Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu đã “bong bóng”?

VietTimes – Các ‘nhà đầu tư F0’ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt, quyết định xu hướng thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Người dân ùn ùn mở tài khoản, liệu có ‘bong bóng’ trên thị trường chứng khoán?

Như VietTimes từng đề cập, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tương đương với 93% cả năm 2020. Với bình quân 4.000 tài khoản mở mới mỗi ngày, Việt Nam hiện đã có hơn 3,14 triệu tài khoản chứng khoán.

Trao đổi với VietTimes, Ts. Đỗ Thái Hưng – Nhà sáng lập, Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros, cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến các thị trường tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam trở nên sôi động.

Một bộ phận dân chúng, đặc biệt là giới trẻ trên thế giới, nhận được số tiền trợ cấp rất lớn trong thời gian giãn cách xã hội. Một phần không nhỏ trong số tiền trợ cấp được giới trẻ đổ vào các khoản đầu tư, khi mà thị trượng tài chính là một trong những thị trường vẫn hoạt động tốt bất chấp dịch Covid-19.

Việc được trải nghiệm những thành quả khi thị trường chứng khoán hồi phục từ đáy, cùng với 6-7 tháng tích luỹ kinh nghiệm, đã giúp lòng tin của các ‘nhà đầu tư F0’ được xây dựng, tạo thành trào lưu, lan toả rộng hơn.

Việc NHTW các nước, đặc biệt là cục dự trữ liên bang Mỹ FED, bơm tiền ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế và thị trường tài chính cộng với dòng tiền ồ ạt đổ vào từ những nhà đầu tư F0 khiến thị trường chứng khoán Mỹ cũng như toàn thế giới chứng kiến cú đi lên ngoạn mục. Điều này tạo ra niềm tin và tính lan tỏa mạnh mẽ cho một thế hệ những người mới tham gia thị trường chứng khoán.

“Trào lưu này sẽ còn chưa kết thúc, khi nào mà các ngân hàng trung ương còn chưa thu tiền về qua động thái tăng lãi suất, hay nói cách khác, nguồn vốn rẻ vẫn đang trôi nổi trên thị trường, dự kiến tiếp tục đến cuối 2021, thậm chí đến đầu năm sau” – ông Hưng nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Đỗ Thái Hưng, định giá theo P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ ở mức 16 – 17 lần, so với mức định giá cách đây vài năm cũng không quá cao. Trong khi đó, tại thời điểm xảy ra ‘bong bóng’ chứng khoán giai đoạn 2007 – 2008, định giá theo P/E của thị trường lên tới 30 lần. Khi đó, giá trị tài sản quá cao so với khả năng sinh lời.

“Ở thời điểm hiện tại, bản thân định giá vẫn chưa ở mức cao, tiềm năng sinh lời vẫn đủ bù đắp. Chừng nào định giá P/E của thị trường chưa vượt quá 20 – 21 lần thì vẫn chưa lo sợ bong bóng tài sản” – TS. Đỗ Thái Hưng chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, các ‘nhà đầu tư F0’ đang dẫn dắt cuộc chơi, đóng vai trò then chốt quyết định đến diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Họ cân đối, hấp thụ tất cả lực chốt lời từ ngoại khối, nội khối nhất là tổ chức tự doanh, và thị trường duy trì thanh khoản ở mức 800 triệu - 1 tỉ USD/ngày”, ông Tuấn cho biết.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2021, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và khả năng gia tăng nguồn vốn vay quỹ quỹ trong thời gian tới (đến từ việc tăng vốn của các công ty chứng khoán) sẽ là động lực thúc đẩy thị trường.

VDSC cũng dự báo số lượng tài khoản chứng khoán mở mới sẽ tiếp tục gia tăng khi lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, việc giá trị giao dịch ký quỹ chỉ chiếm 13% tổng giá trị giao dịch (giảm mạnh từ Q3/2020) cho thấy dòng tiền tươi từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo và sẽ giúp thị trường đi xa hơn khi không quá phụ thuộc vào vốn vay ký quỹ./.