Thanh Hóa: Đưa phần diện tích mà DN đề nghị vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

VietTimes – Doanh nghiệp ở đây là Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc – Công ty TNHH (Tcty Đông Bắc), một đơn vị lớn và có vai vế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thuộc sở hữu của gia đình bà Mai Thị Thắm.
Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc là một doanh nghiệp lớn tại Thanh Hóa, thuộc sở hữu của gia đình bà Mai Thị Thắm. (Ảnh chụp màn hình website dongbacgroup.vn)
Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc là một doanh nghiệp lớn tại Thanh Hóa, thuộc sở hữu của gia đình bà Mai Thị Thắm. (Ảnh chụp màn hình website dongbacgroup.vn)

Khu đất 40 Lê Hoàn và đề xuất dự án BT Trường THPT Nguyễn Trãi

Theo đó, ngày 18/6/2018, Tcty Đông Bắc đã có Công văn số 104/ĐBDA ngày 18/6/2018 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chấp thuận chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn.

Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4659/STNMT-TNKS ngày 30/7/2018 (kèm biên bản kiểm tra thực địa ngày 12/7/2018), ngày 07/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến.

Tại văn bản được ký thay bởi Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ý kiến: “Không xem xét đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp tại xã Triều Lộc, huyện Hậu Lộc của Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc – Công ty TNHH. Lý do: Đơn vị đã xin dừng xem xét cấp phép vị trí trên tại buổi kiểm tra thực địa ngày 12/7/2018”.

Tuy nhiên, đối với phần diện tích đề xuất tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn thì Chủ tịch Thanh Hóa lại ý kiến khác. Cụ thể: “Đồng ý với đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, chấp thuận chủ trương đưa phần diện tích 5,0 ha mà Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc – Công ty TNHH đề nghị chấp thuận chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác san lấp tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật khu vực trên vào danh sách các khu mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và chủ trù, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, thông báo công khai trên Báo Đấu thầu, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tại trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với khu vực trên; ranh giới, tọa độ khu vực thăm dò, khai thác theo trích lực bản đồ do Tcty Đông Bắc lập, được các sở, ngành kiểm tra, thống nhất; thời gian thông báo 30 ngày.

“Kết thúc thời gian thông báo, tổng hợp, lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định để cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với khu mỏ trên; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định”, văn bản nêu rõ.

Đổi đất trung tâm, xây trường ở xã để “đáp ứng điều kiện trường đạt chuẩn Quốc gia”

Một câu hỏi có lẽ nên đặt ra, đó là tới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa sẽ cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với khu mỏ trên cho đơn vị nào (?) Liệu có phải là Tcty Đông Bắc (?)…

Được biết, Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc được thành lập và hoạt động theo chứng nhận kinh doanh số 2602000131 do Sở Kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa cấp ngày 10/06/2001 với vốn điều lệ 60 tỷ đồng.

Tổng công ty này hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực: Vận tải xe buýt, xe Taxi tải, Phân phối thương mại, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng và điều hành các chợ, Cho thuê kho bãi, Xây dựng cơ sở hạ tầng....

Theo đăng ký kinh doanh, ngày 14/10/2016, Tcty Đông Bắc đã chính thức tăng vốn điều lệ từ mức 60 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng, thuộc sở hữu của vợ chồng ông/bà Nguyễn Bá Bắc và Mai Thị Thắm (ngụ đường Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa). Trong, đó ông Bắc (Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật) đóng góp 100,274 tỷ đồng – chiếm 62,671%; Còn bà Thắm đóng góp 59,726 tỷ đồng – chiếm 37,329%.

Doanh nghiệp của nhà bà Mai Thi Thắm được đánh giá là một trong những doanh nghiệp lớn và có vai vế tại Thanh Hóa, đã trúng thầu và được lựa chọn làm nhà đầu tư tại nhiều dự án quy mô trên địa bàn tỉnh.

Theo Điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP, việc khoanh định khu vực có khoáng sản là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật khoáng sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Khu vực khoáng sản bảo đảm an ninh năng lượng gồm: than, urani, thori.

2. Khu vực đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng hoặc khoáng sản là phụ gia điều chỉnh làm xi măng đã xác định là nguồn nguyên liệu cho các dự án nhà máy xi măng; khu vực có khoáng sản đã xác định là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án nhà máy chế biến sâu khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương.

3. Khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

4. Khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 65 Luật khoáng sản.

5. Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được xác định khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật.

6. Khu vực hoạt động khoáng sản mà việc thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực đó bị hạn chế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật khoáng sản.

7. Khu vực hoạt động khoáng sản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày 01 tháng 7 năm 2011.

8. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định./.