"Mọi người đang làm gì vậy?", một người đàn ông phương Tây hỏi tôi.
"Họ chờ để mua iPhone mới", tôi đáp.
Người đàn ông đó ngay lập tức ôm đầu, há hốc miệng. Sau đó anh ta cười lớn và thốt lên "thật điên rồ".
Đây không phải người duy nhất bất ngờ trước sự nhẫn nại của hàng trăm con người dưới cái nắng cháy da tại Singapore.
Đêm đến, một cặp vợ chồng Singapore đi qua Apple Store Orchard hỏi tôi: "mọi người đang làm gì dưới mưa vậy?". Tôi vẫn câu trả lời: "họ chờ iPhone".
"Tôi không thể hiểu được. Tại sao họ không xếp hàng cho thức ăn mà lại là điện thoại?", người chồng nói.
"Nhưng chiếc điện thoại này có nhiều tính năng rất tốt và bán lại giá sẽ rất cao những chiếc đầu tiên", một người đứng gần đó trả lời.
"Tại sao lại phải xếp hàng cho một thứ không thuộc về mình", người chồng nói rồi bỏ đi.
70% người xếp hàng đến từ Việt Nam
Trang công nghệ SGeek, Singapore phỏng vấn bỏ túi để xem người xếp hàng mua iPhone đến từ nước nào. Kết quả không quá bất ngờ khi có đến 70% là người Việt Nam.
Sự kiện mở bán thu hút đa phần là người Việt. Các kênh truyền thông có mặt tại đây cũng đến từ Việt Nam. Với ba sản phẩm "mới nhưng không mới" được mở bán, Apple không quá thu hút sự quan tâm từ truyền thông nước ngoài. Theo ghi nhận của Zing.vn, có khoảng 5 kênh truyền thông nước ngoài có mặt tại sự kiện.
Trong ánh mắt mệt mỏi của dòng người xếp hàng lóe lên sự quyết tâm để đưa bằng được chiếc iPhone đầu tiên về Việt Nam.
Mỗi người có một lý do. Có người là chủ cửa hàng, muốn mang máy về để đánh bóng tên tuổi, có người chỉ xếp hàng vì số tiền vài trăm đô Singapore, có người mua cho cấp trên. Nhưng chắc chắn không nhiều trong số đó là "fan của táo". Nhìn cảnh họ vừa nhận máy đã vội rao bán tại chỗ, tôi nghĩ người mua về dùng sẽ không làm vậy.
Ngày 10/11, Apple khai khương Apple Store tại Bangkok, Thái Lan. Cửa hàng này là nơi bán iPhone và các sản phẩm Apple cùng thời điểm với các quốc gia khác.
Với sự xuất hiện của Apple Store thứ 2 tại Đông Nam Á, có lẽ người Việt sẽ không còn sang Singapore để xếp hàng mua iPhone nữa nếu Thái Lan nằm trong đợt đầu mở bán iPhone năm 2019. Thái Lan gần Việt Nam hơn, chi phí đi lại rẻ hơn", M. Tuấn, chủ cửa hàng điện thoại từng cho người đi xếp hàng tại Singapore cho biết.
Còn lâu lắm mới có Apple Store ở VN. Họ phải "thắp sáng" thị trường qua các kênh bán lẻ chính thống, bớt hàng nhập lậu xách tay. VN còn chưa có tên trên bản đồ marketing của Apple.
Cựu quản lý cấp vùng của Apple nói với Zing.vn.
Khác với Thái Lan, dù xếp hàng miệt mài, người Việt Nam vẫn chưa có Apple Store. Hệ thống Apple Premium Reseller như F.Studio hay eDiGi của Johnathan Hạnh Nguyễn - "vua hàng hiệu" được cho là cửa hàng ủy quyền ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên, những hệ thống này vẫn nằm ở đợt bán hàng 2-3, không là nơi bán ra đầu tiên ở Đông Nam Á.
Hiện số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam mới chỉ ở con số 15. Singapore có 527 cửa hàng và Thái Lan có 480 cửa hàng. FPT Retail và Thế Giới Di Động hiện chiếm khoảng 80% doanh số bán sản phẩm Apple chính hãng ở Việt Nam, còn lại đến từ nhà mạng và các nhà bán lẻ cỡ nhỏ.
