Thế cuộc ở VMG Media trước AGM 2022 lần 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi nhóm cổ đông lớn lâu năm là Maj Invest và NTT Docomo Inc triệt thoái vốn, cuộc đua giành quyền kiểm soát VMG Media nóng lên bởi các 'tay chơi' mới.

Ngày 19/9/2022, CTCP Truyền thông VMG (VMG Media – Mã CK: ABC) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) lần thứ 2. Trước đó, vì nhiều lý do, AGM 2022 lần thứ nhất của VMG Media đã không thể tiến hành.

Theo ghi nhận, một ngày trước AGM 2022 lần thứ 2, tài liệu họp mà VMG Media công bố trên trang chủ (http://vmgmedia.vn) khá khiêm tốn, chỉ bao gồm "Tờ trình của Hội đồng quản trị" và "Báo cáo ban Kiểm soát".

Dẫu vậy, AGM 2022 lần thứ 2 của VMG Media khả năng sẽ chứng kiến sự 'thay máu' thượng tầng, với việc doanh nghiệp này đã công bố sơ yếu lý lịch của 4 ứng viên Hội đồng quản trị (HĐQT), bao gồm các ông: Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Đăng Khoa và Nguyễn Đức Hiếu.

Nhấn mạnh rằng, nội dung bầu HĐQT vẫn chưa được VMG Media đề cập trong mục tài liệu họp AGM 2022 lần 2.

Điều này có thể ảnh hưởng tới việc thảo luận các nội dung được trình bày tại đại hội của các cổ đông tham dự, bao gồm cả việc đánh giá các ứng viên được bầu vào HĐQT – 'nơi' đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông và ra các quyết định quan trọng, định hướng chiến lược hoạt động của VMG Media.

Tài liệu họp AGM 2022 lần thứ 2 mà VMG Media công bố cập nhật vào 17h chiều ngày 18/9/2022

Tài liệu họp AGM 2022 lần thứ 2 mà VMG Media công bố cập nhật vào 17h chiều ngày 18/9/2022

Thế cuộc ở VMG Media

VMG Media tiền thân là CTCP Truyền thông Vietnamnet, được thành lập năm 2006, là thành viên thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Trải qua 3 đợt tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của VMG Media hiện ở mức 203,93 tỉ đồng. VNPT hiện nắm giữ 5,77 triệu cổ phiếu ABC, tương ứng với 28,3% vốn điều lệ của VMG Media.

Nổi lên trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ viễn thông và thương mại điện tử với Lingo.vn và VNPT Epay, VMG Media từng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, nổi bật là đại gia viễn thông Nhật Bản NTT Docomo và nhóm Maj Invest Holding A/S (Maj Invest).

Báo cáo tình hình quản trị công ty gần nhất của VMG Media ghi nhận, tới cuối quý 2/2022, HĐQT doanh nghiệp này có 5 thành viên, bao gồm các ông: Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Đăng Thắng, Trần Bình Dương, Domingo Alonso và Torben Kjaer.

Trong đó, các ông Domingo Alonso và Torben Kjaer vẫn được thị trường xem như những đại diện của nhóm Maj Invest. Theo tìm hiểu, ông Domingo Alonso là người thành lập văn phòng đại diện Maj Invest tại Việt Nam những năm 2010, còn ông Torben Kjaer hiện là cố vấn của Maj Invest.

Tuy vậy, trong nửa đầu năm 2022, Maj Invest và quỹ thành viên Yellow Star Investment 6 Pte, Ltd đã triệt thoái vốn khỏi VMG Media, với việc bán ra 4,77 triệu cổ phiếu, tương đương 23,32% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Tương tự, ngay trước thềm AGM 2022 lần 2 của VMG Media, NTT Docomo đã bán ra toàn bộ 4,99 triệu cổ phiếu, tương đương 24,52% vốn điều lệ của công ty.

Như vậy, HĐQT VMG Media hiện nay, ngoài 2 thành viên đại diện vốn cho VNPT, các thành viên khác đều không nắm giữ, hoặc nắm giữ cổ phần không đáng kể, hoặc không đại diện vốn cho nhóm cổ đông lớn nào ở VMG Media.

Đảm bảo công bằng giữa quyền sở hữu và quyền quản trị, một nhóm các cổ đông lớn đã đề nghị đưa nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT vào chương trình nghị sự của AGM 2022 lần thứ 2. Nhưng cập nhật đến thời điểm này, chương trình đại hội được công bố vẫn chưa bổ sung nội dung trên, khiến một số cổ đông lớn tỏ ý băn khoăn về thiện chí của HĐQT đương nhiệm ở VMG Media, những người nắm quyền "lên chương trình" AGM.

Bên cạnh 'nút thắt' thượng tầng, Điều lệ công ty cũng là vấn đề được các cổ đông VMG Media quan tâm, khi Điều lệ hiện thời của công ty vẫn đang dựa trên Luật Doanh nghiệp 2014. Nhiều cổ đông kỳ vọng đại hội sẽ biểu quyết sửa đổi Điều lệ VMG Media cho phù hợp với các quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, lá phiếu từ cổ đông lớn gốc Nhà nước, là VNPT, được tin là mang tính quyết định.

