Theo đó, Ocean Group đăng ký bán 32 triệu cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH). Phương thức giao dịch là thỏa thuận, khớp lệnh hoặc giao dịch ngoài hệ thống. Thời gian dự kiến giao dịch từ 25/08 – 24/09/2017.
Nếu thực hiện thành công, số cổ phần OCH do OGC sở hữu sẽ giảm từ 111,05 triệu cổ phiếu xuống 79,05 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu cũng giảm mạnh từ 55,55% xuống 39,75%.
Mục đích của giao dịch là nhằm xử lý tài sản đảm bảo theo Hợp đồng cầm cố. Ngày 19/06/2014, OGC và NCB đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 005/14/HĐTD/TTDVKHCL, hạn mức 450 tỷ đồng, nhằm vay bổ sung vốn hợp tác với Công ty TNHH VNT (một công ty riêng của ông Hà Văn Thắm) thực hiện dự án “Khu số 1 thuộc khu đô thị phía Nam thành phố Bắc Giang”.
Thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất vay kể từ ngày giải ngân đầu tiên là 11%/năm.
Tài sản đảm bảo cho vay là 32 triệu cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và Du lịch Đại Dương – có tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng này là 564,480 tỷ đồng (17.640 đồng/cp); Và 2,5 triệu cổ phần OJB của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank).
Theo công văn số 429/2016/CV-NCB ngày 21/06/2016 do Ngân hàng thông báo cho Công ty về thông tin khoản vay, hiện toàn bộ khoản nay này đang quá hạn tại NCB và được phân loại vào nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn.
Năm 2016, OGC đã trả được 5 tỷ đồng và đến đầu năm 2017, giá trị dư nợ còn lại là 445 tỷ đồng.
Thời gian qua, cổ phiếu OCH đã điều chỉnh tăng khá mạnh, từ vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu lên khu vực ngang rồi trên mệnh giá. Đóng phiên gần nhất, (25/08/2017), OCH chốt ở 11.500 đồng/cổ phiếu.
Tạm tính theo mức giá này, NCB có thể thu về 368 tỷ đồng. Nhưng để xử lý được toàn bộ khoản nợ xấu 445 tỷ đồng, OCH cần được giao dịch ở mức giá trung bình khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu.
Tất nhiên đấy là một kịch bản thuận lợi. Bởi 32 triệu cổ phiếu là một con số không nhỏ, cần sự hấp thu lớn của thị trường. Một tín hiệu vui là thời gian gần đây, OCH được thanh khoản khá tốt.
Trong khi, 2,5 triệu cổ phiếu OJB mà OGC đã đồng thế chấp khả năng đã được vô hiệu, bởi đầu năm 2015, NHNN đã mua lại OJB với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu ngân hàng này.
Những lần giải chấp
Động thái bán giải chấp cổ phiếu nêu trên thực ra không mới.
Trước NCB, rất nhiều chủ nợ của OGC và các công ty có liên quan tới ông Hà Văn Thắm cũng đã có những hành động tương tự.
Các thương vụ bán giải chấp này đã khiến tỷ lệ sở hữu của OGC tại OCH giảm từ 65,5% (131 triệu đơn vị) xuống còn 55,5% vốn (111 triệu đơn vị) như hiện nay.
Cụ thể, vào năm 2015, OCG đã từng bị giải chấp 2,46 triệu cổ phiếu OCH để thanh toán khoản vay của Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại HD Bank vào ngày 6/4/2015.
Bên cạnh đó, vào ngày 17/07/2015, Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFC) đã tự động giải chấp 19,95 cổ phiếu OCH, tương ứng với số tiều là 179,55 tỷ đồng, để thu hồi khoản tạm ứng trị giá 240 tỷ đồng cho việc nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH do OGC nắm giữ.
Có nghĩa, EVNFC đã chấp nhận mất ¼ số tiền đã tạm ứng để “chạy làng” khỏi OCH.
Và không chỉ cổ phiếu OCH bị bán giải chấp, bản thân cổ phiếu OGC cũng nhiều lần được các chủ nợ “xả hàng” để thu hồi vốn.
Chẳng hạn như trường hợp của chính ngân hàng có liên quan mật thiết đến nhóm OGC, là Ocean Bank - cái tên hành động sớm bậc nhất.
Theo đó, ngày 28/11/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Dương (OCS) thông báo, đã nhận được công văn của OceanBank về yêu cầu ngừng bán giải chấp cổ phiếu OGC của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (công ty riêng của ông Hà Văn Thắm và cũng là cổ đông lớn nhất của OGC). Lý do, OceanBank đã bán đủ số cổ phiếu cần giải chấp để thu hồi tiền nợ của khách hàng theo Hợp đồng tín dụng.
Tính đến ngày 28/11/2014, OCS đã bán giải chấp 12,54 triệu cổ phiếu OGC trên tổng số 12,7 triệu cổ phiếu dự kiến bán - theo yêu cầu của OceanBank. Giao dịch được thực hiện trong tuần cuối cùng của tháng 11/2014.
Lần đó, bên cạnh việc bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của OceanBank, OCS cũng đã tự bán giải chấp 35,77 triệu cổ phiếu OGC của DNTN Hà Bảo từ 5/11 đến 7/11/2014.
