Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước cũng như xây dựng Chính phủ điện tử đang được quan tâm trong những năm vừa qua".
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc tọa đàm.
|
"Tọa đàm ngày hôm nay, tôi mong muốn có thể cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin về mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển chính phủ điện tử, từ Bộ, các cơ quan ngang Bộ đến các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương" - Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng nói thêm. "Từ đánh giá đó có thể đưa ra các đề xuất, kinh nghiệm, giải pháp để quá trình triển khai Chính phủ điện tử tốt hơn trong thời gian tới”.
Số liệu sử dụng trong báo cáo được tổng hợp từ báo cáo tình hình ứng dụng CNTT quý IV năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua công tác kiểm tra trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan.
Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc.
|
Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trong hai năm liền về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đứng thứ 2 là Bộ Công thương, vươn lên 15 bậc so với năm 2017. Đứng thứ 3 trong danh sách là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan thuộc Chính phủ, đứng đầu là BHXH Việt Nam, vị trí thứ 2 và 3 được hoán đổi giữa Thông tấn Xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018. Đứng chót bảng là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ quan lần đầu tham gia đánh giá, xếp hạng.
Trong khi đó, xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đạt kết quả khả quan. Năm 2018, vị trí đầu bảng thuộc về Đà Nẵng, đứng thứ 2 là của Thừa Thiên – Huế, ngược với xếp hạng năm 2017.
Đặc biệt, bảng xếp hạng khối địa phương năm nay ghi nhận sự cố gắng vượt bậc của Ninh Bình ở vị trí 16, vượt 34 bậc so với năm 2017. Ngoài ra còn một số tỉnh có chuyển biến vượt bậc như Hậu Giang (vượt 32 bậc, đứng thứ 27), Nam Định (vượt 30 bậc, đứng thứ 22), Quảng Nam (vượt 27 bậc, xếp thứ 31),…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách & Phát triển truyền thông (IPS), Nguyễn Quang Đồng.
|
Xét về phương pháp tiếp cận riêng, Viện IPS cho rằng 2 chức năng chính của Chính phủ điện tử là vừa cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, vừa thực hiện chức năng tương tác.
“Hai yêu cầu chính đối với Chính phủ điện tử là dịch vụ công trực tuyến phải đạt hiệu quả, và chất lượng; giúp giảm chi phí, giảm thời gian giao dịch. Một hệ quả quan trọng là giảm cơ hội tham nhũng, vòi vĩnh (của cán bộ thực hiện giao dịch hành chính); nâng cao tính minh bạch. Đồng thời, việc cung cấp thông tin cho người dân đạt hiệu quả; tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS nhấn mạnh.
Từ đó, đại diện Viện IPS đề xuất, mục đích chính trong việc triển khai Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cần tập trung vào mục đích: phục vụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho giao dịch hành chính và tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo Phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) - Đánh giá kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng CPĐT của các Bộ, ngành và địa phương năm 2018, chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trình bày đánh giá hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến từ trải nghiệm của người dân – Kinh nghiệm Thế giới và thực hành của UNDP tại Việt Nam qua báo cáo PAPI 2018.
Chuyên viên Phân tích Chính sách Quốc gia về Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam, bà Đỗ Thanh Huyền.
|
Cùng với đó là các trình bày về Xây dựng hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, các bài học kinh nghiệm và giải pháp cải thiện Chỉ số phát triển CPĐT cho các Bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo thường niên này hướng đến xây dựng góc nhìn toàn diện về CPĐT tại Việt Nam; từ đó, xây dựng một chỉ số có ý nghĩa về mặt so sánh giữa các tỉnh, các Bộ, ngành, các cơ quan Chính phủ trong việc ứng dụng CPĐT.
Năm nay, việc thực hiện báo cáo cũng đã được AITA và Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông thuộc VCDA đẩy sớm lên nhằm giúp cho các cơ quan, tổ chức nhà nước sớm có được những số liệu thống kê hữu ích, phục vụ cho việc hoạch định kế hoạch triển khai thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử cho Bộ, ngành, địa phương mình trong năm tới.
Báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 được xây dựng trên kết quả tổng hợp, kiểm tra, đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông từ báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các Bộ, ngành và địa phương. Công tác đánh giá được thực hiện theo 6 hạng mục là: (1) Hạ tầng kỹ thuật CNTT; (2) Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; (3) Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); (4) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (5) Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT và (6) Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan. |