Ngày 16.09.2018, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở tại London và được phương Tây ủng hộ, các tay súng nổi dậy của nhóm Lữ đoàn Tử vì đạo al-Qaryatayn cùng những người dân sẽ được di chuyển đến khu vực do lực lượng Hồi giáo nổi dậy thuộc lực lượng Lá chắn Euphrates ở vùng nông thôn phía bắc Aleppo.
Theo SORH, thỏa thuận hòa giải đạt được nhờ có sự môi giới của cựu chỉ huy chiến trường thuộc tổ chức Quân đội Syria Tự do (FSA) trong khu vực đông Qalamun. Quân cảnh Nga sẽ giám sát việc thực hiện thỏa thuận này, quá trình di tản dự kiến bắt đầu trong vài ngày tới.
Nhóm Hồi giáo cực đoan nổi dậy Lữ đoàn Tử vì đạo al-Qaryatayn được các cố vấn lực lượng đặc nhiệm Mỹ trực tiếp huấn luyên, từng phối hợp với các nhóm cực đoan khác tiến hành nhiều cuộc tấn công lớn nhằm vào nhằm vào chiến tuyến của quân đội Syria trên sa mạc Damascus năm 2017. Nhưng nhóm này không giành được bất cứ thắng lợi nào. Năm 2018, Mỹ quyết định cắt viện trợ cho nhóm này trong trại tị nạn al-Rukban.
Trong năm 2018, nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan âm thầm rời khỏi khu vực an toàn do Mỹ đặt ra 55 km quanh thị trấn al-Tanf. Những tay súng này tìm đến sự giúp đỡ của tình báo Syria. Nhờ đó, các nhân viên cơ quan hòa giải dân tộc chính quyền Syria đã tiếp cận được nhóm Hồi giáo nổi dậy nọ với sự đảm bảo của Trung tâm hòa giải các bên xung đột Syria của Nga.
Khu vực căn cứ địa của đặc nhiệm Mỹ Al-Tanf gần biên giới với Iraq. Ảnh minh họa South Front
|
Thêm một nhóm “nổi dậy” của FSA và hàng ngàn thường dân chấp nhận thỏa thuận di tản và hòa giải dân tộc với chính quyền Syria. Sự hòa giải và di tản này gây áp lực nặng nề lên lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở al-Tanf, cho thấy sự vô nghĩa của một căn cứ tiền tiêu do Mỹ dựng lên. Trong tình huống trại tị nạn al-Rukban được giải tán, căn cứ Mỹ tại đây không có ai để huấn luyện và cũng không có ý nghĩa trong cuộc chiến chống IS, sự tồn tại này sẽ là một vụ chi tiêu vô nghĩa của Nhà Trắng.
Từ sự kiện này có thể hiểu được chính sách của điện Kremlin với Idlib và các phần còn lại do Quân đội Syria tự do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trên địa bàn này, quân đội Syria sẽ không tấn công chừng nào các nhóm khủng bố Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS, Al-Qaeda), Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) không tấn công theo thỏa thuận Astan. Điều này có nghĩa là FSA và Thổ Nhĩ Kỳ phải giải quyết các nhóm HTS và TIP, nếu không thì không quân Nga sẽ ném bom và quân đội Syria sẽ tấn công. Đồng thời Kremlin hy vọng, các nhóm FSA còn lại sẽ có được thỏa thuận với Damascus trong trường hợp muốn tìm kiếm hòa bình và sự ổn định. FSA và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải giải quyết thêm vấn đề người Kurd được Mỹ hậu thuẫn. Đây là một chiến lược phức tạp của V.Putin, nhưng có thể tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ và đạt được mục tiêu mong muốn, tiêu diệt toàn bộ lực lượng khủng bố. Lần này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện dù chính Ankara đã từng nuôi dưỡng HTS và TIP.