Các thương vụ vừa kể thực ra cũng chỉ là một vài trong nhiều giao dịch bán giải chấp cổ phiến liên quan đến nhóm Ocean. Và tất nhiên, ai cũng hiểu nguyên nhân sâu xa của các hành động trên xuất phát từ biến cố bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Ocean Bank và cũng là người tạo dựng nên “đế chế” OGC.
Trường hợp khác
OGC, OCH đều là những cố phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. Do đó, các tài sản đảm bảo dưới dạng này, dù chịu biến động mạnh về giá, nhưng lại khá linh động trong thanh khoản. Các chủ nợ phần nào thuận lợi trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, câu chuyện có phần phức tạp hơn. Thậm chí, các bên đã phải đưa nhau ra Tòa, như với khoản tín dụng trị giá 500 tỷ đồng mà Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank; Mã: MSB) đã cấp cho CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư (IOC) - một công ty con của OGC và là chủ của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng 5 sao tuyệt đẹp tại biển Cửa Đại – thông qua hình thức đầu tư trái phiếu.
Ngày 01/09/2011, MSB và IOC đã ký Hợp đồng mua bán trái phiếu số 07/HĐTP/MSB, với quy mô 500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, cho mục đích đầu tư vào dự án Sunrise Resort Hội An và bổ sung vốn lưu động.
Theo hợp đồng, thời hạn trái phiếu là 5 năm, tuy nhiên sau 1 năm kể từ thời điểm phát hành, IOC có nghĩa vụ mua lại/hoặc nhờ người khác mua lại khoản trái phiếu này bất kể lúc nào MSB đề nghị bán lại trái phiếu.
Lãi suất cho năm đầu tiên là 15%/năm, với các năm tiếp theo là lãi suất thả nổi theo nguyên tác lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau trung bình của 4 ngân hàng (Vietcombank – Sở Giao dịch; BIDV – Sở Giao dịch 1; Agribank – Sở Giao dịch; Vietinbank – CN Hà Nội) tại ngày đầu tiêu của kỳ tính lãi hoặc ngày làm việc ngay sau đó cộng 1%/năm).
Lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo.
Ngay sau khi xảy ra biến cố Hà Văn Thắm, ngày 25/12/2014, MSB đã có Công văn số 2512/2014/SV-MSB yêu cầu IOC mua lại trái phiếu hoặc nhờ người mua lại trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, MSB đã không được thỏa mãn.
Đến ngày 31/12/2016, MSB lại yêu cầu IOC thực hiện thủ tục chuyển nhượng trái phiếu. Lần này, MSB chủ động tìm bên mua. Theo đó, MSB đề nghị điều chỉnh lại việc cấp giấu chứng nhận cho chủ sở hữu mới là CTCP Đầu tư Tiến An. Nhưng IOC vẫn chưa thực hiện theu yêu cầu đề nghị của Ngân hàng này.
Đặng chẳng đừng, MSB đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 28/09/2016, Tòa án Nhân dân Thành phố Hội An đã có bản án sơ thẩm số 08/2016/QĐ.ST-KDTM về vụ kiện trên, theo đó: IOC chấp nhận thanh toán cho MSB số tiền 687,885 tỷ đồng (bao gồm 500 tỷ đồng tiền gốc và 187,885 tỷ đồng tiền lãi).
Nhưng sau đó, IOC lại không đồng ý và đã nộp đơn kháng nghị tới Tòa án Nhân dân cấp tao tại Thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét lạ đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hội An.
Đến thời điểm này, phán quyết cuối cùng vẫn chưa được được đưa ra và tại ngày 30/06/2017, OGC vẫn hợp nhất khoản nợ 500 tỷ đồng của IOC tại MSB.
Được biết, CTCP Đầu tư Tiến An (Tiến An) tiền thân là CTCP Mua bán nợ VID, thành lập ngày 27/08/2012, trụ sở tại số 274 – 276 Ngô Gia Tự, Tp. Bắc Ninh. Đây là pháp nhân đã tham gia cơ cấu một số khoản nợ cho MSB.
Có thể kể đến một trường hợp tương tự lô 500 tỷ đồng trái phiếu IOC mà MSB đang có ý định chuyển tên. Đó là lô 300 tỷ đồng trái phiếu do CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang (một công ty trong hệ thống TNG Holdings của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường) phát hành ngày 16/3/2009. Sau 7 năm, lô trái phiếu này đã được chuyển quyền sở hữu sang cho Tiến An theo Hợp đồng mua bán trái phiếu số 1503/2016/HĐMBTP ngày 15/3/2016. Nhưng thực tế, MSB vẫn là bên tài trợ vốn.
Trở lại với câu chuyện OGC, theo kế hoạch, Thứ Hai ngày (28/08/2017) tới đây, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến Hà Văn Thắm và các đồng phạm tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).
Biến cố này đã tác động nghiêm trọng đến không chỉ Ocean Bank. Mà hàng loạt các pháp nhân có liên quan đến ông Hà Văn Thắm này cũng chìm sâu trong khủng hoảng sau ngày ông Thắm bị khởi tố. Đến nay, gần 3 năm sau biến cố, những khó khăn vẫn chưa vơi.
Sự kiện giải chấp cổ phiếu như vừa đề cập cũng là một biểu hiện trong chuỗi khủng hoảng này./.