|
Ảnh minh họa Dự án An Phú - An Khánh. Nguồn: Báo pháp luật |
Họ đã hợp tác những gì ?
Đó là các Hợp đồng kinh tế góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và kinh doanh đất đã có hạ tầng cơ sở tại khu đô thị An Phú - An Khánh (Tp.HCM) số 999/HĐ-APAK ký ngày 10/9/1999.
Hai hợp đồng còn lại là Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 1753/2003/HĐAPE/KD ký ngày 07/10/2003 về việc chuyển nhượng lô đất E5 và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 1866/2006/HĐCNĐCC ngày 08/9/2006 về việc chuyển nhượng lô đất D7 thuộc Dự án An Phú-An Khánh.
Cả ba hợp đồng này đều được ký giữa Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (sau cổ phần hóa đổi tên thành Công ty HDTC) thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư Dự án An Phú-An Khánh với Công ty TNHH Tân Long (Tp HCM)
Ngoài việc góp vốn xây dựng hạ tầng, hay nhận chuyển nhượng đất đã có hạ tầng trong Dự án An Phú-An Khánh, cả ba hợp đồng đều có điều khoản quy định một bên tham gia có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên còn lại vi phạm các điều khoản chính.
Thông tin lưu ý là, Công ty HDTC – dù trước hay sau khi cổ phần hóa – đều chỉ là bên có đất. Ngược lại, Công ty TNHH Tân Long luôn trong tư cách người tiền góp vốn xây dựng hạ tầng, hoặc nhận chuyển nhượng một phần Dự án An Phú-An Khánh từ Công ty HDTC.
Vậy các bên tham gia trong ba hợp đồng này đã thực hiện cam kết như nào ?
Với hợp đồng đầu tiên, số 999/HĐ-APAK ký ngày 10/9/1999, Công ty TNHH Tân Long cam kết góp 10,675 tỷ đồng (chiếm 8,75% tổng vốn góp vào dự án). Công ty TNHH Tân Long đã thực góp 2,135 tỷ đồng. Đến năm 2006, công ty này được chia lợi nhuận từ dự án An Phú-An Khánh là 3,365 tỷ đồng.
Tại Hợp đồng số 1753/2003/HĐAPE/KD ngày 07/10/2003 về việc chuyển nhượng lô đất E5 dự án An Phú-An Khánh, Công ty TNHH Tân Long đã thanh toán hơn 4,37 tỷ đồng, đạt 31,8% số tiền phải trả cho Công ty HDTC.
Hợp đồng số 1866/2006/HĐCNĐCC ký ngày 8/9/2006 chuyển nhượng quyền sử dụng đất lô đất D7 Dự án An Phú-An Khánh, Công ty TNHH Tân Long đã thanh toán hơn 1 tỷ đồng, đạt 20% số tiền phải trả cho Công ty HDTC.
Theo Công ty HDTC, doanh nghiệp này đã nhiều lần gửi công văn đề nghị về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác tới Công ty TNHH Tân Long. Lý do, Công ty TNHH Tân Long đã vi phạm điều khoản góp vốn trong các hợp đồng đã ký với Công ty HĐTC, và điều khoản đơn phương chấm dứt đã được xác lập ngay trong các hợp đồng này.
Và chia rẽ vì sao ?
Mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ Kết luận kiểm toán năm 2007 của Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (khi vẫn còn là DNNN và trước khi đổi tên thành Công ty HĐTC) dừng hợp đồng liên kết và sau đó là dừng phân chia thêm lợi nhuận cho các doanh nghiệp tư nhân đã góp vốn thực hiện Dự án An Phú-An Khánh.
Thực hiện yêu cầu này, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà đã dừng hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp tham gia dự án, duy chỉ có Công ty TNHH Tân Long từ chối thanh lý hợp đồng.
Đến năm 2016, sau khi cổ phần hóa và đổi tên, Công ty HDTC đàm phán, thỏa thuận dừng hợp tác với Công ty TNHH Tân Long. Theo đó, Công ty HDTC sẽ thanh toán cho Công ty TNHH Tân Long 100 tỷ đồng để đổi lấy việc thanh lý này. Đã có ba bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng đề số 184, 185, 186 được ký giữa hai doanh nghiệp này vào tháng 5/2017.
Tuy nhiên, Công ty HDTC khẳng định và công bố các bằng chứng như 16 giấy chuyển tiền với tổng số 100 tỷ đồng, email trao đổi… để khẳng định số tiền trên chi ra để thanh lý cả 3 hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Ngược lại, Công ty TNHH Tân Long khẳng định, số tiền trên chi trả để thanh lý hợp đồng số 999/HĐ-APAK ký ngày 10/9/1999 và Phụ lục hợp đồng số 905/PLHĐ-APAK. Và, chỉ khi nào Công ty HĐTC thực hiện nghĩa vụ tài chính với với các hợp đồng còn lại thì Tân Long sẽ trả 3 biên bản thanh lý bản gốc.
Như vậy, đến thời điểm này, việc Công ty HDTC chi trả 100 tỷ đồng theo thỏa thuận với Công TNHH Tân Long là có thật.
Và mặt khác, về hình thức việc chi trả này là để thanh lý hợp đồng, nhưng thực tế dường như là để đền bù cho Công TNHH Tân Long, khi doanh nghiệp này phải rút khỏi các lô đất của dự án An Phú-An Khánh.
Cần nhắc lại là, cho đến nay, sau gần 20 năm tham gia, Công TNHH Tân Long mới “bơm” vào 3 hợp đồng tại dự án An Phú-An Khánh không quá 10 tỷ đồng, nhưng đã thực nhận lại 100 tỷ đồng.
Đó có thể là khoản lãi rất hời, nếu Công TNHH Tân Long không vướng nợ nần vì tham gia dự án này. Tuy nhiên, về nguyên tắc, dù có phát sinh nợ, hay thiệt hại, nhưng nếu không chứng minh được nợ ấy, thiệt hại ấy, có nguyên nhân từ giao dịch với Công ty HDTC, thì Công TNHH Tân Long quá khó để đàm phán đòi được 100 tỷ đồng thanh lý hợp đồng.
Hay cũng có thể nói, với 30% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ, lãnh đạo Công ty HDTC cũng không thể dám “nhắm mắt” ký bừa, đền 100 tỷ đồng để Công TNHH Tân Long rút khỏi 3 hợp đồng đã ký.
Cho đến nay, trong biên bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng giữa Công TNHH Tân Long và Công ty HDTC không có một dòng nào đề cập tới nguyên nhân Công ty HĐTC đồng ý trả 100 tỷ đồng cho Công TNHH Tân Long.
Đó có thể là bí mật mà cả hai bên đồng thuận giữ kín, nhưng chắc chắn sẽ không còn kín khi các cơ quan chức năng “hỏi” tới.
Tuy nhiên, do thế, mà việc Công TNHH Tân Long nhận tiền chưa (chịu) trả thanh lý bản gốc – hay nói cách khác là không thực hiện cam kết, dù chỉ là cam kết tại một thanh lý đã ký với Công ty HDTC – không thể coi là đúng đắn.
Vấn đề là ở chỗ, trong cả 3 hợp đồng đã ký, Công TNHH Tân Long cũng chưa từng thực hiện đúng cam kết. Nên việc doanh nghiệp này tiếp tục bội tín trong thanh lý hợp đồng là có thể giải thích được.