Ngày 15/12/2015 tới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã EIB) sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường để bầu thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát (BKS) cho nhiệm kỳ mới 2015 - 2020. Danh sách các ứng viên vào vị trí HĐQT đã hé lộ. Dù vậy, phán quyết cuối cùng vẫn phải chờ đến ngày đại hội đồng cổ đông của EIB bầu và thông qua danh sách.
Nhiệm kỳ đầy biến động của EIB giai đoạn 2010 - 2015
Chưa tính đến những biến động trong ban điều hành của EIB, chỉ riêng thành viên HĐQT của EIB hầu như năm nào cũng có thay đổi cho giai đoạn 2010.
Trong vòng 5 năm, đã có đến 14 ông/bà tham gia vào HĐQT của EIB. Đến năm 2015, HĐQT có 9 thành viên thì chỉ có 4/9 thành viên theo suốt với EIB từ đầu nhiệm kỳ năm 2010 đến cuối nhiệm kỳ năm 2015. Từ năm 2011 - 2014, kỳ đại hội đồng cổ đông mỗi năm các cổ đông đều phải bầu bổ sung thành viên và miễn nhiệm hoặc chấp thuận từ nhiệm của thành viên hội đồng quản trị cũ.
Từ năm 2012 nhân sự của EIB có sự biến động mạnh khi Phó chủ tịch thường trực thời điểm đó là ông Phạm Hữu Phú từ nhiệm thành viên HĐQT để nhận nhiệm vụ mới tại Ngân hàng Sacombank, nơi mà EIB và các cộng sự của mình được xem là “thuyền trưởng” mới của Sacombank.
Tiếp theo đó, ông Phạm Trung Cang cũng là phó chủ tịch phải từ nhiệm trong tình huống bất khả kháng. Đến năm 2013 ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của EIB được điều động về Ủy ban Giám sát Tài chính.
Dù từ năm 2012 thị trường tài chính bắt đầu bộc lộ những yếu kém, sự kiện ACB có thể giải thích một phần kết quả kinh doanh của EIB bị giảm sút nhưng rõ ràng nhân sự cấp cao thiếu ổn định, vấn đề “người thừa hành” đã tác động không nhỏ đến kết quả hoạt động của EIB mà cuối cùng là ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.
Bởi tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 7/2010 lãnh đạo EIB khẳng định “cho vay trong lĩnh vực địa ốc của ngân hàng hiện rất thấp, không có gì lo ngại”.
Đồng thời, trong nhiều năm nợ xấu của EIB luôn dưới mức 3%.
Đến năm 2015, khi mà những khó khăn của EIB đã hiện rõ, cổ đông không nhận cổ tức, ban lãnh đạo EIB cho biết: Lợi nhuận của EIB sụt giảm mạnh do phải trích lập dự phòng rủi ro rất cao mà nguyên nhân sâu xa là các năm trước EIB đã giao thẩm quyền cho các Giám đốc Chi nhánh cao dẫn đến hậu quả nợ xấu cao.
Lợi nhuận trước thuế của EIB năm 2015 chưa bằng 4,5% của năm 2009
Bất thường từ cảnh báo của Ban kiểm soát
Ban kiểm soát của EIB nhiệm kỳ 2010 -2015 bắt đầu với 2 thành viên là ông Nguyễn Hồng Long và ông Đặng Hữu Tiến. Năm 2011, Đại hội bầu bổ sung thêm 1 thành viên là bà Nguyễn Thị Phụng. Đến năm 2014, bổ sung thêm ông Trần Lê Quyết. Hiện ban Kiểm soát của EIB có 4 thành viên.
Báo cáo của ban Kiểm soát trình bày tại kỳ Đại hội đồng cổ đông năm 2015 cho thấy trong 5 năm ban Kiểm soát đã đưa ra 851 khuyến nghị, hơn 50% các khuyến nghị tập trung ở nghiệp vụ tín dụng, công tác xử lý nợ.
Ban Kiểm toán nội bộ đã đưa ra 28.329 khuyến nghị cần khắc phục/chỉnh sửa. Các khuyến nghị tập trung phần lớn ở năm 2010 và năm 2014 chủ yếu về hành chính nhân sự, đầu tư tài chính, phát triển mạng lưới, xây dựng cơ bản, Trung tâm xử lý nợ và công ty AMC.
Năm 2014 các khuyến nghị của ban kiểm toán nội bộ tập trung và nghiệp vụ tín dụng, xử lý nợ tăng cao.
Dựa vào số lượng khuyến nghị và cảnh báo đưa ra cho thấy ban kiểm soát và ban kiểm toán nội bộ EIB đã hoạt động với cường độ rất cao. Tuy nhiên, ở thái cực khác cho thấy những bất thường về tính hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng kiểm soát. Khi mà ban điều hành EIB cho biết lợi nhuận của EIB giảm một phần do “trao quyền cao” cho các giám đốc chi nhánh.
Ai sẽ ngồi ghế nóng của Ngân hàng có tổng tài sản lên đến 5,64 tỷ USD, lớn thứ 10 của Việt Nam? Liệu "ekip" mới có thể vực dậy một EIB “luôn dẫn đầu xu thế” và đảm bảo lợi tức của cổ đông luôn ở mức cao? Người viết cho rằng, nhân sự cấp cao là mấu chốt để có “một EIB vững chắc” và vượt qua những khó khăn hiện tại.
Theo Bizlive