Được biết, tháng 8/2015, Ngân hàng CIMB của Malaysia đã được chấp thuận về nguyên tắc mở ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam, sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Rajak tại Malaysia.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2016 vừa rồi, Thống đốc NHNN mới chính thức cấp giấy phép cho CIMB hoạt động. Hiện tại, Malaysia đã có hai ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam.
Trong đó, tháng 12/2008, Hong Leong Bank - thành viên của Tập đoàn Hong Leong Malaysia -là ngân hàng thương mại 100% vốn đầu tiên của Malaysia và Đông Nam Á được cấp phép thành lập tại Việt Nam. Sau 8 năm, đến nay có thêm Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam được cấp phép.
Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam thực hiện các hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật và của NHNN, bao gồm:
Các hoạt động: Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác; cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay, chiết khấu, tái thiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh ngân hàng, phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán trong nước; mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; cung ứng dịch vụ thanh toán trong nước; cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ.
Mở tài khoản: Mở tài khoản tại NHNN, mở tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác; Tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tham gia đấu thầu, mua, bán tín phiếu kho bạc, công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ; mua bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngân hàng này được triển khai nhiều hoạt động và nghiệp vụ khác như dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn; tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; dịch vụ môi giới tiền tệ; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn; được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định; vay, cho vay, gửi, nhận gửi vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định; được góp vốn, mua cổ phần theo quy định…
Dịch vụ môi giới tiền tệ; Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn theo quy định của Luật các TCTD, Luật Chứng khoán, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN; Vay vốn của NHNN dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật NHNN và hướng dẫn của NHNN; Vay, cho vay, gửi, nhận gửi vốn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN.
Góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN; Ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN; Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế trong phạm vị do NHNN quy định.
Như vậy, hiện tại Việt Nam có ngân hàng thứ 6 100% vốn nước ngoài, 5 thành viên trước đó là: ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam và Standard Chartered Việt Nam.
Cũng đầu tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 5829/NHNN-TTGSNH về đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của ngân hàng Woori. Dự kiến, sau khi có giấy phép chính thức, đây sẽ là ngân hàng có 100% vốn nước ngoài thứ 7 ở Việt Nam.