Trao đổi với TS Trần Đình Thiên nhân dịch Covid:

Thách thức kinh tế - xã hội và cơ hội cải cách

VietTimes -- "Nguyên tắc tiên quyết của việc hỗ trợ, theo tôi, là chỉ cứu những doanh nghiệp có khả năng đứng dậy sau dịch, có khả năng hợp tác để vươn lên. Doanh nghiệp chúng ta, sau dịch, còn phải cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài nữa, nếu không muốn bị họ đè xuống"- TS Trần Đình Thiên.
TS Trần Đình Thiên: "Nguyên tắc tiên quyết của việc hỗ trợ, theo tôi, là chỉ cứu những doanh nghiệp có khả năng đứng dậy sau dịch, có khả năng hợp tác để vươn lên".

Thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước

Nếu ông là thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid 19, ông sẽ góp ý điều gì?

-TS Trần Đình Thiên: Tôi sẽ nói đây là một bài toán đánh đổi, giữa xử lý tốt bệnh dịch, và cái giá mà nền kinh tế phải trả. Rất khó cân đo “lợi – hại” thật chuẩn ở đây được. Có thể tranh luận để làm rõ cách tiếp cận giải quyết vấn đề trong những tình huống khả năng chứ khó mà đạt được sự thống nhất ý kiến hoàn toàn được.

Do mỗi người, mỗi nhóm, mỗi lực lượng có góc nhìn lợi ích, kể cả lợi ích toàn cục, khác nhau. Nhưng dù sao, giờ đây, Chính phủ cũng đã công bố thoát cách ly đối với hầu hết lãnh thổ Việt Nam rồi, nên tôi sẽ chỉ nói về những thách thức hiện giờ nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải.

Tôi xin nói điều đó gắn với 3 yếu tố hết sức quan trọng, tạo thành cái gọi là “năng lực chống chịu” của nền kinh tế. Ta phải bàn rất kỹ về điểm này. Nền kinh tế có thể vượt qua đại dịch, số doanh nghiệp “trụ” được có thể nhiều, nhưng vấn đề là ở chỗ khi dịch bệnh lắng xuống, Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp có thể đứng dậy được – chứ không phải tiếp tục “thoi thóp”, để bắt đầu lại “cuộc chơi” trong mở cửa – hội nhập, nối với chuỗi cung cầu thế giới trong thế đứng vững để “cạnh tranh” và hợp tác, tận dụng được cơ hội bứt lên?

Việt Nam đã chống dịch tốt. Nhưng thử thách chính yếu dường như vẫn đang ở phía trước, trong khi sức lực ta đã có phần hao tổn.

Thử hình dung giai đoạn “hậu covid”, Việt Nam trở thành miền đất có sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài vượt trội. Nhưng nếu khi dòng FDI “đổ” vào ào ạt, lực lượng doanh nghiệp bản địa còn đủ năng lực đối ứng không, hay sẽ là một cuộc thoái lui theo kiểu bỏ trận địa?

Hãy thử hình dung năng lực chống chịu của ngân sách – vốn đang thiếu hụt, giải ngân lại khó, lại phải gánh nhiều khoản chi tiêu lớn và bất thường – để chống dịch, để hỗ trợ hàng mấy trăm ngàn doanh nghiệp đang trong cơn nguy biến, và đặc biệt, phải lo hỗ trợ cuộc sống của hàng triệu người dân bị “cách ly xã hội”, lo cứu trợ cho hàng triệu người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, giảm việc làm do các chuỗi sản xuất bị “đứt”.

Cũng phải tính đến một cách cẩn thận sức chống chịu của người dân – mất thu nhập trong bao lâu thì có thể “kiệt quệ”, làm sức mua thị trường cạn kiệt, và sau đó là bất ổn xã hội.

