Thiết bị Huawei liệu có thực sự tồn tại các vấn đề về bảo mật?

VietTimes -- Phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng các sản phẩm của Huawei luôn bị nghi ngờ tiềm ẩn hiểm họa bảo mật. Mỹ và một số quốc gia cho rằng thiết bị viễn thông của Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Vậy nếu Huawei thực sự tồn tại vấn đề bảo mật thì nó chính xác là gì?
Ảnh: Wccftech
Ảnh: Wccftech

Huawei, hay còn được biết đến với tên Công ty TNHH kỹ thuật Hoa Vi là tập đoàn đa quốc gia thiết bị mạng viễn thông có trụ sở tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Vài năm qua, công ty đang phải đối mặt với vấn đề bảo mật vô cùng phức tạp. Gã khổng lồ Trung Quốc đã chính thức vượt mặt Apple  ể trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới (sau Samsung). Tuy nhiên, các sản phẩm của Huawei luôn bị gắn mác hiểm họa an ninh ở nhiều quốc gia. Mỹ thậm chí đã ban hành lệnh cấm vận và ngăn chặn toàn bộ giao dịch của công ty.

Mặc dù những cáo buộc chống lại Huawei nhưng các nhà chức trách vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể. Nếu các công ty viễn thông Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng là mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh quốc gia thì tại sao Washington không hành động mạnh tay hơn?

Theo điều tra của Android Authority, có ít nhất 6 công ty viễn thông tại Mỹ đã hoặc đang sử dụng thiết bị của Huawei. Năm 2012, khi mua lại Clearwire, nhà mạng Sprint đã được Ủy ban Tình báo thường trực Hoa Kỳ (U.S. House Permanent Select Committee on Intelligence) yêu cầu thay  thế tất cả thiết bị “không phù hợp” của Huawei và ZTE nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện.

Hàng triệu người Mỹ đã sử dụng cơ sở hạ tầng mạng Huawei thông qua các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực

Thỏa thuận phân phối Mate 10 Pro giữa AT&T và Huawei đổ bể do sự can thiệp của chính phủ Mỹ. Ảnh: CNET
 Thỏa thuận phân phối Mate 10 Pro giữa AT&T và Huawei đổ bể do sự can thiệp của chính phủ Mỹ. Ảnh: CNET

Android Authority cho biết phần lớn các nhà mạng tại khu vực ngoại thành và nông thôn đều sử dụng thiết bị của Huawei làm nguồn phát chính. Đại diện của Union Wireless cho biết nhà cung cấp Trung Quốc “đối xử với họ tốt hơn bất kỳ hãng nào khác. Thiết bị của Huawei không chỉ có chất lượng khá ổn mà còn rẻ hơn đối thủ cạnh tranh tới hơn 40%.

Hồ sơ của FireceWireless trình lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết Huawei đã được bảo trợ bởi nhiều đối tác Mỹ, bao gồm Viarero, Union Telephone Company, SI Wireless, James Valley Telecommunications, NE Colorado Cellular, United Telephone Association và Nemont Telephone Cooperative.

Chính phủ Mỹ hiện tại đang muốn hạn chế sự bành chướng của Huawei, đồng thời gây ảnh hưởng tới các quốc gia đồng minh khác. Dưới dây chúng ta sẽ cùng điểm lại tình hình hiện tại của Huawei tại các quốc gia công phát triển hàng đầu.

Australia đang cân nhắc

Australia không muốn sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng hạ tầng cho mạng viễn thông 5G. Ảnh: Techio
Australia không muốn sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng hạ tầng cho mạng viễn thông 5G. Ảnh: Techio

Hiện tại, số phận của Huawei tại Australia còn đang được chính phủ nước này xem xét. Công ty đã chào thầu cho các thiết bị xây dựng hạ tầng cho mạng 5G với mức giá không thể hấp dẫn hơn nhưng đã bị loại thẳng tay. Các nhà chức trách tỏ rõ quyết tâm không muốn Huawei dính dáng đến dự án phát triển mạng viễn thông 5G.

Kết nối 5G là tương lai của mạng viễn thông thế giới. Nó sẽ thúc đẩy sự bùng nổ của Internet Vạn Vật (IoT). Tuy nhiên, số lượng thiết bị lớn kết nối là “mỏ vàng” cho các tin tặc. Australia hay bất kỳ quốc gia nào đều muốn đảm bảo hạn chế tối đa nỗi lo về an ninh mạng. Và đó chính là nguyên nhân chi phối quyết định của chính phủ Australia về việc không sử dụng thiết bị của Huawei trong nhiều năm tới.