Lưu ý, năm 2019, VMG Media đã bị Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (UTC) khởi kiện vì cho rằng đã phản ánh không trung thực và chính xác về tình hình tài chính của CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay), khiến GPS và UTC đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần VNPT Epay.

Theo phán quyết số 110/2021 của Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore, VMG Media có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho GPS/UTC số tiền tương đương 626 tỉ đồng tại thời điểm 21/10/2021. Cùng với đó, VMG phải chịu mức lãi suất 5,33% cho khoản bồi thường kể từ ngày 21/10/2021 cho tới thời điểm thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường cho GPS/UTC.

Việc trích lập dự phòng phải trả cho thương vụ trên được xem là nguyên nhân khiến VMG Media ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 696,7 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 205,87 tỉ đồng (tại ngày 30/6/2022). Cùng với việc nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, đơn vị kiểm toán đã đặt ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VMG Media.

Với thực trạng đó, có lẽ chỉ có những cổ đông lớn, đầu tư hàng trăm tỉ đồng và gắn quyền lợi trực tiếp mới đủ kiên nhẫn và tâm huyết để giải quyết những khó khăn mà VMG Media đang đối mặt.

Về nguyên tắc, việc tháo gỡ các khó khăn (cả chủ quan và khách quan) cho VMG Media, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các cổ đông VMG Media nói chung, mà còn giúp kiểm soát được rủi ro mất vốn nhà nước (cụ thể là VNPT) ở doanh nghiệp này.

iMedia – 'phiên bản mới' của VMG Media?

Kể từ năm 2020, doanh thu của VMG Media liên tục sụt giảm.

Nếu như năm 2020, doanh thu của VMG Media đạt 3.371,3 tỉ đồng, thì bước sang năm 2021, chỉ tiêu này đã giảm hơn 50%, xuống còn 1.525,5 tỉ đồng. Doanh thu của công ty này trong năm 2022 cũng được dự báo sẽ chỉ tương đương với năm 2021.

Đáng chú ý, việc sụt giảm doanh thu của VMG Media đến từ chính các dịch vụ thế mạnh nhiều năm như: SMS Brandname; Giá trị Gia tăng; Dữ Liệu; Mã Thẻ/Topup.

Nhà đầu tư càng có lý do để băn khoăn khi chứng kiến sự trỗi dậy của CTCP Công nghệ và dịch vụ Imedia (iMedia) - vốn là công ty con, do VMG Media nắm chi phối, với 51% cổ phần.

Đến ngày 17/8/2020, iMedia tăng vốn điều lệ từ 6 tỉ đồng lên 10 đồng nhưng VMG Media đã không thực hiện góp thêm vốn (dù chỉ cần rót thêm 2,4 tỉ đồng là có thể đảm bảo tỉ lệ sở hữu chi phối; trong khi doanh thu của iMedia trong năm 2020 lên tới 3.743 tỉ đồng). Điều này khiến tỉ lệ sở hữu của VMG Media tại iMedia giảm xuống chỉ còn 30,6% vốn điều lệ.

Tới ngày 19/7/2021, iMedia lại tiếp tục tăng vốn điều lệ gấp 5 lần, lên 50 tỉ đồng. VMG Media cũng không tham gia góp thêm vốn để giữ tỉ lệ sở hữu ở mức 30,6%, trong khi doanh thu của iMedia trong năm 2021 tiếp tục tăng trưởng, khoảng 7.000 tỉ đồng. Sau đợt tăng vốn này, tỉ lệ sở hữu của VMG Media tại iMedia giảm xuống chỉ còn 6,12% vốn điều lệ.

Như vậy, chỉ trong thời gian 13 tháng (từ tháng 7/2020 đến 8/2021), sau 2 đợt tăng vốn của iMedia, 'tiếng nói' của VMG Media tại doanh nghiệp này đã suy giảm đáng kể, từ vai trò của cổ đông nắm chi phối nay chỉ là cổ đông lớn, sở hữu vỏn vẹn 6,12% cổ phần.

Điều đáng nói, trong khi doanh thu của iMedia liên tục tăng trưởng, thì chỉ tiêu này của VMG Media – như đã đề cập – lại liên tục suy giảm.

Nhấn mạnh rằng, các dịch vụ kinh doanh chính của iMedia có điểm tương đồng gần như tuyệt đối với các dịch vụ chính mà VMG Media cung cấp từ nhiều năm nay, kể như: SMS Brandname; Mã Thẻ, Top-up; Dữ Liệu; VAS.

Bởi vậy, xuất hiện ý kiến quan ngại, iMedia giống như một phiên bản 'VMG Media mới', sẵn sàng thay thế VMG Media phiên bản gốc đang đối mặt với nguy cơ phá sản sau khi thua kiện. Nếu kịch bản đó xảy ra, các cổ đông ở VMG Media, bao gồm cả cổ đông nhà nước VNPT, sẽ phải đối mặt với nguy cơ 'mất trắng' khoản đầu tư của mình.

Một câu hỏi có lẽ cũng cần được đặt ra: "Nhóm nào đang nắm chi phối tại iMedia (?!)".../.