Thoái vốn Vocarimex, Seaprodex, SCIC muốn “rót” nhiều nghìn tỷ vào Vietnam Airlines

VietTimes – Ban lãnh đạo SCIC mong muốn sẽ thoái vốn Vocarimex và Seaprodex ngay trong Quý 3/2020. Nếu thoái vốn thành công tại 2 doanh nghiệp này, nhiều khả năng SCIC sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm.
Toàn cảnh buổi gặp gỡ báo chí của SCIC sáng 11/6 (Ảnh: P.D)
Toàn cảnh buổi gặp gỡ báo chí của SCIC sáng 11/6 (Ảnh: P.D)

Trao đổi với báo chí sáng nay (11/6), ông Nguyễn Chí Thành - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đã chia sẻ về kết quả kinh doanh sơ bộ của SCIC trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, ước tính đến ngày 30/6, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC lần lượt đạt 52% và 53% kế hoạch. Trong đó, nguồn thu từ cổ tức đạt 52% kế hoạch, doanh thu từ bán vốn Nhà nước đạt 700 tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch năm). Được biết, trong cả năm 2019, SCIC chỉ thu về 314 tỷ đồng từ bán vốn Nhà nước.

Vị đại diện của SCIC cũng cho biết sắp tới tổng công ty này sẽ thực hiện bán vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật VIệt Nam (Vocarimex - Mã CK: VOC) và Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex - Mã CK: SEA).

Ban lãnh đạo SCIC mong muốn sẽ thoái vốn Vocarimex và Seaprodex ngay trong Quý 3/2020. Nếu thoái vốn thành công tại 2 doanh nghiệp này, nhiều khả năng SCIC sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm.

Như VietTimes từng đề cập, ngày 4/6 vừa qua, cơ cấu cổ đông của Seaprodex đã ghi nhận những sự biến động đáng chú ý. Theo đó, ông Ngô Minh Anh đã triệt thoái toàn bộ số cổ phiếu tương đương 20,1% vốn của Seaprodex, thay vào đó là sự xuất hiện của cổ đông lớn Nguyễn Văn Hùng.

Ông Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC) đánh giá kết quả kinh doanh 6 tháng vừa qua là sự cố gắng của tổng công ty này. SCIC đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội, bảo đảm công việc vẫn diễn ra bình thường, giải quyết các vấn đề trong quản trị, kinh doanh.

Về hoạt động đầu tư của SCIC, ông Nguyễn Đức Chi dành nhiều thời gian để chia sẻ về kế hoạch đầu tư vào Vietnam Airlines (Mã CK: HVN). Hiện, SCIC đang phối hợp với Vietnam Airlines, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) về kế hoạch này.

Theo ông Chi, Vietnam Airlines sẽ khó thoát khỏi khó khăn nếu chỉ áp dụng các giải pháp đơn độc, mà cần đến việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng vốn, đi vay, tái cấu trúc các khoản nợ, tái cấu trúc tài sản.

“SCIC mong muốn được tham gia vào quá trình tái cấu trúc Vietnam Airlines, giúp công ty này vượt qua khó khăn. Đây là mục tiêu trọng tâm mà chúng tôi theo đuổi. Tổng mức đầu tư của SCIC ở mức nhiều nghìn tỷ đồng” - ông Chi chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT SCIC nhấn mạnh tổng công ty sẽ không điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã được phê duyệt, mà còn cố gắng phấn đấu sẽ vượt kế hoạch (nếu có cơ hội thuận lợi).

Trước đó, chia sẻ với truyền thông trong nước, ông Nguyễn Chí Thành cho biết trong giai đoạn 2020 - 2025, SCIC dự kiến sẽ giải ngân đầu tư từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng mỗi năm, tập trung vỗn vào những ngành, lĩnh vực then chốt.

Về nguồn vốn, trong năm 2020, SCIC sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt mức vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng theo quy định và có lộ trình tiếp tục bổ sung tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư./.