Được biết tới là một trong những nhà cung cấp không gian làm việc linh hoạt lớn nhất thế giới, với hơn 3.000 trung tâm tại hơn 1.000 thành phố, hiện diện tại hơn 100 quốc gia, Regus chính thức bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam vào năm 1998. Mở trung tâm đầu tiên tại Việt Nam cách đây 20 năm, ở thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á đang lan rộng, Regus xây dựng tầm nhìn tiềm năng của Việt Nam về lâu dài. Và ở thời điểm này, Regus đã mở rộng quy mô hoạt động từ 7 trung tâm lên thành 9 trung tâm (8 trung tâm văn phòng và 1 trung tâm hội nghị), với tổng diện tích sàn là 9.000 mét vuông. Ngoài ra, trong năm 2018, lần đầu tiên Regus Việt Nam đã cán mốc 1.000 bàn làm việc được lấp đầy, đồng nghĩa với việc hàng ngày có hơn 1.000 người tới các trung tâm Regus tại Việt Nam để làm việc.
Theo đánh giá của Tổng giám đốc Regus Phillipines, Việt Nam và Campuchia, với làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới các giải pháp không gian làm việc linh hoạt, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm kiếm những giải pháp mới nhằm giảm thiểu số vốn đầu tư quá lớn vào cơ sở hạ tầng ban đầu. Những giải pháp văn phòng linh hoạt cho phép doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo tình hình kinh doanh hoặc yếu tố thị trường.
Ông Lars Wittig, Tổng giám đốc Regus Phillipines, Việt Nam và Campuchia.
Ông Lars Wittig chia sẻ, rất mong có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia thị trường co-working, vì chính điều này sẽ mang lại nhiều sắc màu và mở ra nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang có ý định đầu tư vào thị trường co-working Việt Nam, lời khuyên của ông là cần nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ văn hóa và lịch sử của Việt Nam để từ đó nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, vấn đề nhân sự cũng hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cần tuyển dụng những nhân sự phù hợp, có khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Hiện giờ, khách hàng của Regus khá đa dạng, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp, cho tới các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, hoạt động trong mọi lĩnh vực khác nhau. Trái với hình dung của nhiều người, Regus có rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, tỷ lệ khách hàng Việt Nam so với khách hàng nước ngoài của Regus là khoảng 50/50. Còn về mặt nhân sự, có đến 90% người đến Regus làm việc mỗi ngày là người Việt Nam, 10% còn lại là người nước ngoài.
Mặc dù đưa ra nhận định, với sự phát triển của công nghệ, xu hướng co-working đã thực sự bùng nổ, song theo ông Lars Wittig, thị trường co-working tại Việt Nam vẫn đang phát triển dưới mức kỳ vọng so với tiềm năng thực sự. Cùng với Indonesia và Phillippines, Việt Nam hiện được coi là điểm sáng tăng trưởng của Đông Nam Á, do đó, không có lý do gì để Việt Nam không thể bắt kịp các quốc gia khác trong khu vực về số lượng trung tâm, và đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Lars Wittig trên cương vị người phụ trách thị trường Việt Nam.
Hiện đang có xu hướng các nhà phát triển cao ốc văn phòng cũng đang dành diện tích cho mô hình co-working trong mỗi tòa nhà văn phòng của họ. Theo thống kê, hiện tại mô hình co-working mới chỉ chiếm 2-3% trong tổng diện tích văn phòng cho thuê trên thế giới. Tuy nhiên đây là một xu hướng tất yếu, và các doanh nghiệp hàng đầu như John Lang Lasalle, Colliers, KPMG, JP Morgan, Deloitte… đều dự đoán co-working sẽ phát triển nhanh để chiếm đến 30% tổng diện tích văn phòng làm việc trong tương lai.
Vì vậy, các doanh nghiệp chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc chơi. Bởi khái niệm làm việc ở bất kỳ đâu, một khi trở thành hiện thực, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội phát triển và tăng trưởng với mức chi phí linh hoạt, phù hợp, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng nhất.
Theo VnMedia