Thoái vốn bằng cách hoán đổi cổ phần sang... căn hộ

VietTimes – Đó là cách làm đầy sáng tạo mà Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFC) áp dụng để thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội (HNPIC).
Phối cảnh dự án Hei Tower
Phối cảnh dự án Hei Tower

Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới nhất mà EVNFC công bố, tính đến ngày 31/03/2017, EVNFC đang có khoải đầu tư dài hạn trị giá 38,5 tỷ đồng tại HNPIC. Đây cũng chính là phần vốn góp của EVNFC trong vốn điều lệ của HNPIC.

Theo vốn điều lệ đăng ký ban đầu của HNPIC, là 350 tỷ đồng, thì phần sở hữu của EVNFC chiếm tỷ lệ 11% - mức vừa đủ để đáp ứng yêu cầu về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính.

Khoản 3, Điều 18,  Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015) quy định: “Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2014, Hội đồng quản trị HNPIC đã ban hành Nghị quyết thông qua việc tái cơ cấu, giảm vốn điều lệ công ty từ 350 tỷ đồng xuống 180,15 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, năm 2015, HNPIC đã tiến hành mua lại cổ phiếu phát hành làm cổ phiếu quỹ và đăng ký giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại thời điểm 30/06/2015, số lượng cổ phiếu đã phát hành của HNPIC là 31.929.840 cổ phiếu, trong đó số cổ phiếu quỹ là 13.914.690 cổ phiếu và số cổ phiếu đang lưu hành là 18.015.150 cổ phiếu

Ngày 04/09/2015, HNPIC được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh số 0102590284 đăng ký thay đổi lần 4, theo đó vốn điều lệ của Công ty được điều chỉnh còn 180.151.500.000 đồng.

Việc giảm vốn điều lệ trên đã dẫn đến tỷ lệ vốn góp của EVNFC tại HNPIC tăng lên thành 21,37% - vi phạm giới hạn góp vốn mua cổ phần của công ty tài chính mà NHNN đã quy định.

Để đảm bảo tuân thủ quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn Công ty và HNPIC đã thống nhất phương án thoái vốn thông qua hoán đổi cổ phần sang căn hộ của Dự án HEI TOWER do HNPIC làm chủ đầu tư”, EVNFC tiết lộ về phương án xử lý của mình.

Và theo EVNFC: “Đến thời điểm 31/03/2017, hai bên đã thống nhất các căn hộ hoán đổi và HNPIC đang nỗ lực làm việc với các sàn giao dịch bất động sản để tìm kiếm khách hàng và xây dựng các chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh công tác bán căn hộ để thu hồi vốn”.

Đến thời điểm này, chưa rõ “công tác bán căn hộ để thu hồi vốn” nêu trên đã tiến triển ra sao.

Chỉ biết từ cuối năm 2016, EVNFC đã thuyết minh như thế: “Đến thời điểm 31/12/2016, hai bên đã thống nhất các căn hộ hoán đổi và HNPIC đang nỗ lực làm việc với các sàn giao dịch bất động sản để tìm kiếm khách hàng và xây dựng các chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh công tác bán căn hộ để thu hồi vốn”.

Hei Tower là dự án bất động sản tọa lạc tại số 01, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Tp. HN, do HNPIC làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng trên diện tích 5.105m2, mật độ xây dựng 41,9%. Tổng diện tích xây dựng 2.140m2, với chiều cao công trình là 25 tầng (2 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật), với tổng vốn đầu tư 852 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn có chỗ để xe khá tương đối với sức chứa khoảng 555 xe máy và khoảng 216 xe ô-tô.

Hiện Hei Tower đã hoàn thiện và đi vào khai thác nhiều năm. Cách đây ít lâu, Hei Tower gây sự chú ý lớn với sự cố rơi tháng máy nghiêm trọng xảy ra tối ngày 19/8, khiến hai người bị thương.

Giữa năm 2014, công trình cũng gây lùm xùm khi chủ đầu tư tự chuyển đổi công năng nhiều sàn, khiến khách hàng bức xúc.

