Thị trường di động xách tay tại Việt Nam đang chết dần?

Thị trường di động xách tay tại Việt Nam đang dần mất đi tính đa dạng. Các cửa hàng chỉ tập trung bán iPhone và một số dòng máy đến từ Xiaomi.

Cách đây vài năm, thị trường di động xách tay tại Việt Nam khá sôi động với các mẫu máy khác nhau từ nhiều thương hiệu như Samsung, LG, Sky, Sony...

Hiện tại khi nhìn qua một vòng thị trường, cửa hàng chủ yếu chỉ tập trung bán iPhone cùng với đó là một vài sản phẩm Xiaomi.

Các tên tuổi lớn một thời biến mất

Những năm 2011-2012 là thời điểm smartphone xách tay nở rộ tại Việt Nam. Hàng loạt cửa hàng điện thoại mọc lên như nấm sau mưa tại Hà Nội và TP.HCM trong thời gian này.

"Thời đó, kinh doanh hàng xách tay dễ lắm, ai cũng muốn theo. Những chiếc điện thoại mang thương hiệu Sky, LG hay Samsung xách tay từ Hàn Quốc được người dùng ưa chuộng không kém gì iPhone bây giờ", ông Hoàng Giang, đại diện của một cửa hàng bán điện thoại xách tay lâu năm tại Hà Nội chia sẻ.

Những chiếc điện thoại xách tay Hàn Quốc nhận được nhiều sự chú ý bởi cấu hình cao, thiết kế đẹp cùng với giá bán rẻ hơn tương đối so với hàng chính hãng.

Những mẫu điện thoại xách tay Hàn Quốc nổi bật với thiết kế đẹp, cấu hình tốt cùng mức giá rẻ.

Điểm yếu lớn nhất của những thiết bị này nằm ở phần mềm, lỗi tin nhắn và sóng không ổn định. Tuy nhiên với cộng đồng người dùng đông đảo, các bản vá phần mềm liên tục được cập nhật trên các diễn đàn công nghệ.

Đầu năm 2013, sau cơn sốt điện thoại xách tay Hàn Quốc, các đại lý tiếp tục nhập thêm nhiều mẫu máy từ thị trường Mỹ và Nhật Bản. Những chiếc Samsung Galaxy J, HTC J One hay Sony Xperia Z đã gây chao đảo thị trường một thời nhờ cấu hình cao và giá rẻ. Thậm chí, chúng còn rẻ hơn so với hàng xách tay Hàn Quốc 2-3 triệu đồng.

Do những hạn chế về phần mềm, nhiều lỗi vặt trong quá trình sử dụng, thêm vào đó mẫu mã sản phẩm cũng không đa dạng, loại hàng này chỉ tồn tại được một thời gian trên thị trường.

Khoảng cuối năm 2014, thương hiệu Sky Pantech gặp khó khăn về tài chính, các sản phẩm của hãng cũng dần biến mất trên thị trường. Bên cạnh đó, những thiết bị đến từ LG lại liên tục gặp lỗi về phần cứng như liệt cảm ứng hoặc "đột tử" khiến máy không thể khởi động lại. Những điều này càng khiến người dùng xa lánh hơn với hàng xách tay.

Thêm vào đó, cơn bão iPhone qua sử dụng càn quét các cửa hàng di động xách tay, những chiếc máy Android cũ từ các hãng không cạnh tranh lại được với "táo khuyết".

Smartphone chính hãng ngày càng tốt hơn

Khoảng những năm 2012-2103, smartphone vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Thời điểm này, những chiếc điện thoại tầm trung, giá rẻ thường bị cắt giảm khá nhiều khi so với máy phân khúc cao cấp hơn.

Để có được trải nghiệm sử dụng tốt hơn, nhiều người dùng đã lựa chọn giải pháp mua điện thoại xách tay qua sử dụng. Với cùng một mức giá nhưng hàng xách tay sẽ có cấu hình tốt hơn, ngoại hình đẹp hơn hoặc trang bị nhiều tính năng hơn.