Tình thế là đặc biệt khó khăn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta lệ thuộc rất nặng vào thị trường thế giới, vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mà trận dịch covid, với cách lây lan đáng sợ và khó lường, với năng lực “chống đỡ” của các nước trên thế giới, cho đến bây giờ, vẫn chưa biết như thế nào và lúc nào kinh tế thế giới mới lại “liền mạch” trở lại.

Việt Nam đã chống dịch tốt. Nhưng thử thách chính yếu dường như vẫn đang ở phía trước, trong khi sức lực ta đã có phần hao tổn.

Phải tính rất kỹ đến năng lực chống chịu này. Giống như trong một cuộc đấu, để có cách phân phối sức lực hợp lý, có cách tổ chức cuộc đấu khôn ngoan. Nếu không thì quả thật rất khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. Vẫn đang tồn tại những thế lực chờ kinh tế Việt Nam yếu đi, các doanh nghiệp Việt Nam “lả đi”, xã hội Việt Nam lâm vào bất ổn để thừa cơ.

Theo ông, năng lực ngân sách của Việt Nam hiện nay như thế nào? Sau khi thực hiện Nghị định 100 về xử phạt giao thông liên quan đến rượu bia, mặc dù kết quả rất tốt, rất được lòng dư luận, nhất là dư luận “không nhậu”, thực tế thu ngân sách lại giảm nhiều, do các quán bia, nhà hàng phải chịu cảnh ế khách, thậm chí đóng cửa.

- Nói một cách hình ảnh, quả thực là nền kinh tế và ngân sách của chúng ta đang lâm vào tình thế “họa vô đơn chí”.

Năng lực ngân sách vốn đang yếu, lại thêm một đợt cấm rượu bia, gây thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Hạn chế rượu bia dẫn tới chỗ nhiều nhà hàng thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa, kéo theo nhiều người làm công mất việc. Doanh nghiệp mất doanh thu, người lao động hết thu nhập, ngân sách thêm thất thu.

Trong bối cảnh đó, lại thêm con covid, làm đứt gãy hầu như tất cả các chuỗi sản xuất, tác động tiêu cực đến tất cả doanh nghiệp và người lao động. Ngân sách lại càng khó thêm gấp bội.

Khó khăn kinh tế lại tập trung ở hai Thành phố lớn, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất cả nước. Điều oái oăm là con Covid cũng tập trung gây khó cho hai đầu tàu đóng góp tới gần 50% nguồn thu ngân sách cả nước.

Dịch càng kéo dài, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam vốn yếu sẽ càng yếu, thì mức độ phá sản càng lớn- Ảnh minh họa.

Trong khi đó, thu ít nhưng phải chi nhiều – để chống dịch, để cứu doanh nghiệp và hỗ trợ người dân. Chưa kể năm nay ngân sách còn phải dành một khoản chi không nhỏ để chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nói như vậy không phải là phóng đại khó khăn, để gây hoang mang. Mà để đối mặt với thực tế gay gắt đó, để bình tĩnh lường tính mọi việc, tìm ra giải pháp đúng. Cho đến bây giờ, Chính phủ đang hành động theo cách đó, đang chứng minh khá thuyết phục năng lực điều hành vĩ mô trong cơn nước sôi lửa bỏng.

Nhưng như đã nói, thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước.

"Mẹ" và "vợ": cứu ai?

VCCI có khi không bằng lòng khi ông nghi ngờ khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam? Ông có thể thuyết phục được họ không?

- Thứ nhất, doanh nghiệp của chúng ta nói chung là yếu, đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hiện giờ, họ vẫn đang cầm cự. Nhưng, rõ ràng, rất khó khăn. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thêm, có thể vài tháng, có thể nửa năm, cũng có thể đến hết năm, trong bất cứ kỳ hạn nào thì số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ rất nhiều.

Dịch càng kéo dài, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam vốn yếu sẽ càng yếu, thì mức độ phá sản càng lớn. Trường Kinh tế Quốc dân, hay Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, đã đưa ra những tính toán của họ. Cả VCCI cũng có những dự báo, thậm chí còn “sốc” hơn. Không thể nhắm mắt trước thực tế đó. Chúng ta không thể bắt chước con đà điểu “vùi đầu xuống cát” để tránh tai họa.

