Tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, tháng 5/2015, Tập đoàn Korteks Mensucat Sanayi ve Tic. A.S (Thổ Nhĩ Kỳ) đã đệ đơn kiện lên cơ quan chức năng nước này về việc các sản phẩm sợi dún polyester của một số nước, trong đó có Việt Nam, có dấu hiệu bán phá giá (CBPG) vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì vậy, Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (MOE) đã tiến hành điều tra vụ việc này, giai đoạn điều tra bán phá giá (POI) sẽ bắt đầu từ năm 2014, giai đoạn điều tra thiệt hại được xác định từ năm 2012 - 2014.
Ngày 14/11, Thổ Nhĩ kỳ đã có kết luận chính thức và áp dụng thuế CBPG đối với mặt hàng sợi dún polyester từ Việt Nam và Thái Lan.
Cụ thể, mức thuế CBPG đối với các doanh nghiệp Việt Nam là 34,81% - 72,56 %; Thái Lan là 6,88% - 37,69%.
Theo thông tin từ doanh nghiệp (DN) bị điều tra, công ty này không bán phá giá tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vì giá xuất khẩu của DN này sang Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2012 - 2014, cao hơn giá bán nội địa bình quân là 3,5%. Tuy nhiên, trong thông báo của MOE khi ấy, mức độ phá giá của DN này được xác định ở mức cao là 34,81%.
DN này cho biết, cách thức xác định biên độ phá giá của MOE đối với DN này có nhiều thiếu sót, không minh bạch và trái ngược với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cụ thể, việc MOE sử dụng giá thành của một số nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ cộng với tỷ lệ lợi nhuận 10% để tính mức độ phá giá là không công bằng bởi rất nhiều khoản mục chi phí bị loại trừ khỏi giá bán xuất khẩu của các công ty Việt Nam, trong khi nhiều khoản mục chi phí tương tự lại được giữ lại trong giá thành của đơn vị sản xuất phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn 4% so với Thái Lan nhưng biên độ bán phá giá của Việt Nam lại được MOE xác định cao hơn nhiều so với Thái Lan.
DN này cho biết thêm, số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2012-2014, các công ty sản xuất sợi DTY tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoạt động tốt, các chỉ số chính như doanh số, doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ điều tra CBPG mặt hàng sợi của Việt Nam. Trước đây, nước này đã kiện CBPG mặt hàng sợi (yarn of man-made or synthetic or artificial staple fibres) nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Hy Lạp, Pakistan và Thái Lan.
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu sợi sang thị trường Hàn Quốc nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.