng tỷ USD vào đó?
 Nếu đang sử dụng Siri, bạn đang làm việc với chat bot.
Nếu đang sử dụng Siri, bạn đang làm việc với chat bot.

Về cơ bản, chatbot là một hình thức thô sơ của phần mềm trí tuệ nhân tạo. Nó hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống càng thật càng tốt. Phạm vi và sự phức tạp của chatbot được xác định bởi thuật toán của người tạo nên chúng.

Chatbot là sự kết hợp của các kịch bản có trước và tự học trong quá trình tương tác. Với các câu hỏi được đặt ra, chatbot sẽ dự đoán và phản hồi chính xác nhất có thể. Nếu tình huống đó chưa xảy ra (không có trong dữ liệu), chatbot sẽ bỏ qua nhưng sẽ đồng thời “bắt chước” để áp dụng cho các cuộc trò chuyện thường xuyên (lặp đi lặp lại nhiều lần) về sau.

Ví dụ, bạn có thể yêu cầu chatbot tìm kiếm một bộ phim “bom tấn” đang chiếu trên khắp các rạp. Ngoài tên bộ phim, bạn có thể nhận được nhiều kết quả hơn, như thời gian chiếu, địa điểm tốt nhất, vị trí chố ngồi tốt nhất… và bạn không cần phải đặt thêm một câu hỏi nào khác nữa.

Có thể bạn đang sử dụng chatbot mà không hề hay biết. Nếu như bạn đã hỏi “trợ lý ảo” Siri của Apple hay Cortana của Microsoft một vấn đề gì đó, ví dụ “thời tiết hôm nay như thế nào?”, là bạn đã làm việc với một chatbot.

Trong hội nghị F8 vừa diễn ra tuần trước, Facebook đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chatbot trong tương lai và đang đặc biệt tập trung vào nó. Bằng chứng là hiện tại, ứng dụng Messenger đã cho phép các nhà bán lẻ, cửa hàng, các trang tin tức… tích hợp các công cụ để tương tác trực tiếp với người dùng và ngược lại. Việc đưa chatbot vào Messenger cũng là một phần giúp củng cố và nâng cao vị thế của ứng dụng để cạnh tranh với các đối thủ khác.

Tại F8, CEO Mark Zuckerberg đã chứng minh sức mạnh tiềm năng của chatbot bằng một chương trình của 1-800-Flowers, một dịch vụ đặt hoa tại Mỹ. Với Messenger, người dùng có thể đặt hoa nhanh chóng mà không cần phải gọi điện. Tất nhiên, các công việc như đặt taxi Uber, cập nhật thị trường chứng khoán phố Wall… cũng sẽ được thực hiện hoàn toàn trên ứng dụng nhắn tin của Facebook một cách dễ dàng và đơn giản, không rườm rà như trước nữa.

Chatbot sẽ là là phương tiện mới, hoạt động hiệu quả và nhanh chóng phổ biến, thay thế các ứng dụng trong tương lai gần.

Chatbot đầu tiên ra đời năm 1960, tên là Eliza, và là một chương trình máy tính của Joseph Weizenbaum (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ). Thực ra Eliza là nỗ lực của Joseph nhằm tạo ra một liệu pháp điều trị tâm lý mới bằng máy tính. Đây là chương trình giả làm bác sĩ tâm lý, có thể trả lời những câu hỏi đơn giản. Nếu câu nào không hiểu, máy sẽ lấy một từ khóa trong câu của bệnh nhân và bảo họ giải thích thêm. Mặc dù có sự hạn chế về nhiều mặt, Eliza vẫn được xem là tiền đề để có thể phát triển chatbot như ngày nay.

Chatbot sẽ bùng nổ và sẽ là một hiện tượng mới trong tương lai gần, cũng giống như các biểu tượng cảm xúc (emoji). Việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp dựa trên chatbot sẽ dễ dàng hơn và tự nhiên hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người dùng cũng cảm thấy thú vị hơn, không còn cảm giác như đó là một phương thức quảng cáo nữa.

Mặc dù chatbot không thể mang lại khả năng trải nghiệm toàn bộ ứng dụng nhưng nó có thể tạo ra cách tiếp cận mới hơn, linh hoạt hơn cho người dùng, đặc biệt là người dùng di động. Ví dụ, thay vì phải tải về và đăng ký một ứng dụng chuyên dụng nào đó, bạn chỉ cần gửi một đoạn văn bản đến "bot" và yêu cầu chúng hành động như mua vé xem phim, gọi taxi… hay đơn giản là đọc tin tức mới nhất thời điểm đó.

Như vậy, trong tương lai gần, các dịch vụ định hướng và chatbot có thể hòa hợp với nhau nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Và nó sẽ không “gây nên sự sợ hãi cho loài người” như các chuyên gia đã cảnh báo về mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo (AI).

Mức độ phổ biến và tầm ảnh hưởng của các ứng dụng nhắn tin hiện nay là rất lớn. Với việc Facebook tích hợp chatbot vào dịch vụ nhắn tin của mình, nhiều chuyên gia nhận định chatbot sẽ bao quát hầu hết các dịch vụ trực tuyến khác.

Bên cạnh đó, Facebook cũng đang phát triển công cụ “dạy” AI đọc truyện cho trẻ em, hay Google đang nghiên cứu Deep Mind, một hệ thống có thể dự đoán chính xác những thay đổi của thị trường chứng khoán… Công nghệ đằng sau chatbot đang phát triển chưa từng có, làm cho thiết bị số đang thông minh hơn rất nhiều. Có lẽ đến một ngày nào đó, loài người sẽ rơi vào hoàn cảnh như trong bộ phim Spike Jonze.

Chắc chắn không? Có lẽ nên thử hỏi một chatbot xem sao!

  (theo IBTimes)

VnExpress