Tham vọng Greenland của ông Trump: “Ngọn lửa” thổi bùng căng thẳng ở Bắc Cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, sân bay quốc tế Nuuk của Greenland nhộn nhịp hơn thường lệ. Hàng loạt nhà báo đổ về hòn đảo băng giá này để tìm hiểu lý do vì sao nó lại trở thành tâm điểm chú ý trên trường quốc tế.

Greenland trở thành tâm điểm chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ý tưởng giành hòn đảo này. Ảnh: ET.
Greenland trở thành tâm điểm chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ý tưởng giành hòn đảo này. Ảnh: ET.

Mọi chuyện bắt nguồn từ một tuyên bố gây chấn động của Tổng thống Mỹ Donald Trump: ông muốn kiểm soát Greenland. Về mặt địa lý, Greenland thuộc Bắc Mỹ, nhưng trên phương diện pháp lý, hòn đảo này lại là một phần của Vương quốc Đan Mạch – thành viên NATO, Liên minh châu Âu và cũng là đồng minh của Mỹ.

Điều gì khiến Greenland trở thành mục của ông Trump? Và quan trọng hơn, người dân nơi đây nghĩ gì về viễn cảnh trở thành một phần của nước Mỹ?

Người Greenland nói gì?

"Chúng tôi luôn được dạy rằng Đan Mạch là ân nhân của Greenland", Qupanuk Olsen chia sẻ với phóng viên của kênh CNN.

Olsen là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất Greenland, với hơn 1 triệu người theo dõi trên YouTube, TikTok và Instagram. Cô chuyên chia sẻ về văn hóa Inuit – nền văn hóa bản địa chiếm gần 90% dân số Greenland.

Chỉ vài bước chân từ bờ biển, Olsen chỉ lên một ngọn đồi và nói với phóng viên: "Tôi thực sự muốn bức tượng kia biến mất".

Đó là tượng Hans Egede, nhà truyền giáo Đan Mạch-Na Uy thế kỷ 18, người đã mang đạo Cơ Đốc đến Greenland.

"Tại sao ông ta lại đứng ở đó? Tại sao không phải là một người Greenland?", Olsen đặt câu hỏi. "Chúng tôi nên tự hào về bản sắc của mình, thay vì vinh danh một người ngoại lai đã đến đây, thay đổi văn hóa và thực dân hóa chúng tôi".

2.png
Qupanuk Olsen (phải) mong muốn Greenland độc lập. Ảnh: CNN

Greenland đã nằm dưới quyền kiểm soát của Đan Mạch từ thời Egede. Đến năm 1979, hòn đảo này được trao quyền tự trị, và sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2008, Greenland tiếp tục giành thêm nhiều quyền tự quản, bao gồm cả quyền tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập.

Dù Greenland đã có nhiều quyền tự chủ hơn, nhưng với Olsen, bức tượng Egede vẫn là một lời nhắc nhở về quá khứ thuộc địa dưới sự cai trị của Đan Mạch – một thực tế mà cô luôn nhắc đến ở thì hiện tại, như thể nó vẫn còn tiếp diễn.

“Tôi từng ngưỡng mộ người Đan Mạch và nghĩ rằng họ vượt trội hơn mình. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra điều đó không phải là sự thật”, cô chia sẻ.

Đan Mạch và cuộc đua Bắc Cực

Những tuần gần đây, Đan Mạch đã công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng tại Bắc Cực. Đồng thời, Quốc vương Đan Mạch cũng tiết lộ huy hiệu hoàng gia mới, trong đó biểu tượng của Greenland và Quần đảo Faroe – hai vùng lãnh thổ tự trị – được đặt ở vị trí nổi bật hơn trước.

Liệu đó có phải dấu hiệu cho thấy Đan Mạch đang củng cố sự hiện diện ở Bắc Cực trước tham vọng của Mỹ?

3.png
Trong quốc huy của hoàng gia Đan Mạch được cập nhật ở bên phải, cả gấu bắc cực đại diện cho Greenland và cừu đực đại diện cho Quần đảo Faroe đều được in riêng trong một khu vực, thay vì ở cùng nhau trong phiên bản cũ hơn. Ảnh: CNN

Greenland đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử. Nhưng dù con đường phía trước có ra sao, những người Inuit bản địa như Olsen sẽ không dễ dàng để người ngoài quyết định số phận của mình một lần nữa.

Olsen hiểu rằng một Greenland độc lập sẽ phải ký kết các thỏa thuận an ninh mới với các quốc gia khác để bảo vệ 27.000 dặm bờ biển của mình, đồng thời thiết lập các hiệp định thương mại và hỗ trợ tài chính. Nhưng theo cô, đó không phải là lý do để rời khỏi sự kiểm soát của Đan Mạch và bước vào vòng ảnh hưởng của Mỹ.

"Tại sao tôi phải làm thế? Tôi tự hào về bản sắc Inuit của chúng tôi", Olsen nói. "Tại sao chúng tôi lại để mình bị một thế lực thực dân khác chi phối?".

