Cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ (viết tắt là PPP) thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác lập trên cơ sở các đối tác công và đối tác tư ký thỏa thuận đóng góp nguồn lực cùng xác định, thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ và khai thác, sử dụng các kết quả tạo ra.
Các chương trình khoa học và công nghệ thực hiện thí điểm theo cơ chế PPP được lựa chọn trong Đề án (gọi tắt là Chương trình) là những vấn đề khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, nhóm ngành kinh tế; phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên; góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết.
Các đối tác đóng góp nguồn lực thực hiện Chương trình bao gồm: Đối tác công là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương); các định chế tài chính hoạt động chủ yếu bằng ngân sách nhà nước; đối tác tư là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam. Phần đóng góp của đối tác tư chiếm không dưới 40% tổng nguồn lực thực hiện Chương trình; các tổ chức hợp tác phát triển song phương và đa phương, các quỹ và các tổ chức, cá nhân khác tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện Chương trình được tính vào phần đóng góp của đối tác công hoặc đối tác tư tùy từng trường hợp cụ thể.
Nguồn lực đóng góp của đối tác công được ưu tiên dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện các đề tài, dự án của Chương trình.
Thành lập Chương trình
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ và các bên liên quan tổ chức xác định, lựa chọn các Chương trình trên cơ sở tiêu chí, trình tự quy định.
Các đối tác công và đối tác tư có cam kết đóng góp nguồn lực cử đại diện để ký kết hợp đồng đối tác công - tư thành lập Chương trình với nội dung chính bao gồm: Mục tiêu; quy mô; thời gian thực hiện; danh mục dự kiến các đề tài, dự án và phương án bảo đảm nguồn lực thực hiện; quy định quản lý tài chính, tài sản (bao gồm cả tài sản vô hình có liên quan); thành lập và hoạt động của Ban chủ nhiệm Chương trình (Ban chủ nhiệm) để điều hành và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; các vấn đề khác mà các bên quan tâm.
Khuyến khích các tổ chức đóng góp nguồn lực tham gia Chương trình
Về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế đóng góp nguồn lực tham gia Chương trình. Phần đóng góp tham gia Chương trình bằng tiền, tài sản hoặc dịch vụ được tính là khoản đầu tư cho khoa học và công nghệ và hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật; tập trung, lồng ghép kinh phí ngân sách nhà nước từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các chương trình, dự án khác nhau có mục tiêu phù hợp đóng góp thực hiện Chương trình.
Khi thực hiện các đề tài, dự án của Chương trình, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật trong sử dụng trang thiết bị, phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất cần thiết khác của Nhà nước; được ưu tiên khai thác các cơ sở dữ liệu, tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước.