Các quan chức phương Tây hiện tại và trước đây cho biết, nếu không có viện trợ quân sự của Mỹ, Ukraine có đủ vũ khí để tiếp tục chiến đấu với tốc độ hiện tại cho đến mùa Hè. Sau đó, Kiev sẽ thiếu đạn dược và không thể sử dụng một số loại vũ khí tinh vi nhất.
Quan điểm công khai của Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong những ngày gần đây đang buộc Kiev phải đối mặt với viễn cảnh mất đi sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, vốn là công cụ giúp nước này cầm chân lực lượng Nga trong 3 năm chiến tranh.
Celeste Wallander, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, các chuyến hàng vũ khí lớn mà chính quyền Biden gửi hoặc ký hợp đồng trong những tháng cuối cùng sẽ đủ để giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu với tốc độ hiện tại ít nhất cho đến giữa năm nay. Một số nhà phân tích Ukraine cho rằng đất nước của họ có thể còn có khả năng sử dụng vũ khí lâu hơn nữa.
“Chúng tôi có thể chịu đựng được nửa năm hoặc một năm, để châu Âu có thêm một năm nữa để bắt đầu sản xuất bất kỳ loại đạn dược nào họ có thể”, Mykola Bielieskov, nhà phân tích cấp cao tại Come Back Alive, một tổ chức từ thiện Ukraine chuyên cung cấp máy bay không người lái cho quân đội, cho biết.
Một trợ lý cấp cao của ông Zelensky cho biết việc chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ là trường hợp xấu nhất, đồng thời nói thêm rằng điều đó có nghĩa là Ukraine phải tăng cường sản xuất quân sự và nhận viện trợ nhiều hơn từ châu Âu.
Châu Âu đang chuẩn bị cố gắng bù đắp cho khoảng trống này. Theo các quan chức châu Âu, vào năm 2024, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Na Uy đã cùng nhau cung cấp cho Ukraine khoảng 25 tỷ USD viện trợ quân sự - nhiều hơn số tiền Mỹ gửi trong năm đó. Lục địa này đã tăng cường đáng kể việc sản xuất đạn pháo và đang có các cuộc thảo luận để EU tăng viện trợ lên 30 tỷ USD trong năm nay.

Theo ông Zelensky, kể từ khi xung đột bùng nổ, Mỹ đã gửi gần 70 tỷ USD viện trợ quân sự. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, con số này nhiều hơn tất cả các đồng minh phương Tây khác của Ukraine cộng lại.
Nhưng Ukraine cũng đã xây dựng ngành công nghiệp vũ khí đáng gờm của riêng mình, hiện sản xuất lượng vũ khí trị giá 30 tỷ USD mỗi năm, theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược nước này, tăng gấp 6 lần so với một năm trước đó. Vào năm 2024, nước này đã sản xuất khoảng 1,5 triệu máy bay không người lái (UAV), loại vũ khí đã trở thành công cụ phòng thủ chính dọc tiền tuyến, cho phép Kiev ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga. Các quan chức cho biết năm nay họ có kế hoạch sản xuất 3.000 tên lửa và 30.000 UAV tầm xa.
Nhìn chung, Ukraine hiện đang chế tạo hoặc tài trợ khoảng 55% trang thiết bị quân sự của mình. Theo một quan chức phương Tây, Mỹ cung cấp khoảng 20%, trong khi châu Âu cung cấp 25%.
Nhưng một số nguồn cung của Mỹ – bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến, tên lửa đạn đạo đất đối đất, hệ thống định vị và pháo tên lửa tầm xa – thực tế sẽ không thể được thay thế trong thời gian ngắn. Trong khi đó, châu Âu sản xuất không đủ để cung cấp cho Ukraine.