Greenland không muốn gia nhập Mỹ

Mỹ từ lâu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Greenland.

Biến đổi khí hậu và hiện tượng băng tan đang mở ra những tuyến hàng hải chiến lược nối Mỹ với châu Âu. Greenland sở hữu trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản đất hiếm – những nguyên liệu thiết yếu cho công nghệ hiện đại, trong đó nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc đang thống trị.

Đồng thời, một căn cứ quân sự của Mỹ tại Vòng Bắc Cực, nằm sâu trong khu vực tây bắc hoang vu của đảo, được Lực lượng Không gian Mỹ xem là yếu tố quan trọng giúp duy trì "ưu thế không gian".

Tom Dans, một người đàn ông cao lớn đến từ bang Texas và là người ủng hộ ông Trump, tin rằng bước đi hợp lý nhất là Greenland tiến gần hơn tới Washington.

Khi được hỏi liệu hòn đảo này có thể trở thành "tiểu bang thứ 51 của Mỹ" hay không, Dans trả lời: "Tôi không nghĩ vậy. Đây là Greenland. Nếu chúng ta đang ở Canada, có lẽ sẽ khác".

4.png
Jørgen Boassen, phải, được biết đến là người hâm mộ Tổng thống Trump lớn nhất ở Greenland. Ảnh: CNN

Ông Dans hiện không giữ vai trò nào trong chính quyền Trump nhưng từng được bổ nhiệm vào Ủy ban Nghiên cứu Bắc Cực của Mỹ – một cơ quan cố vấn độc lập liên bang – trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Hiện tại, ông đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận mang tên "American Daybreak", với mục tiêu "thúc đẩy quan hệ Mỹ-Greenland".

Chỉ tay về phía một tàu hải quân hoàng gia Đan Mạch neo đậu trong cảng, Dans nhận định rằng lực lượng này có mặt để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Greenland, nhưng thực tế, hải quân Đan Mạch quá nhỏ bé, và Mỹ mới là lực lượng chính đảm bảo an ninh cho hòn đảo.

"Người Greenland không muốn làm tiểu bang thứ 51", ông nói.

Đây cũng chính là quan điểm mà Dans từng chia sẻ trên chương trình của Steve Bannon, cựu cố vấn của ông Trump.

"Điều quan trọng lúc này là người Mỹ và thế giới cần nhận ra mối liên kết mật thiết giữa đất nước chúng ta với Greenland từ lâu nay, cũng như tầm quan trọng của hòn đảo này", ông nói thêm.

Một người khác, ông Jørgen Boassen – công dân Greenland nổi danh trong cộng đồng ủng hộ ông Trump khi được xem là "người ủng hộ Trump lớn nhất ở Greenland" cho hay ông cũng nằm trong nhóm đón tiếp Donald Trump Jr., con trai của Tổng thống Mỹ, khi ông đến thăm Nuuk vào tháng trước.

Thế nhưng, ngay cả ông Boassen cũng không muốn Greenland trở thành một phần của Mỹ.

"Tôi không muốn Greenland trở thành tiểu bang thứ 51", ông nói. "Nhưng tôi muốn Mỹ trở thành đồng minh thân cận nhất của chúng tôi – trong mọi lĩnh vực, từ quốc phòng, khai khoáng, thăm dò dầu khí, đến thương mại".

10.png
Những ngôi nhà đầy màu sắc trên đảo Greenland. Ảnh: Greenland.

Nền độc lập còn xa vời

Không phải tất cả người Greenland đều ủng hộ độc lập khỏi khỏi Đan Mạch.

"Có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ sẵn sàng, nhưng không phải hôm nay, cũng không phải ngày mai", Aqqalu C. Jerimiassen, lãnh đạo đảng Atassut, đảng ủng hộ Greenland tiếp tục là một phần của Vương quốc Đan Mạch, cho biết.

Ông thừa nhận rằng người bản địa Greenland đã phải chịu nhiều bất công trong quá khứ, và Đan Mạch có trách nhiệm với điều đó.

"Mọi thế lực thực dân đều từng phạm sai lầm", ông nói. "Nhưng chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ".

Đảng Atassut có đường lối bảo thủ ôn hòa, ủng hộ hệ thống y tế miễn phí, giáo dục miễn phí và các chính sách phúc lợi xã hội khác – những điều đã trở thành nền tảng ở hầu hết các quốc gia châu Âu và được Đan Mạch bảo trợ cho Greenland.

Ông Jerimiassen cũng thừa nhận rằng có một số người "rất muốn trở thành công dân Mỹ, theo đuổi giấc mơ Mỹ", nhưng đa phần người dân đảo này không muốn đánh đổi quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu để đổi lấy việc gia nhập Mỹ.

Greenland sẽ tổ chức cuộc bầu cử vào tháng tới, kết quả có thể phản ánh rõ hơn thái độ của người dân đối với tương lai chính trị của hòn đảo. Quốc hội Greenland cũng vừa thông qua một đạo luật mới nhằm cấm tài trợ chính trị từ nước ngoài.

Theo CNN