Thuật ngữ "Thái Lan 4.0" xuất hiện khoảng một năm trở lại đây và từ đó được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau mà ít được giải thích cho thỏa đáng.
Thái Lan 4. 0 là một kế hoạch kinh tế, trước hết phải được hiểu trong bối cảnh phát triển nền kinh tế nói chung của Thái Lan. Quan chức Chính phủ ưa nói về kế hoạch này như nấc thang phát triển kinh tế, bắt đầu từ 1.0, 2.0 rồi 3.0 và hiện tại là kế hoạch 4.0 - một thuật ngữ hòa nhập chặt chẽ với thuật ngữ “cách mạng công nghệ 4.0” được đặc trưng bởi sự kết hợp các công nghệ phổ biến và internet vạn vật, tự động hóa sản xuất thông minh.
Mô hình do chính phủ đề ra có sự liên tục về bối cảnh: Thái Lan 1.0 tập trung phát triển cơ sở nông nghiệp. Thái Lan 2.0 chuyển sang tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ và phát triển cơ cấu kinh tế để hỗ trợ các sản phẩm thực phẩm, hàng dệt và hàng thủ công. Thái Lan 3.0 đã chuyển hướng sang ngành công nghiệp nặng, trong đó có việc sản xuất thiết bị và máy móc như sản xuất ô tô - một lĩnh vực mà nước này đã làm khá nhiều và khá thành thạo.
Với ba giai đoạn phát triển, đã hình thành nền móng của toàn bộ nền kinh tế: Thái Lan 4.0 giờ đây có vẻ chuyển nhiều hơn sang nền kinh tế tri thức. Chính phủ cho biết họ muốn tập trung vào đổi mới, kiến thức, công nghệ và sự sáng tạo.
Mục tiêu của Kế hoạch là tận dụng các lĩnh vực nói trên để cải thiện cuộc sống tổng thể ở Thái Lan bằng một số phương thức. Trong số đó, có biện pháp nỗ lực tăng thu nhập trung bình quốc gia lên gấp ba lần với mức 15.000 đô la Mỹ vào năm 2032. Ngoài ra, cũng cố gắng giảm khoảng cách bất bình đẳng xã hội và nâng cao giá trị con người - bao gồm nỗ lực đưa ít nhất 5 trường đại học Thái Lan vào top 100 thế giới trong vòng 20 năm. Cuối cùng là mong muốn nâng cao các vấn đề môi trường để giúp Thái Lan phát triển bền vững hơn và sẵn sàng đối mặt với biến đổi khí hậu.
Thái Lan 4.0 là một kế hoạch đa diện đặt vào bộ khung xem ra có vẻ chắc chắn - tất cả các thành phần phải được kiểm tra cẩn thận. Chương trình chính thức vạch ra năm nội dung như sau:
Nội dung đầu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục và thiết lập các chương trình phát triển kỹ năng giúp công nhân chuyển sang nền kinh tế tri thức.
Nội dung thứ hai là phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển.
Nội dung thứ ba là tập trung phát triển một hệ sinh thái sôi động để các doanh nghiệp thu hút thêm đầu tư vào đất nước.
Nội dung thứ 4 nhằm mục đích thúc đẩy sự đổi mới từ cơ sở ở cấp khu vực bằng cách thiết lập "các trung tâm đổi mới" ở tất cả 76 tỉnh.
Và nội dung thứ năm của kế hoạch Thái Lan 4.0 là thúc đẩy sự đổi mới của Thái Lan thông qua khu vực ASEAN cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Đó là một kế hoạch táo bạo với rất nhiều thành phần cơ động và các yếu tố từ bên ngoài, tất cả cần được phối hợp tốt nếu muốn thành công. Nhưng bất cứ khi nào chính phủ có chương trình thúc đẩy nền kinh tế thì sẽ có nhiều cơ hội cho mọi thành phần.
Tôi liên lạc với Gareth Davis, Giám đốc điều hành của Fluxus Thailand, để nói về ảnh hưởng của Thái Lan 4.0 đối với các công ty công nghệ của Thái Lan và những thách thức mà vương quốc sẽ phải đối mặt với bản kế hoạch này.
"Thái Lan có một nền kinh tế nhỏ nhưng là nền kinh tế mở. Để thành công trong thế kỷ 21, điều đầu tiên là cần phải suy nghĩ về xây dựng sức mạnh nội tại. Điều đó có nghĩa là thúc đẩy sự đổi mới, tinh thần kinh doanh và một xã hội tổng hòa gồm cả những người giàu, người nghèo, và những người ở trung tâm đô thị và ở nông thôn " - Davis cho biết thêm -" từ vị trí này, đất nước sẽ có cơ hội kết nối với thế giới bên ngoài và cạnh tranh trên sân khấu quốc tế ".
Mặc dù sáng kiến Thái Lan 4.0 chắc chắn sẽ mở ra cơ hội tại thị trường nội địa - cú hích tiến tới nền kinh tế số - vẫn có một số rào cản tiềm ẩn có thể làm cho toàn bộ kế hoạch bị chệch hướng. Đặc biệt nổi bật là các tài năng địa phương.
Cho dù vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài chống lưng cho các công ty địa phương và sự đổi mới của các công ty địa phương dường như được coi là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch, hiện tại vẫn có một khoảng cách khá lớn về kỹ năng của đội ngũ nhân lực trên thị trường, không chỉ so với khu vực mà trên phạm vi toàn cầu. Nói một cách công bằng, nội dung đầu tiên trong chương trình chính là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo kỹ năng để giúp tăng cường lực lượng lao động, nhưng đó không phải là một công việc không hề đơn giản phải mất thời gian để phát triển và mở rộng quy mô.
Mặc dù chắc chắn có thể nhập khẩu lao động có kỹ năng cần thiết để lấp đầy khoảng trống trên thị trường, trong khi lực lượng lao động được đào tạo lại, dường như không có bất kỳ điều khoản nào trong kế hoạch Thái Lan 4.0 đề cập đến hướng giải quyết vấn đề này.
Xét cho cùng, Thái Lan 4.0 là kế hoạch đầy tham vọng và có tầm vóc to lớn. Mục tiêu của kế hoạch là khắc phục những bất cập của nền kinh tế Thái Lan và xây dựng đất nước sánh ngang với các quốc gia thịnh vượng và tiến bộ về kinh tế. Bỏ qua các lời chỉ trích sang một bên, bởi không có kế hoạch hoàn hảo, việc thực hiện yếu kém có thể làm mất đi những ưu điểm của bản kế hoạch. Công tác triển khai chính là điều sẽ quyết định những thành công của Thái Lan 4.0 trong tương lai: Nếu những con người phù hợp được giao trách nhiệm đồng thời trao cả những nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa bản kế hoạch thì cơ hội thành công của nó sẽ tốt như bất kỳ kế hoạch khác. Trường hợp ngược lại thì không mất nhiều trí tưởng tượng để dự báo kết quả.
Hy vọng là sẽ xảy ra trường hợp đầu chứ không phải là khả năng thứ hai.