Mọi thứ từ hệ thống đèn LED thông minh giúp tiết kiệm năng lượng, đến việc mở rộng truy cập Internet và sử dụng năng lượng tái tạo qua các dòng xe ô tô điện đang nổi lên trên toàn cầu, được hỗ trợ qua công nghệ Internet of Things (IoT), cảm biến và phân tích dữ liệu lớn.
Theo hãng nghiên cứu Gartner, các thành phố thông minh sẽ có 9,7 tỷ thiết bị IoT vào năm 2020 và có nhiều công ty khai thác các cơ hội kinh doanh mới về phát triển thành phố thông minh, an ninh gia đình và chăm sóc sức khỏe.
Và khi mảng kinh doanh này nở rộ, các công ty và nhà phát triển thành phố đã bắt đầu rót đầu tư vào khái niệm nhà thông minh.
Một số phát triển quan trọng của thành phố thông minh đã diễn ra trong năm 2016. Đáng chú ý, nhiều thành phố bắt đầu cung cấp ưu đãi và kế hoạch phát triển thành phố thông minh.
Các công ty như Oracle đã cung cấp nền tảng thành phố thông minh cho các nhà hoạch định chính sách đô thị đang tìm cách ứng dụng IoT, di động, chiếu sáng thông minh và năm 2016, Oracle đã có mối hợp tác với Ấn Độ để thử nghiệm các dịch vụ chính phủ-đến-công dân (G2C) và chính phủ-đến-doanh nghiệp (G2B) ở Mumbai.
Ngoài ra, chính phủ Australia cũng thành lập tổ chức phi lợi nhuận Hypercat Australia năm 2016 để quảng báo việc sử dụng cảm biến và tăng những tiêu chuẩn giao tiếp tại các thành phố thông minh.
Tháng 11, hãng Hewlett-Packard Enterprise (HPE) trở thành công ty mới nhất trong năm 2016 công bố nền tảng mạng lưới ảo giúp kết nối các ứng dụng di động và IoT dùng trong thành phố thông minh.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm là một chủ đề nóng trong phát triển thành phố thông minh. Các sản phẩm đo năng lượng và IoT như thiết bị điều nhiệt thông minh Nest đã giải quyết điều này ở cấp độ gia đình, trong khi GE Power sẽ tăng cường dữ liệu IoT để ghi lại các giao dịch năng lượng và tăng mức độ hiệu quả ở cấp độ thành phố.
Năm nay, nhà mạng Verizon cũng mua lại hãng startup IoT Sensity, một công ty chuyên lắp đặt hệ thống chiếu sáng kết nối cho các thành phố thông minh.
Giao thông của thành phố thông minh là một điều đáng phải nói đến trong năm 2016, xe hơi tự động và xe điện được thử nghiệm ở nhiều nơi. Khi nói đến giao thông, không thể không nhắc đến Uber. Công ty cung cấp ứng dụng cho phép mọi người đặt chuyến, tuy vậy Uber đang vướng phải các vấn đề pháp lý tại nhiều thành phố. Gần đây, Uber đã đầu tư vào đội xe tự lái của họ.
Mỗi một thành phố lại có những nhu cầu riêng, dựa trên khu vực và quốc gia. Kết nối là một yếu tố lớn của đời sống trong thành phố thông minh. Tuy vậy, trong năm 2016 này, việc mở rộng băng rộng tốc độ cao và các dịch vụ nhằm cung cấp internet đến nhiều công dân thành phố đã đối mặt với thách thức. Chẳng hạn Google phải ngừng phát triển mạng Google Fiber tốc độ cao do CEO Craig Barratt từ chức và các kiosk Wi-Fi miễn phí của New Yorrk cũng bị hạn chế sau khi nhiều cư dân thành phố than phiền.
Đặc biệt, công nghệ thông minh đang khiến nhiều người lo ngại về an ninh, bảo mật. Và đây cũng chính là điều mà các chuyên gia và công ty, người tiêu dùng lo ngại nhất về thành phố thông minh và IoT.
Theo ICTNews (nguồn: ZDnet)