Xu hướng chung là vậy. Diễn biến cụ thể còn khó lường và gay gắt hơn. Không ai nói được kinh tế thế giới sẽ phục hồi lúc nào, theo hình chữ U hay chữ L, mức độ tác động đến các nhóm doanh nghiệp Việt Nam ra sao. Nhìn vào tình trạng mấy hãng hàng không lớn của Việt Nam, đang tăng trưởng ào ào, bỗng đứng sững lại. Chỉ mới vài tháng không bay là chao đảo rồi. Té ra sức chống chịu cũng rất có hạn.

Tức là, theo như ông nói, nền kinh tế Việt Nam, phụ thuộc vào nước ngoài nhiều?

- Đúng thế. Nội tại nền kinh tế, tình hình đang khó khăn, và chắc sẽ còn gay go hơn. Các dự báo triển vọng kinh tế thế giới cứ ảm đạm dần. Mỗi lần dự báo là một lần hạ mức tăng trưởng. Giá dầu hạ xuống mức âm hơn 35 USD một thùng – báo hiệu một tình thế khó khăn chưa từng thấy của kinh tế thế giới.

Trong khi đó, năm ngoái Việt Nam đạt một thành tích chưa từng có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt giá trị 530 tỷ USD, hơn gấp đôi GDP. Anh có thấy nền kinh tế nước nào phụ thuộc vào thị trường nước ngoài đến mức đó không?

Bây giờ, các thị trường lớn bị chặn, như Trung Quốc và Hàn Quốc đầu vào bị chặn, còn đầu ra, như EU, Nhật Bản và Mỹ cũng bị chặn. Bây giờ, họ càng cẩn thận trong phòng chống dịch, mình lại càng lo.

Đài báo cứ nói nước Mỹ muốn xả dịch sớm, Việt Nam mừng quá đi chứ. Nhưng báo chí lại rất ít nói đến khía cạnh tích cực của nỗ lực này, hình như chủ yếu đề cập với ý phê phán Tổng thống Donald Trump mạo hiểm…

Tôi nghĩ rằng đời nào ông Trump, vốn là tỉ phú kinh doanh, lại mạo hiểm “suông” như vậy. Ông ta phải tính đến việc đánh đổi. Dừng thêm một ngày là nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ đô la, chưa kể nhiều hệ lụy khác. Ông ta buộc phải tính đến kết cục tối ưu thôi. Bởi dịch kéo dài cái là nước Mỹ gặp hệ lụy ngay. Có thể nhiều người nghĩ khác ông Trump, phản đối ông. Nhưng chuyện đó là bình thường, không nên đẩy vào tình thế cực đoan hóa khi phán xét.

Đối với Việt Nam, tôi nghĩ, đứng trên lập trường lợi ích quốc gia, chúng ta phải ủng hộ ông Trump, ủng hộ nước Mỹ đưa ra những chính sách tuyệt vời để đưa nước Mỹ sớm trở lại quỹ đạo bình thường.

 Dịch Covid rõ ràng cũng là một cơ hội, đúng hơn, là thúc đẩy xu hướng CMCN-4.0- Ảnh internet. 

Quay trở lại việc hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông, mình nên hỗ trợ những doanh nghiệp nào, vì không thể hỗ trợ hết được?

- Đúng. Chính phủ phải ra tiêu chí để hỗ trợ những doanh nghiệp cần hỗ trợ, bởi như đã nói, “năng lực chống chịu” của ngân sách là có hạn. Ngân sách ít thì không thể hỗ trợ nhiều, hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các doanh nghiệp và cả người dân được. Tôi chắc Chính phủ biết rõ điều này và đang lo thu xếp nguồn lực, cân đối các khoản chi cho hiệu quả. Phải tính trước được những thứ đó, có bao nhiêu tiền, kéo dài bao lâu và cần - nên hỗ trợ cho đối tượng nào, để khi dịch qua đi, nền kinh tế đứng dậy được – chứ không phải là tất cả các doanh nghiệp đều được cứu trợ, nhưng không đủ sức “đứng dậy” tiếp tục tham gia cuộc đua.