Đầu năm 2018, quốc gia Châu Đại Dương đã bắt đầu triển khai tuyến cáp quang tốc độ cao kết nối giữ lục địa Australia tới quần đảo Solomon. Dự án được chính phủ Australia giữ kín bởi “những lo ngại về an ninh đã tiêu tốn 50 triệu AUD tiền thuế. Báo chí Trung Quốc đã chỉ trích Australia “quá nhạy cảm với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc”.

Trung Quốc đang là đối tác thương mại chiến lược của khu vực Châu Đại Dương. Điều này gây áp lực trực tiếp lên chính phủ Australia. Vì vậy, bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà các nhà chức trách này định đưa ra đối với Huawei sẽ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Anh với dự án “The Cell”

Huawei hợp tác với chính phủ Anh thiết lập trung tâm đánh giá an ninh mạng dưới tên "The Cell". Ảnh: The Guardian
 Huawei hợp tác với chính phủ Anh thiết lập trung tâm đánh giá an ninh mạng dưới tên "The Cell". Ảnh: The Guardian

Năm 2005, tập đoàn BT (tiền thân là Bristish Telecom) đã công bố lo ngại về phần cứng do Huawei cung cấp. Sau đó, công ty Trung Quốc đã hợp tác cùng chính phủ Anh đã thành lập Trung tâm đánh giá an ninh mạng dưới tên “The Cell”. Với dự án này, Anh đã phát hiện và ngăn chặn hơn 100 hiểm họa an ninh mạng trong năm 2016.  Mặc dù Huawei đã chấp nhận mở mã nguồn cho các chuyên gia phân tích, dưới sự giám sát của Trụ sở Chính phủ Truyền thông (GCHQ - tổ chức tình báo và an ninh mạng Anh), Văn phòng Nội các, Home Office (bộ phận chịu trách nhiệm an ninh và trật tự của chính phủ Hoàng gia Anh), nhưng “The Cell” vẫn luôn bị nghi ngờ bởi phần lớn nhân viên được tuyển dụng bởi Huawei, chứ không phải chính phủ Anh.

Theo báo cáo, các giám đốc an ninh của Anh buộc phải tới trụ sở Huawei ở Thâm Quyến để thông báo về vấn đề trên một số thiết bị và yêu cầu thay thế. Anh là quốc gia đặc biệt nhạy cảm với vấn đề an toàn thông tin, các đối tác lớn của Anh như Mỹ, Canada, Australia và New Zealand từng bị cáo buộc vì truy cập vào cơ sở hạ thông tin, vi phạm hiệp ước Fire Eyes đã ký kết.

Mỹ và “hiểm họa an ninh quốc gia” mang tên Huawei

Ủy ban Thượng viện và Ủy ban Tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc được cấp quyền truy cập các thông tin thiết bị Huawei thu thâp được. Ảnh: Axios
Ủy ban Thượng viện và Ủy ban Tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc được cấp quyền truy cập các thông tin thiết bị Huawei thu thâp được. Ảnh: Axios

Hồi tháng 3/2018, thỏa thuận cung cấp Mate 10 Pro giữa Huawei và AT&T đổ bể bởi sự can thiệp của đại diện Thượng nghị sĩ và Hạ viện Mỹ. Hành động này dựa trên mối lo ngại các thiết bị của Huawei tiềm ẩn nguy cơ gián điệp. Cụ thể, Ủy ban Thượng viện và Tình báo Mỹ cáo buộc Huawei bị cho là thu thập thông tin người dùng qua thiết bị và cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập cơ sở lưu trữ dữ liệu trong bức thư đệ trình lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Trang The Information công bố một đoạn bức thư như sau: “Điều tra bổ sung của Ủy ban Tình báo về vấn đề an ninh chỉ làm dày thêm mối quan ngại về Huawei và gián điệp Trung Quốc”.

Dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama, luật gián điệp trên không gian mạng của Mỹ sẽ hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin do Trung Quốc sản xuất. Đặc biệt nhắm vào mục tiêu công nghệ viễn thông của Huawei và ZTE cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng.

Năm 2012, Mỹ đã công bố “báo cáo điều tra về các vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ được đưa ra bởi các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE” nhưng không cung cấp bằng chứng cụ thể. Hơn hết, cáo buộc từ Mỹ không có bất kỳ tài liệu chứng minh rủi ro an ninh từ thiết bị Trung Quốc hay cáo buộc Huawei trộm cắp tài sản trí tuệ vào năm 2014.

