Căn hộ có hiện tượng “đẩy” giá
Nghiên cứu về thị trường bất động sản Hà Nội trong quý 2 vừa qua, Savills Việt Nam cho biết, tổng nguồn cung căn hộ tại Hà Nội gồm khoảng 121.400 căn từ 199 dự án đã bán hết và 82 dự án đang mở bán. Tổng nguồn cung sơ cấp đạt 13.400 căn, tăng 4% theo quý và 24% theo năm.
Riêng 3 tháng vừa qua có 27 dự án mở bán căn hộ, gồm 15 dự án hiện hữu và 12 dự án mới, cung cấp 6.100 căn hộ, giảm 21% theo quý. Ngoài ra, có 13 dự án mới đang trong quá trình làm móng đã mở bán chưa chính thức khoảng 1.340 căn hộ.
Theo Savills, niềm tin của người mua được phản ánh qua số lượng lớn căn hộ đã bán. Tiền chênh ngoài hợp đồng xuất hiện tại nhiều dự án, bao gồm cả những dự án mới đang trong quá trình làm móng.
Lượng khách là các nhà đầu tư và đầu cơ được nhận định đang chiếm phần trăm nhiều hơn lượng khách có nhu cầu mua ở thực. Ảnh: Minh Thư |
Thế nhưng, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho hay: Tại mỗi dự án, lượng nhà đầu tư, đầu cơ chiếm nhiều hơn cả lượng khách có nhu cầu mua ở thực. Điều này có ảnh hưởng tới giá nhà, bởi khi nhà đầu tư và đầu cơ tham gia vào mua bán trên thị trường sẽ kỳ vọng dự án sẽ tăng giá, giá trị căn hộ sẽ tăng lên.
“Tuy nhiên, người sử dụng cuối cùng mới là người quyết định có lựa chọn, chấp nhận mua căn hộ có giá cao đó hay không khi trên thị trường có rất nhiều dự án với giá thành khác nhau, chứ không phải khan hiếm nguồn cung. Do đó, việc tăng giá từ các nhà đầu tư, đầu cơ cũng không đáng ngại”, bà Hằng nói.
Lý giải về hiện tượng tại một dự án, nhưng khi mở bán các đợt sau, chủ đầu tư thường tăng giá bán cao hơn đợt trước, bà Hằng cho rằng, đó là chiến lược kinh doanh của mỗi chủ dự án. Đối với dự án có vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín mới có thể tăng giá bán chứ không phải dự án nào cũng có thể áp dụng “chiến lược” này.
Mặc dù xác nhận có việc “đẩy” giá trên thị trường, nhưng bà Hằng đánh giá nó chỉ diễn ra ở một số dự án nhất định, có thể ảnh hưởng đến thị trường nhưng không tác động mạnh đến nỗi người mua nhà phải quan ngại việc ra quyết định cuối cùng trong việc mua nhà bởi trên thị trường còn có nhiều dự án, sản phẩm để lựa chọn.
Dự báo của Savills, đến cuối năm 2015, 26 dự án với khoảng 12.600 căn hộ dự kiến sẽ được mở bán.Giao dịch được dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong các quý còn lại của năm, tuy nhiên có thể những yếu tố đầu cơ làm sai lệch nguồn cầu.
Giá biệt thự rẻ nhất ở mức 11,6 triệu đồng/m2
Giá biệt thự và liền kề trên cả thị trường thứ cấp và sơ cấp được Savills nhận định đều tăng nhẹ, không đáng kể và tăng do có sự biến đổi về tỷ giá thời gần đây.
Trong 3 tháng qua, tổng nguồn cung biệt thự và liền kề đạt khoảng 30.100 căn từ 110 dự án. Nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 1.030 căn và nguồn cung thứ cấp đạt khoảng 29.060 căn. Một dự án mới thuộc quận Từ Liêm được ghi nhận trong quý, cung cấp thêm 46 biệt thự.
Giá thứ cấp trung bình đối với biệt thự là 48,8 triệu đồng/m2, tăng 0,1% theo quý. và 60,3 triệu đồng/m² đối với nhà liền kề, tăng 0,9% theo quý.
Mức giá sơ cấp cho biệt thự đạt cao nhất ở quận Tây Hồ đạt 100 triệu đồng/m². Thấp nhất ở huyện Mê Linh ở mức 11,6 triệu đồng/m². Đối với nhà liền kề, mức giá sơ cấp cao nhất đat khoảng 145 triệu đồng/m2 ở quận Cầu Giấy.
Theo Savills, từ quý 3 trở đi sẽ có 75 dự án biệt thự, liền kề tương lai tại 16 quận cung cấp khoảng 8.600 ha. Đến cuối năm 2015, có 4 dự án mới dự kiến sẽ gia nhập thị trường, 3 dự án trong số đó sẽ cung cấp khoảng 390 căn.
Tuy nhiên, với những dự án có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thiết kế đẹp và môi trường sống tốt mới là những yếu tố chính thu hút người mua, nhất là đối tượng khách là người nước ngoài.
Thị trường nóng lên, không tránh khỏi đầu cơ
Trước thực trạng giá bất động sản (BĐS) hiện nay ở nhiều phân khúc đang tăng khá nhanh. Thậm chí, một số dự án gần bằng mức giá đỉnh điểm năm 2011. Một số người cho rằng, thị trường BĐS đang nóng lên do đầu cơ chứ không phải do nhu cầu thực.
Trước ý kiến đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nói thị trường BĐS phục hồi có giao dịch nhiều là do đầu cơ là không đúng. Theo phân tích của người đứng đầu ngành xây dựng, giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn thị trường đóng băng, lúc đó không có hoặc rất ít có hiện tượng đầu cơ.
“Khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là không thể tránh khỏi. Vấn đề chính là chúng ta kiểm soát không để thị trường nóng, tạo ra bong bóng BĐS”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời.
Do đó, theo ông muốn làm được điều đó cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì kiểm soát thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là phải cân đối cung cầu. Chiến lược nhà ở quốc gia đưa ra cầu để cải thiện nhà ở cho người dân thì thị trường cũng phải đáp ứng cầu đó. Nếu được như vậy chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Cụ thể, chúng ta phải tăng cường kiểm soát các dự án BĐS, tiếp tục cơ cấu thị trường, các dự án và cơ cấu lại các sản phẩm BĐS để các sản phẩm đến với mọi người, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, không có khu vực thừa hoặc thiếu. Như vậy sẽ kiểm soát được thị trường BĐS.
Bộ trưởng cho rằng, các địa phương tập trung xây dựng các khu đô thị, thành lập ban quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị để cân đối cung cầu, các nguồn lực và dự báo khả năng phát triển nhà ở của từng khu vực. Từ đó, chúng ta kiểm soát, khắc phục tình trạng phát triển tự phát phong trào như trong thời qua, tạo sự lệch pha cung cầu và khó khăn cho thị trường BĐS.
Theo Infonet