Nói với Zing.vn, một cựu quản lý cấp vùng của Apple giấu tên cho biết thị trường Việt Nam còn rất lâu mới đáp ứng được các yêu cầu của Apple. "Họ phải 'thắp sáng' thị trường trong nước thông qua các chuỗi AAR và APR (đại lý ủy quyền cấp 1 và 2 - PV) để thay thế hàng xách tay, đầu tư vào quảng cáo billboard ở các trung tâm thương mại rồi mới đến việc mở Apple Store. Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ marketing toàn cầu", vị này tiết lộ.
Apple Store đang dần vắng người xếp hàng
Năm nay, người mua cũng không tỏ ra quá cuồng nhiệt với iPhone mới. Hàng người chờ đợi iPhone X kéo dài hàng trăm mét không còn xuất hiện. Mọi thứ diễn ra vỏn vẹn trước khuôn viên Apple Store.
Vị trí đứng đầu hàng được một người tên Đạt, thương nhân mua bán iPhone rao với giá 3.000 SGD. Theo Đạt, những năm trước vị trí này được rao với giá tương tự và bán khá hiệu quả. Tuy nhiên năm nay, Apple đánh dấu vị trị người mua bằng vòng giấy sử dụng một lần khiến việc sang tên chỗ chờ không còn khả dụng. Đặc biệt, với những nâng cấp nhàm chán, iPhone XS không còn xứng với mức giá 3.000 SGD cho vị trí đầu tiên.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng chọn cách đặt máy online để tiết kiệm thời gian xếp hàng. Thực tế, chỉ 30 phút sau khi mở cửa đón khách, người đặt máy online đã có thể vào Apple Store lấy máy về.
Tuy nhiên, những máy này không được hoàn lại mức thuế 5,7%. Có lẽ 5,7% hoàn thuế tương đương khoảng 2 triệu đồng/máy chính là động lực cho những người xếp hàng. Với 2 máy, họ nhận được 4 triệu đồng chưa kể giá bán chênh lệch.
Nhưng vẫn còn một lựa chọn khác thay vì xếp hàng. Người mua chỉ cần chờ đến 11 giờ trưa, máy được người xếp hàng bày bán với giá rẻ hơn Apple Store 20-50 SGD. "Họ hoàn được 100 SGD tiền thuế, họ bán lại rẻ hơn họ cũng đã lời.
Bên cạnh đó, họ không phải chịu những rủi ro về giá. Đặc biệt là lô hàng giá rẻ từ Hong Kong sắp về Việt Nam", Nguyễn Vinh, chủ cửa hàng điện thoại tại Sóc Trăng cho biết.
"Xếp hàng không phải là cách duy nhất để mua iPhone sớm. Chỉ cần chờ thêm vài ngày, người mua có thể nhận máy tại Việt Nam với mức giá còn rẻ hơn chi phí ăn ở, đi lại và công xếp hàng", anh Vinh nói thêm.
Cuối tháng 10/2018, Apple mở bán iPhone XR. ình trạng vắng bóng người xếp hàng khiến nhiều phương tiện truyền thông lo lắng thay công ty này. Tuy nhiên, khi cả thế giới dần bỏ thói quen xếp hàng chờ iPhone thì người Việt vẫn xếp.
8h ngày 26/10, Apple Store Orchard tại Singapore chỉ có lác đác hơn 10 khách xếp hàng để chờ mua iPhone Xr. "Hầu hết là người Việt Nam sang mua về bán lại", Công Hậu, người tham gia xếp hàng chia sẻ.
Trong khi đó, Apple Store ở Sydney - nơi đầu tiên mở bán iPhone Xr trên thế giới không có bất cứ hàng người nào chờ mua sản phẩm này. Tương tự, có vài chục người đứng trước cửa hàng Covent Garden của London, Anh và cửa hàng Fifth Avenue, New York, Mỹ.Theo 9tomac, Apple Store Macotakara tại Nhật chỉ có vỏn vẹn 5 người xếp hàng trước chờ mua.
Trang CNET cho rằng đây là lần đầu tiên một chiếc iPhone của Apple mở bán trong sự thiếu vắng những hàng người chờ đợi trong suốt 11 năm qua. Singapore, nơi có 70% người xếp hàng đến từ Việt Nam, là nơi đông đúc nhất trong ngày mở bán.
