Thị trường lo ngại rằng khi NHNN áp dụng chính sách tỷ giá mới sẽ khiến ngoại tệ chảy ra ngoài nhiều hơn - Ảnh: TBKTSG |
Trả lời báo Tuổi Trẻ hôm nay 28-12, Thống đốc Bình cho rằng theo lộ trình điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì người dân, doanh nghiệp tới đây gửi ngoại tệ có thể sẽ phải trả phí và thậm chí gửi ngoại tệ phải rút ra bằng tiền đồng.
“Đây không phải tin khả quan với thị trường”, đại diện một quỹ đầu tư nói với TBKTSG Online.
“Nhà đầu tư nước ngoài không khỏi lo ngại vì khi đem tiền vào Việt Nam, gửi vào ngân hàng tôi biết tôi có bao nhiêu, gửi với giá nào nhưng khi rút ra tôi phải rút theo giá của nhà nước quy định mà giá đó tôi không thể biết trước”, ông này cho biết khi nêu nhận xét về phát biểu mới đây của Thống đốc NHNN.
Vị đại diện quỹ đầu tư nói trên cho rằng mặc dù chưa biết cụ thể các cơ sở của việc thay đổi và cách NHNN sẽ điều tiết chính sách tỷ giá trong năm 2016, song nếu như thông tin báo chí đưa theo lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì đó là những thay đổi mà ông cho là thị trường không mong muốn.
Vị này cũng lo ngại rằng thay đổi này quá mạnh, thị trường sẽ có phản ứng nếu chính sách này đi vào thực tế. Nhà đầu tư FDI có thể rút bớt đầu tư vì họ cảm thấy bất an.
Ông nói: “Nếu tôi muốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào đây, anh muốn áp tỷ giá bao nhiêu cũng được là do anh, bữa nay ra tỷ giá này bữa sau ra giá khác thì ai chẳng sợ. Ví dụ, tôi có đô la Mỹ, tôi để ở nhà không sao, tôi để trong ngân hàng một phần tôi bị trừ phí, mặt khác khi tôi muốn rút ra lại là tiền đồng mà rút ra thì không mua lại được đô la Mỹ, thế thì khoản tiền đó thành con tin tại ngân hàng mãi mãi”.
Một chuyên gia trong giới kinh doanh ngân hàng nói: “Tôi nghĩ các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư cá nhân, quỹ nước ngoài và cá nhân người dân sẽ có phản ứng. Với dân chúng việc này có thể gây ra làn sóng rút ngoại tệ đang để trong ngân hàng hay mua ngoại tệ trên thị trường chợ đen để ở nhà mình vì để ở nhà sẽ tự do hơn. Với các quỹ nước ngoài, họ không dám bỏ ngoại tệ vào ngân hàng Việt Nam vì muốn rút tiền về cũng không an tâm về giá trị họ sẽ nhận được và vì thế các hoạt động kinh tế ngầm sẽ càng có cơ hội phát triển."
"Các sản phẩm gây méo mó các giao dịch kinh tế như gửi tiền đồng bảo đảm bằng ngoại tệ hay gửi tiền đồng lãi suất bù tỷ giá sẽ nảy sinh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bán trả chậm cho nước ngoài để hưởng lãi suất đô la Mỹ. Vi dụ anh xuất đi lô hàng may mặc trị giá một triệu đô la thay vì nhận tiền trả ngay họ cho đối tác trả chậm, 180 ngày sau tiền mới về trong khi tôi được vay đồng Việt Nam để sản xuất trong nước với giá rẻ hơn. Đó là chiêu lách luật để găm giữ ngoại tệ ở nước ngoài hợp pháp”, vị này nhận xét.
“Thị trường rất lo ngại về thông điệp này. Nếu NHNN áp dụng chính sách này thì càng ngày ngoại tệ càng chảy ra ngoài nhiều hơn”, lãnh đạo một ngân hàng bình luận. "Người dân, doanh nghiệp từ trước tới nay gửi ngoại tệ vào ngân hàng vì họ tin khi cần tiền đô la, họ có ngay nhưng nay cần thì không có nữa, có nghĩa sẽ gây ra làn sóng đô la hóa."
Thời gian qua, ông cho biết, các đại gia giữ mấy triệu hay chục triệu đô ở ngân hàng dứt khoát không chuyển thành tiền Việt Nam. Họ còn gửi ngoại tệ ở ngân hàng nước ngoài, thế chấp tiền gửi ngoại tệ đó vay tiền Việt Nam với lãi suất khoảng 5% rồi gửi ngân hàng Việt Nam lãi suất 6,5% lấy chênh lệch (việc này là bình thường và không bị cấm trên thị trường). Họ gửi ngoại tệ với hy vọng tài sản sẽ an toàn hơn tiền đồng nhưng nay với thay đổi này gửi ngoại tệ ở ngân hàng không còn an toàn nữa. Đó là lý do có thể gây ra chảy máu ngoại tệ của Việt Nam.
“Tôi biết nhiều người giàu đã gửi ngoại tệ ở nước ngoài. Trung Quốc mỗi năm chảy máu ngoại tệ khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ theo báo chí quốc tế. Vậy Việt Nam nên dùng các công cụ kinh tế để điều chỉnh hơn là các quy định hành chính để thu hút ngoại tệ thay vì gây tăng chảy máu ngoại tệ. Nước phải chảy về chỗ trũng chứ sao lại chảy ngược lên núi?” vị này bình luận.
Lãnh đạo một tổ chức tài chính nước ngoài bình luận: “Bàn tay nhà nước quản lý và điều tiết có thể ở mức độ nào đó nhưng phải trên cơ sở quy luật thị trường tức muốn tỷ giá hạ thì NHNN phải bán ra để cung cầu cân bằng hơn hay sòng phẳng hơn về lợi ích với các nhà băng và doanh nghiệp chứ cách làm như vậy là can thiệp hành chính quá sâu, triệt tiêu tính thị trường giống như quay lại nền kinh tế kế hoạch. Làm sao có thể tạo niềm tin cho người ta bỏ tiền vào nền kinh tế và ngân hàng?”
Ông cũng khẳng định rằng việc chuyển tiền ra nước ngoài hiện nay rất dễ dàng. Nếu Việt Nam áp dụng lãi suất trung tâm theo hình thức cộng trung bình giá đô la Mỹ của các nhà băng lớn tương tự lãi suất Libor thì thị trường tiền tệ Việt Nam không thể độc lập với thị trường tiền tệ các nước. Bởi ai cũng biết đồng Việt Nam chưa có tính tự do chuyển đổi và sức khỏe các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn rất mong manh.
Theo TBKTSG