Ukraine sẽ mất khả năng tấn công tầm xa
Các quan chức và nhà phân tích cho biết, một khi nguồn cung của Mỹ cạn kiệt, khả năng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa và bảo vệ các vị trí hậu phương của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng.
“Có một đối tác cung cấp cho bạn những công nghệ quân sự chất lượng cao nhất, theo định nghĩa, đó là điều không thể thay thế trong một số lĩnh vực”, Tomas Kopecny, đặc phái viên của Chính phủ CH Séc về tái thiết Ukraine, cho biết.
Nhưng nguy cơ về việc Mỹ chấm dứt viện trợ đã xuất hiện từ hơn một năm nay. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump liên tục chỉ trích việc Mỹ gửi hàng tỷ USD cho Kiev, đồng thời nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội phản đối gói viện trợ gần đây nhất cho Ukraine được thông qua vào tháng 4 năm ngoái.
Trước khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Joe Biden đã cố gắng tạo điều kiện cho Ukraine tiếp tục chiến đấu càng lâu càng tốt. Chính quyền của ông đã gửi vũ khí từ kho dự trữ hiện có của Mỹ và ký hợp đồng với ngành công nghiệp quốc phòng để mua đạn dược, máy bay đánh chặn phòng không, phương tiện và các trang thiết bị khác. Những chuyến giao hàng đó sẽ tiếp tục đến năm 2026.
“Điều này hỗ trợ cho chiến lược của chính quyền tiếp theo: Đàm phán từ vị thế mạnh và đặt ra cho ông Putin rằng người Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu”, Wallander, cựu quan chức Lầu Năm Góc, người từng là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, cho biết.

Thế nhưng ông Trump đã bác bỏ giả định đó, ngược lại quay sang công kích ông Zelensky trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội. Ông cáo buộc Tổng thống Ukraine đã khơi mào chiến tranh và gọi ông là “kẻ độc tài”. Cả hai tuyên bố đều ủng hộ quan điểm của Điện Kremlin về nhà lãnh đạo Ukraine và cuộc xung đột.
Sau tuyên bố của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng cho biết Quốc hội "không muốn" một dự luật viện trợ khác cho Ukraine. Nhưng Phó Tổng thống J.D. Vance nói với tờ Wall Street Journal rằng Mỹ có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thậm chí là "các công cụ đòn bẩy quân sự" để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Zelensky.
Ông Trump đã kế thừa quyền gửi hơn 3,8 tỷ USD vũ khí đến Ukraine từ kho vũ khí của Lầu Năm Góc mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, mặc dù các quan chức chính quyền có thể sẽ yêu cầu các nhà lập pháp bổ sung kho vũ khí của Mỹ nếu quyết định như vậy được đưa ra.

Khoảng trống vũ khí khó bù lấp
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức một loạt cuộc họp trong tuần qua để lên kế hoạch về cách họ có thể hỗ trợ Ukraine nếu Mỹ rút quân. Châu lục này cũng cung cấp một số loại vũ khí hiệu quả nhất cho Ukraine, bao gồm phần lớn pháo binh hiện đại, phòng không tầm trung và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn đặt câu hỏi về khả năng của châu Âu trong việc lấp đầy hoàn toàn khoảng trống do nguồn cung từ Mỹ bị mất.
Theo các quan chức Ukraine, Ukraine hiện sản xuất 2,5 triệu viên đạn pháo và súng cối mỗi năm. Tính đến tháng 9, Mỹ đã gửi khoảng 3 triệu quả đạn pháo tới Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu. Để so sánh, EU đã tăng sản lượng đạn pháo lên 1,4 triệu vào năm 2024 và đang nhắm tới con số 2 triệu trong năm nay.
Theo các nhà phân tích, thách thức lớn nhất sẽ là việc thiếu hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất, điều này sẽ khiến Ukraine phải quyết định khu vực nào cần bảo vệ và khu vực nào sẽ gặp rủi ro. Ví dụ, chỉ có Mỹ sản xuất hệ thống phòng không Patriot, có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga.
Việc mất đi tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất cũng sẽ là một đòn giáng mạnh với Ukraine. Tầm bắn lên tới 186 dặm đã khiến nó đặc biệt hiệu quả trong việc tấn công các tuyến đường tiếp tế của Nga, mặc dù chính quyền Biden đã hạn chế các mục tiêu mà họ có thể tấn công bên trong nước Nga.
Một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu Ukraine có tiếp tục có quyền truy cập vào dịch vụ internet Starlink của SpaceX hay không - một lợi thế quan trọng trên chiến trường, được Lầu Năm Góc tài trợ một phần. Elon Musk, CEO của SpaceX, là đồng minh thân cận của ông Trump.

Tổng thống Phần Lan cảnh báo ông Trump: Nếu Nga thắng ở Ukraine, Mỹ sẽ thua

Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ về đất hiếm