Lầu Năm Góc gần đây cũng ban hành lệnh cấm các cửa hàng bán lẻ tại căn cứ quân sự Mỹ bán điện thoại Huawei và ZTE như “nguy cơ bảo mật”. Tuy nhiên, tất cả mối quan ngại trên chỉ hình thành từ rủi ro bảo mật mơ hồ, khác hẳn cái cách Nhà Trắng và các quan chức chính phủ cảnh báo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Những báo cáo đáng ngờ khác

Huawei đã bị nhắc tới trong hai bản báo cáo bảo mậ đáng chú ý khác. Trong ấn phẩm của Tạp chí Tài chính Australia, CEO công ty bảo mật FireEye, Louis Tague. Ông Tague đã cảnh báo số lượng tin tặc Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, “nhắm tới mục tiêu là các công ty Mỹ” để có được thông tin về các vụ mua bán và sát nhập”, cũng như “các công ty kỹ thuật và quốc phòng Mỹ”  liên quan tới khu vực tranh chấp tại Biển Đông và các công ty luật Australia. Tuy nhiên, các dấu hiệu của cuộc tấn công không được ghi nhận.

Luồng ý kiến phản biện khác tới từ Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy (Lowy Institute) tại Đông Á đăng tải trên Tạp chí Tài chính Australia nêu bật ảnh hưởng của Trung Quốc và Huawei. Ông McGregor cho rằng: “Liệu Trung Quốc có cho phếp một công ty viễn thông Mỹ cung cấp công nghệ chủ chốt cho mạng lưới viễn thông của mình? Tôi đã đặt câu hỏi này cho một nhà điều hành Trung Quốc vào tuần trước và nhận được phản hồi không có gì bất ngờ: Tất nhiên là không”.

Phản ứng của Huawei

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc, Phó chủ tịch cấp cao về an ninh và các vấn đề bảo mật, John Suffolk nhấn mạnh Huawei là công ty bị "kiểm toán, kiểm tra, xem xét và thúc đẩy nhiều nhất thế giới". Ảnh: Wccftech
 Phát biểu trong cuộc họp báo tại Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc, Phó chủ tịch cấp cao về an ninh và các vấn đề bảo mật, John Suffolk nhấn mạnh Huawei là công ty bị "kiểm toán, kiểm tra, xem xét và thúc đẩy nhiều nhất thế giới". Ảnh:  Wccftech

Huawei chính là công ty thiệt hại nặng nề nhất từ nghi ngờ về bảo mật. Nếu những cáo buộc không xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông thì có lẽ Huawei đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển hạ tầng mạng viễn thông 5G tại Australia. Công ty đã tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng để tìm hiểu nguyên nhân.

Phó chủ tịch cấp cao về an ninh và bảo mật toàn cầu của Huawei, John Suffolk là người đã đóng góp một phần không nhỏ trong dự án The Cell của Anh. Đáng chú ý, ông Suffolk từng giữ vị trí Giám đốc thông tin của Vương quốc Anh trước khi gia nhập Huawei. Phản hồi về các cáo buộc của Ủy ban Phát thanh truyền hình Australia, ông Suffolk cho biết: “Huawei có lẽ là công ty được kiểm toán, kiểm tra, xem xét và thúc đẩy nhiều nhất thế giới. Chúng tôi cho rằng đó là một điều tốt”. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng Australia là quốc gia có khả năng phát triển trung tâm an ninh mạng, không chỉ để che giấu rủi ro, xuất sắc hàng đầu Châu Á. Chúng tôi rất vui khi được hợp tác với Australia”.

Liệu hiểm họa bảo mật có thực sự tồn tại trên thiết bị của Huawei?

Mặc dù vấp phải vô số cáo buộc nhưng tới nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng xác đáng nào liên quan tới rủi ro bảo mật của Huawei được công bố. Ảnh The ET
 Mặc dù vấp phải vô số cáo buộc nhưng tới nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng xác đáng nào liên quan tới rủi ro bảo mật của Huawei được công bố. Ảnh The ET

Cho tới nay, các vấn đề bảo mật của Huawei vẫn chưa được xác định một cách chính xác và có thể chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Năm quốc gia ký kết hiệp ước Five Eyes có thể đang nắm giữ những bằng chứng rõ ràng về rủi ro an ninh nhưng lại không thể công bố vì nó sẽ tiết lộ quá nhiều thông tin mật. Và chúng ta có thể không bao giờ được biết sự thật đằng sau những cáo buộc liên quan tới gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Vì vậy, cho tới nay, người tiêu dùng sẽ phải lựa chọn đặt niềm tin vào Huawei hay các cơ quan an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cho tới khi mọi việc được phơi bày ra ánh sáng, nghi vấn xung quan vấn đề bảo mật luôn khiến chúng ta trăn trở. Nếu Huawei là mối hiểm họa đối với an ninh quốc gia thì tại sao các biện pháp ngăn chặn không được thực hiện mạnh mẽ hơn?

Theo Android Authority