Nguyên tắc tiên quyết của việc hỗ trợ, theo tôi, là chỉ cứu những doanh nghiệp có khả năng đứng dậy sau dịch, có khả năng hợp tác để vươn lên. Doanh nghiệp chúng ta, sau dịch, còn phải cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài nữa, nếu không muốn bị họ đè xuống.

Cũng giống như nguyên lý cứu người. Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng có một anh chàng gặp tình huống cả vợ và mẹ đi tắm, cả hai đều bị đuối nước. Câu hỏi đặt ra – trong trường hợp chỉ có thể cứu được một người thì anh ta sẽ cứu ai – cho trọn đạo lý? Câu trả lời quả thật là không dễ, đúng không anh?

Tôi cũng đọc một truyện có câu hỏi như vậy (Truyện có nhan đề “Tiểu Mai”). Chỉ khác là vợ chưa cưới và mẹ vợ, và người đưa ra câu hỏi là mẹ vợ tương lai. Anh ta trả lời rằng anh ta sẽ cứu mẹ vợ tương lai, rồi lao xuống cùng chết với cô vợ chưa cưới cho trọn vẹn nghĩa tình. Câu trả lời cũng hay, đúng không ông?

- Giời ạ! Anh đang phỏng vấn tôi về chuyện kinh tế, chuyện doanh nghiệp, và đó là câu hỏi cứu ai trong số các doanh nghiệp, chứ có phải chuyện ngôn tình tuổi teen đâu mà anh kể câu chuyện đạo lý mang màu sắc lý tưởng, nhưng khó tưởng như vậy!

Câu trả lời, trong câu chuyện ngụ ngôn đó là: anh ta nói sẽ cứu người gần anh ta nhất. Vì trong giờ phút nguy cấp đó, anh ta cứ mải suy tính là cứu vợ, thì vợ sống tiếp với mình cả đời, còn sinh con được, và tiếp tục nòi giống… Nhưng nếu không cứu mẹ, vì mẹ già rồi, thì cả đời lại sống trong ân hận vì, theo thông lệ xã hội, đó là bất hiếu. Cuối cùng, không cứu được ai. Đạo lý giằng xé, kết cục, chết cả đôi. Phương án khả dĩ là hãy cứu ai khả thi nhất.

Còn câu chuyện tình của anh, anh phóng viên già sắp đến tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn đến cái kết cục thảm họa – nhân loại sẽ tuyệt diệt. Câu trả lời đó nó thoải mái về mặt đạo đức, nhưng nó không khả thi, và không tạo ra khả năng tiếp tục sự phát triển.

Cơ hội để cải cách toàn diện

Ông ở trong Tổ Tư vấn Chính phủ. Ông sẽ đề xuất gì với Thủ tướng, nhân dịch Covid?

Việt Nam phải xác định nạn dịch Covid 19 chính là cơ hội để cải cách.

Thứ nhất, những trói buộc về thể chế lâu nay không thay đổi được, thì nay, trong “hoàn cảnh đặc biệt”, có thể làm được. Theo lý thuyết trò chơi, trong tình thế đặc biệt, nó sinh ra những cách khác thường để giải quyết vấn đề. Tức là mượn thời thế để thúc đẩy lên những tối ưu về mặt chính sách. Ví dụ, những qui tắc về đầu tư công, thủ tục thuế, thủ tục hành chính, hay những gì liên quan đến hồi tố chính sách, … hoàn toàn phải có những cách tiếp cận khác, theo tiêu chuẩn khác.

“Hậu dịch” là giai đoạn rất quan trọng, theo nghĩa chúng ta phải tính đến tầm nhìn thay đổi cấu trúc, của nhiều ngành, trong một thế giới biến đổi rất nhanh"- TS Trần Đình Thiên. 