Smartphone tầm trung, giá rẻ đang dần trở nên đa dạng và tốt hơn.

Nó khác với hiện tại, khi smartphone tầm trung đã không còn thua thiệt quá nhiều khi so với những sản phẩm cao cấp. Hiện nay, với khoảng 4-6 triệu đồng, người dùng đều có thể dễ dàng mua được những thiết bị có vỏ kính hoặc kim loại, cấu hình tốt và camera kép.

Hơn nữa, smartphone chính hãng luôn được đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như các chế độ bảo hành, hậu mãi, người dùng có thể yên tâm hơn khi sử dụng.

Các hãng muốn "diệt" hàng xách tay

Chưa dừng lại ở đó, điện thoại xách tay từ lâu đã là cái gai mà các hãng điện thoại muốn loại trừ. Từ khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, Xiaomi đã liên tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu trái phép.

Đầu năm 2018, hãng bán Mi A1 ở Việt Nam với giá thấp hơn ở Trung Quốc, khiến các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay điêu đứng. Sau đó, Xiaomi liên tục tăng thời gian chờ mở khóa bootloader để gây khó khăn cho việc cài phần mềm trên các thiết bị xách tay.

Trao đổi với Zing.vn, ông Huy Anh, đại diện của Xiaomi Việt Nam cho biết "việc điện thoại Xiaomi xách tay tràn làn trên thị trường như hiện nay gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của hãng. Xiaomi không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi cũng như bảo hành cho những thiết bị đó".

Xiaomi tích cực chặn hàng xách tay ngay sau khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.

Không chỉ Xiaomi, nhiều hãng khác cũng đã thực hiện các chính xách về giá nhằm hạn chế sự ảnh hưởng từ điện thoại xách tay. Ví dụ chiếc Samsung Galaxy Note9 đang được bán với giá 23 triệu đồng cho bản 128 GB, nhưng sau khi từ đi các phần quà khuyến mại, người dùng có thể mua với giá chỉ hơn 20 triệu đồng.

Mức giá này chỉ chênh lệch 2 triệu đồng so với máy xách tay cùng dung lượng. Tuy nhiên, người dùng sẽ nhận được những dịch vụ hậu mãi và chế độ bảo hành tốt hơn hẳn.

iPhone xách tay trở thành nguồn sống chính

"Doanh thu từ việc bán iPhone xách tay chiếm 60-70% của cửa hàng. Thậm chí, những tháng cao điểm nó có thể lên tới hơn 80% tổng doanh thu", anh Xuân Tuyến, đại diện một hệ thống bán lẻ điện thoại xách tay chia sẻ.

Anh cho biết cửa hàng có kinh doanh các mẫu máy Android từ Xiaomi, Meizu, Nokia và một số dòng máy từ Samsung, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận từ chúng chỉ chiếm một phần nhỏ.

"Người dùng Việt Nam chuộng iPhone qua sử dụng hơn những chiếc máy Android, dù là hàng mới. Một phần vì trải nghiệm sử dụng đơn giản, dễ dùng, thiết kế đẹp, một phần do tâm lý khách hàng cho rằng iPhone nhìn sang hơn", anh nhận định.

Không chỉ người dùng chuộng iPhone, các cửa hàng cũng rất thích bán loại hàng này.

Thêm vào đó, iPhone xách tay tại Việt Nam gần như bao phủ mọi tầm giá từ cao cấp tới giá rẻ với các loại hàng khác nhau. Người dùng có thể chọn hàng mới, hàng qua sử dụng, hàng tân trang hoặc các máy khóa mạng tùy thuộc theo điều kiện tài chính.

Cũng chính vì thế, chất lượng của iPhone xách tay rất khó đảm bảo. Người dùng cần phải tự trang bị kiến thức cho bản thân khi chọn mua những loại hàng này.

Theo Zing

http://news.zing.vn/thi-truong-di-dong-xach-tay-tai-viet-nam-dang-chet-dan-post884842.html
Theo Zing