'Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro'

VietTimes – Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, diễn ra vào sáng nay (23/5).

Báo cáo cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 562.200 tỉ đồng, tăng 8,9%. Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỉ USD, tăng 7,8%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn và thách thức trong những tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội./.