|
"Thị trường điều chỉnh, đổ lỗi cho phái sinh là không công bằng" |
VN-Index điều chỉnh hơn 20% từ đỉnh, theo ông, thị trường đã có tín hiệu tạo đáy hay chưa?
Sau khi thị trường điều chỉnh hơn 20% và rơi vào trạng thái "thị trường con gấu", câu hỏi đã tạo đáy hay chưa được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo tôi, việc thị trường tạo đáy cần hiểu một cách đơn giản là sự cân bằng giữa việc mua bán, đặc biệt là việc triệt tiêu đi hết áp lực margin.
Xét về yếu tố định giá, mức PE khoảng 13 lần là tương đối rẻ. Tuy nhiên, cần phải theo dõi tới yếu tố quốc tế. Liệu quốc tế có rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Trong 6-12 tháng, sẽ có câu trả lời rõ ràng.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng, trạng thái thị trường chứng khoán thế giới đã ở trong giông bão với lạm phát cao, lãi suất tăng, trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng liên tục tăng mạnh. Nếu suy thoái xảy ra khi cũng khó có thể bơm tiền.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng tốt ít nhất là trong quý 1/2022. Tuy nhiên, khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu thì chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán Việt Nam do đó đang ở trong "mây mù".
Ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường phái sinh khi đang có nhiều ý kiến cho rằng phái sinh là tội đồ?
Theo tôi là không công bằng nếu đổ hết lỗi cho phái sinh. Nội tại của thị trường chứng khoán đã suy yếu sau khi dòng tiền rút khỏi các cổ phiếu thị trường. Margin cao cộng với thanh khoản kém khiến cho các cổ phiếu không được đỡ giá.
Trên thị trường phái sinh, khối lượng hợp đồng mở (OI) thực tế không tăng mạnh thay vào đó là thanh khoản tăng mạnh do nhà đầu tư thực hiện trading trong phiên để gỡ lại thua lỗ. Chuyển động của thị trường phái sinh có tác động tới cơ sở nhưng không phải là ảnh hưởng chính. Mấu chốt vẫn là do tâm lý và yếu tố dòng tiền đang khiến bức tranh trở nên tiêu cực.
Với những diễn biến bất lợi diễn ra quá nhanh, liệu đã đến lúc các CTCK phải thay đổi các dự báo định giá?
Như tôi đã nêu trên, có thể VN-Index đã rẻ nhưng biến số khủng hoảng thế giới vẫn đang treo lơ lửng. So với 1 tháng trước, bức tranh đã thay đổi hoàn toàn và quá nhanh. Đồng Nhân dân tệ đã giảm 6% và VNĐ cũng chịu áp lực giảm 1-2% để đảm bảo sự cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu.
Trong báo cáo đầu năm, chúng tôi đưa ra mức PE thận trọng là khoảng 16,5 lần. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu khủng hoảng được kiểm chứng trong thời gian tới, mức PE kỳ vọng có thể sẽ phải hạ xuống. Trước mắt, chúng tôi vẫn chưa có sự điều chỉnh.
Tuy nhiên, đây chỉ là định giá kỳ vọng còn mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn có thể đạt 20-25% nhờ triển vọng vĩ mô sáng trong năm 2022.
Xin ông chia sẽ lời khuyên cho nhà đầu tư đang chịu thua lỗ?
Thực sự, việc đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư giai đoạn này là rất khó với nhiều chuyên gia. Nếu nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu cơ bản và không chịu áp lực margin thì việc giữ cổ phiếu qua chu kỳ này lại không phải xấu. Thị trường qua đi cơn bĩ cực sẽ lại đến hồi thái lai.
Tuy nhiên, nếu như danh mục nhiều cổ phiếu thị trường có thể chịu tác động tiêu cực của suy thoái thì phải suy nghĩ lại.
Việc bắt đáy nếu có cũng chủ yếu canh hồi là bán chứ không phải hồi lên để mua. Đâu đó, có thể tìm kiếm các cơ hội đã chiết khấu 60-70% để trung bình nhưng cũng nên giảm tỷ trọng khi giá bật lên các ngưỡng kháng cự.
Theo tôi, nhà đầu tư đang có tiền không nhất thiết phải tham gia ngay khi thị trường xuất hiện đáy. Thay vì mua tại vùng đáy, có thể hy sinh 10-20% cơ hội kiếm lợi nhuận nhưng kiểm chứng được khả năng hồi phục và sự trở lại của dòng tiền. Ở thời điểm hiện tại, việc tham gia vẫn là rất rủi ro.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống doanh nghiệp