Bước chân vào Apple Store, bạn mới là thượng đế
Không phải dễ dàng để có thể có được những chiếc iPhone đầu tiên. Khác với những năm trước, sự kiện mở bán iPhone năm nay tại Singapore được tổ chức chuyên nghiệp hơn.
Ngay từ những đêm đầu tiên, mọi người đã được yêu cầu không tụ tập quá lâu trước sảnh Apple Store. Đến ngày xếp hàng, Apple tổ chức cho mọi người đeo vòng giấy, tình trạng bán lại chỗ xếp hàng không còn xảy ra. Mọi thứ đều nề nếp, gọn gàng.
Năm nay, nhân viên Apple cũng gay gắt hơn với người xếp hàng. Tôi đã thấy họ lớn tiếng với người xếp hàng. Đa phần các trường hợp lớn tiếng đều xảy ra với người Việt Nam.
"Từng người một, tôi nói là từng người một. Đứng dậy và qua đây chờ vào hàng", nhân viên Apple yêu cầu mọi người đứng dậy bước vào khu vực chờ xếp hàng.
Câu nói trên không hề có ý coi thường khách hàng nhưng với âm lượng lớn, dứt khoát kèm hành động chỉ tay vào mặt từng người khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, hai chữ "thank you" và nụ cười không hề xuất hiện trong câu hội thoại.
"Nếu không đồng ý ngồi tại chỗ. Bạn sẽ bị gỡ vòng"
Nhân viên Apple nói với Vũ, khi anh này muốn ra ngoài để đi vệ sinh.
Tôi cảm thấy rất khó chịu với cách nói chuyện cộc lốc mà nhân viên ở Apple Store dành cho những người xếp hàng. Trong đó đa phần là người cùng quốc tịch Việt nam với tôi. Những nhân viên bảo vệ được Apple thuê từ công ty Prosec Singapore còn ăn nói điềm đạm hơn vậy rất nhiều lần.
"Nếu không đồng ý ngồi tại chỗ. Bạn sẽ bị gỡ vòng", nhân viên Apple nói với Vũ, một người xếp hàng muốn ra ngoài để đi vệ sinh. Trước đó 30 phút, Vũ có ra ngoài để đi ăn. Vì vậy anh đã mất lượt đi vệ sinh.
Apple chỉ cho phép mỗi người được ra ngoài 4 lần/ngày, mỗi lần 60 phút vào giờ ăn và 15 phút cho những nhu cầu vệ sinh. Tôi thông cảm cho áp lực công việc của nhân viên Apple, nhưng với khách hàng, họ không có quyền hành xử như vậy.
"Tôi không dám ăn nhiều dù rất mệt vì sợ phải ra ngoài đi vệ sinh. Mỗi lần ra rất khó, Apple quét mã QR và tính từng phút. Thôi kệ, mình cần mua máy của họ, mình phải chơi theo luật của họ", Nguyễn Lâm, ngụ TP.HCM, chờ mua iPhone cho một cửa hàng chia sẻ.
Tôi nghĩ nhóm xếp hàng chỉ là những người mua đi bán lại. iFan như tôi không bao giờ chấp nhận cảnh tượng như vậy. Tôi có tiền, tôi không thích lụy Apple. Tôi có thể có nhiều lựa chọn khác.
Trần Cường - Q1, TP.HCM.
Tối đến, hình ảnh người mua hàng nằm vất vưởng trên đường phố Singapore khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Nhóm đánh bài thức thâu đêm, nhóm tựa vào nhau ngủ. Trong số đó có cả trẻ em theo bố mẹ nằm trên mặt đất lạnh bên lề một thương xá.
Việc xếp hàng qua đêm không phải hiếm gặp với các đợt khuyến mãi khủng hay sản phẩm giới hạn tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ là một chiếc điện thoại với tính năng không mấy nâng cấp, giá đắt kinh hoàng và số lượng thì không hề giới hạn.
Sáng ngày 21/9, vì một lý do nào đó, Apple Store Orchard mở cửa đón những khách hàng đầu tiên lúc 6 giờ, sớm hơn chính thức 2 tiếng. Hình ảnh những người đầu tiên được nhân viên Apple vỗ tay, reo hò nồng nhiệt khi bước vào khiến mọi người cảm thấy an ủi và quên đi cách xử sự cộc lốc mà họ dành cho khách hàng ngày hôm trước. Có lẽ với Apple, khi bước vào Apple Store và mua sản phẩm, bạn mới là thượng đế.