“Toàn bộ diện tích 4.480 m2 ban đầu được thiết kế dành cho văn phòng, hội trường cho thuê ở tầng 3, 4, 5 sẽ được Chủ đầu tư chia thành 61 căn hộ với diện tích từ 56m2, 65m2,77m2, 95m2 để bán”, một bài báo phản ánh.

Ai lập nên HNPIC?

Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội (HNPIC) được thành lập và hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103021585 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 27/12/2007, với ngành nghề kinh doanh chính là: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan đến đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp quy mô đến 110kV;...

HNPIC được sáng lập bởi 5 cổ đông. Trong đó có 4 cái tên là các doanh nghiệp Nhà nước, gồm: Tổng Công ty Điện Lực Việt nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), Công ty Điện Lực Thành Phố Hà Nội (nay là Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội – EVN Hanoi), và  Tổng Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex).

Cổ đông sáng lập ngoài quốc doanh duy nhất của HNPIC là Công ty TSQ Việt Nam, hay còn được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi Tập đoàn TSQ Finance. TSQ Finance tiền thân là Công ty TSQ Int’l Holding có trụ sở chính tại Warszawa (Ba Lan), do các doanh nhân Việt Nam sinh sống tại Ba Lan thành lập.

TSQ Finance bắt đầu trở về đầu tư tại Việt Nam từ năm 2006, là chủ đầu tư Dự án Làng Việt Kiều Châu Âu TSQ; Dự án Việt Kiều Châu Âu Euroland; Dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây (Ha Tay Millennium); Dự án Tòa tháp đôi (TM-01 và TM-02); Dự Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông).

Theo Điều lệ của HNPIC khi đó, trong tổng số 350 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty, EVN Hanoi đăng ký góp 126 tỷ đồng (36%); EVN đăng ký góp 52,5 tỷ đồng (15%); Vinaconex đăng ký góp 35 tỷ đồng (10%); Công ty TSQ Việt Nam đăng ký góp 35 tỷ đồng (10%).

Một báo cáo được HNPIC công bố vào tháng 11/2015 cho thấy, công ty này đặc biệt đề cao vai trò của Chủ tịch HĐQT công ty, là ông Nguyễn Danh Duyên (SN 1972).

“Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội có đội ngũ cán bộ, kiến trúc sư, kỹ sư điện có kinh nghiệm hành nghề nhiều năm, có năng lực cao trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đường dây và TBA. Hơn nữa Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty kiêm Phó Tổng Giám đốc xây dựng của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội là người có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đường dây và TBA từ khâu khảo sát, lập thiết kế đến thi công xây dựng. Trong nhiều năm qua dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm về thiết kế, xây dựng đường dây và TBA đảm bảo tiến độ - chất lượng”, HNPIC báo cáo.

Thậm chí,HNPIC còn lập cả bảng thống kê về “một số công trình tiêu biểu do Chủ tịch HĐQT Công ty chỉ đạo thực hiện” để đính kèm báo cáo.

Thoái vốn bằng cách hoán đổi cổ phần sang... căn hộ ảnh 1HNPIC rất đề cao vai trò của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Duyên, người đồng thời giữ trọng trách Phó Tổng Giám đốc xây dựng của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, EVN Hanoi đã thoái toàn bộ 8,6 triệu cổ phiếu, chiếm 47,74% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của HNPIC, thông qua đấu giá tại CTCP Chứng khoán An Bình (ABS).

Kết quả, có 3 nhà đầu tư (2 tổ chức, 1 cá nhân) tham gia đấu giá và cả 3 cùng trúng đấu giá, với cùng mức giá đấu 10.800 đồng/cổ phần – cũng là mức giá khởi điểm.

Chưa rõ đâu là 03 nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng 8,6 triệu cổ phiếu HNPIC của EVN Hanoi vào cuối năm 2015.

Và cũng chưa rõ EVNFC trở thành cổ đông của HNPIC từ khi nào; 3,85 triệu cổ phiếu HNPIC mà EVNFC đang nắm giữ có nguồn gốc từ đâu. Có khi nào nó lại được nhượng lại từ các cổ đông sáng lập cùng” họ EVN”, là EVN hay EVN Hanoi (?).../.