Mới đây, hãng nghiên cứu thị trường ABI Research công bố, việc tham gia xây dựng và cung cấp dịch vụ cho các dự án thành phố thông minh có thể mang về cho các MSP trên toàn cầu một khoản doanh thu trị giá 7,6 tỷ USD vào năm 2023.
Còn theo Viện Công nghệ New Jersey, Mỹ, những tiến bộ công nghệ đang nhanh chóng mở đường cho nhiều thành phố thông minh ra đời. Sự phát triển của các dự án thành phố thông minh sẽ mang lại cho các MSP và các nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng một nguồn doanh thu khoảng 27,5 tỷ USD vào năm 2023 với sự ra đời của 88 thành phố thông minh vào năm 2025.
Để tiếp cận được khoản doanh thu hấp dẫn này, trên thực tế, trong quá trình triển khai các dự án thành phố thông minh, các MSP tăng cường ứng dụng những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Và thông qua những công nghệ đó, các MSP có thể đáp ứng mục tiêu xây dựng các thành phố được thông minh hơn và hiệu quả hơn trong việc sử dụng các nguồn lực, nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí và năng lượng, cải thiện cung cấp dịch vụ và chất lượng cuộc sống, giảm thiểu gây hại môi trường.
Và cũng để có được nguồn doanh thu này, các MSP đã phải tận dụng mọi nguồn lực để có sức mạnh tổng hợp. Chẳng hạn, để hoàn thiện các dự án thành phố thông minh, Verizon, một MSP hàng đầu ở Mỹ, đã phải mua lại startup mang tên Sensity System chuyên cung cấp giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đèn đường LED và công ty LQD, một nhà phát triển các màn hình tương tác ngoài trời vừa có khả năng cung cấp cấp kết nối WiFi, tin tức, cảnh báo khẩn cấp và các thông tin cộng đồng vừa có khả năng thu thập dữ liệu về đám đông, thời tiết, mức độ ô nhiễm môi trường và nhiều dữ liệu khác. Trong khi đó, để thắng thầu các dự án thành phố thông minh, AT&T, cũng là một MSP của Mỹ đã phải bổ sung danh sách đối tác hỗ trợ tại nhiều hạng mục để cuối cùng có thể cung cấp các giải pháp thành phố thông minh hoàn chỉnh nhất.
Tại Đức, việc ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật băng hẹp (NB-IoT), một công nghệ giúp giám sát và theo dõi từ xa tình trạng hoạt động của các hệ sinh thái trong thành phố thông minh được nhận định là điểm mạnh lớn nhất giúp nhà mạng Deutsche Telekom thắng thầu trong các dự án thành phố thông minh tại Đức và một số thị trường khác.
Tại Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng đã có nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu xây dựng thành phố thông minh và bước đầu đã có được những kết quả khả quan.
Thành phố thông minh: Mảng kinh doanh màu mỡ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ di động
Vị trí của VNPT trên thị trường thành phố thông minh
Hội tụ cả thế mạnh về mặt công nghệ lẫn tính linh hoạt cũng như mô hình hợp tác đa dạng, mô hình thành phố thông minh của VNPT đang được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn trở thành đối tác tin cậy trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh của mình.
Theo đó, với vai trò tiên phong nghiên cứu và ứng dụng triển khai thành công mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam, đến nay Tập đoàn VNPT đang hợp tác triển khai đô thị thông minh cho gần 30 tỉnh, thành phố. Hướng tiếp cận của VNPT là không có một mô hình chung cho tất cả các thành phố, mỗi một nơi có điều kiện môi trường, văn hóa khác nhau, nên để đưa ra các giải pháp thích hợp nhất cần dựa vào nội tại của chính thành phố đó.
Có 06 lĩnh vực trọng tâm được VNPT đề xuất để xây dựng đô thị thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua và nhận được đánh giá rất cao của chính quyền sở tại cũng như giới chuyên môn đó là chính quyền số; nông nghiệp; du lịch; môi trường và các lĩnh vực khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông.
Khi bắt tay xây dựng mô hình đô thị thông minh cho một thành phố bất kỳ, VNPT sẽ tiến hành khảo sát nền tảng hạ tầng, tư vấn khung kiến trúc công nghệ, thực hiện triển khai tích hợp các dịch vụ, từng bước xây dựng hệ sinh thái và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, khung giải pháp đô thị thông minh do VNPT xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở để tất cả các đối tác trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai.
Để sẵn sàng cho đô thị thông minh, VNPT sẽ tiến hành nâng cấp hạ tầng ICT của thành phố đó gồm thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung, triển khai chính quyền số song song với việc tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử, đồng thời lựa chọn các giải pháp ưu tiên trong từng lĩnh vực để triển khai theo lộ trình và thí điểm triển khai dữ liệu mở trên một số lĩnh vực. Các giai đoạn sau này, VNPT sẽ mở rộng các giải pháp đã triển khai trong giai đoạn trước và nâng cao năng lực xử lý, phân tích dữ liệu theo hướng thông minh hơn và mở ra các lĩnh vực khác của đời sống.
Theo XHTT