Tham vọng bành trướng tại Việt Nam của 'đại gia' Thái Lan Amata

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với tiềm năng tăng trưởng tốt, Việt Nam vẫn là thị trường trọng điểm của 'đại gia' khu công nghiệp Thái Lan Amata trong năm 2023.
Tham vọng bành trướng tại Việt Nam của 'đại gia' Thái Lan Amata
Tham vọng bành trướng tại Việt Nam của 'đại gia' Thái Lan Amata

Amata Corporation (Amata) - tập đoàn phát triển công nghiệp Thái Lan - vừa điều chỉnh kế hoạch mở rộng kinh doanh năm 2023, với trọng tâm đầu tư vào Việt Nam và Lào, theo Nikkei Asia.

“Khi lên kế hoạch, chúng tôi đã xác định tập trung vào toàn bộ khu vực sông Mekong. Trong năm 2023, Amata vẫn tập trung vào Việt Nam. Trong khi đó, Lào cũng là một quốc gia thú vị mà chúng tôi mới gia nhập vào năm 2022. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu phát triển một khu công nghiệp ở đó”, Viboon Kromadit, Giám đốc tiếp thị của Amata, cho hay.

Amata dự chi khoảng 5 tỉ baht (144 triệu USD) cho hoạt động đầu tư vào tài sản cố định trong năm 2023. Trong đó, hơn 50% vốn sẽ dùng để phát triển công nghiệp ở Việt Nam, 20% vốn cho các kế hoạch ở Thái Lan và phần còn lại sẽ dành cho dự án mới ở Lào.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 8%/năm và lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, Amata đã và đang đẩy mạnh đầu tư để gia tăng quỹ đất nhằm mở rộng các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Amata hiện có 3 khu công nghiệp ở Việt Nam, gồm: Amata City Biên Hòa (513ha), Amata City Long Thành (410ha) và Amata Hạ Long (710ha). Với hơn 190 nhà đầu tư trong các khu công nghiệp đã mang lại cho “ông lớn” này số vốn FDI lên tới hơn 4 tỉ USD.

Gần đây nhất, Amata đã quyết định đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai rộng 714ha ở Quảng Ninh. Dự án được xây dựng qua 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, với tổng mức đầu tư vào khoảng 3.500 tỉ đồng.

Từ năm ngoái, “ông lớn” công nghiệp Thái Lan đã bắt đầu triển khai khu công nghiệp Amata City Natuey ở Lào, quốc gia được đánh giá đang nổi lên như một nơi lựa chọn sản xuất đầy hứa hẹn nhờ tuyến đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc.

Còn tại Thái Lan, Amata không còn đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất lên hàng đầu vào thời điểm này, vì tập đoàn đang sở hữu tới 28,3 km2 đất, tập trung ở các tỉnh Chonburi và Rayong – nơi có khoảng 1.100 khu công nghiệp.

Thay vào đó, tập đoàn cho biết sẽ chi tiền vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng 5G và năng lượng tái tạo – được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mô hình kinh tế xanh của Thái Lan./.

Nguồn tham khảo: Nikkei Asia