Thứ hai, cấu trúc thương mại đầu tư phải thay đổi. Lâu nay nói đến công nghiệp 4.0, như là một cơ hội đuổi kịp thế giới. Dịch Covid rõ ràng cũng là một cơ hội, đúng hơn, là thúc đẩy xu hướng CMCN-4.0. Bây giờ chuyện kinh tế số quen với cả nước rồi, suốt ngày ôm mạng, sống với facebook … Cơ cấu nhu cầu, cơ cấu tiêu dùng cuộc sống thay đổi ghê gớm. Kinh tế số tác động rất mạnh đến quản trị, đến thương mại, thay đổi căn bản hệ thống dạy học, hội họp…. Kinh tế số bắt đầu tạo ra hiệu quả.

Và, rõ ràng, thế giới tới đây sẽ chuyển nhanh sang thời đại robot. Dịch covid chỉ ảnh hưởng đến con người, chứ robot sẽ không bị ảnh hưởng. Robot phát triển lâu nay theo xu thế, không có dịch robot cũng thay con người, nhưng có dịch này quá trình robot thay thế con người sẽ được đẩy nhanh hơn.  

Những ngành như lắp ráp điện thoại Samsung, sản xuất dệt may, những ngành phát triển ở Việt Nam, robot sẽ thay thế con người rất nhanh. Đây là cơ hội, và áp lực để chuyển sang hướng đấy. Chắc chắn Samsung họ sẽ chuyển hướng sang robot, vì xu hướng robot hóa, vì họ sợ tái diễn rủi ro kiểu dịch covid. Lúc đó, nhà máy sử dụng nhiều robot mới tồn tại được.

Cấu trúc kinh tế thay đổi căn bản. Khi đó, sản xuất robot có phải là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam hay không? “Hậu dịch” là giai đoạn rất quan trọng, theo nghĩa chúng ta phải tính đến tầm nhìn thay đổi cấu trúc, của nhiều ngành, trong một thế giới biến đổi rất nhanh.

Ngày xưa chúng ta bàn nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh… bây giờ cũng thế. Mình phải coi đây là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hướng phát triển, hỗ trợ ưu tiên cho những doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Ưu tiên về mặt chính sách, tháo gỡ được những cái đấy cực kỳ quan trọng, then chốt. Chứ không phải tháo bỏ chính sách để lặp lại những cơ cấu cũ.

Phải thoát khỏi và thoát luôn phụ thuộc từ bên ngoài. Nhưng sẽ không thoát được phụ thuộc bên ngoài, nếu chúng ta không có công nghiệp hỗ trợ. Vậy bây giờ ta không thể tiếp nhận FDI như ngày xưa được nữa. Tự Việt Nam phải tạo ra công nghiệp hỗ trợ, và phải nhờ FDI giúp tạo được công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tôi nói là của Việt Nam – chứ không phải chỉ có công nghiệp hỗ trợ của nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay khả năng di chuyển đầu tư mạnh lắm, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đầu tư khác, và rất quyết liệt.

Hậu dịch theo nghĩa đứng dậy, có tầm nhìn xa hơn để bước vào một quỹ đạo phát triển khác. Loài người tới đây sẽ khác trước rất nhiều. Chúng ta phải chuẩn bị một hệ thống thanh toán khác, ít dùng tiền mặt. Vì thời gian cách ly, chúng ta mới bắt đầu quen với thương mại điện tử. Trong khi đó, Trung Quốc đã làm được 10 năm rồi.

Cấu trúc tài chính thay đổi, ngân hàng cũng phải thay đổi. Ngân hàng giờ sẽ không cần chi nhánh nhiều, nhân sự sẽ thay đổi. Cần gì người bán hàng, cần người chở hàng chứ không cần người bán hàng. Bán hàng tự động hết mà.

Thay đổi một cấu trúc kinh tế nhưng muốn như vậy phải tính đến cải cách giáo dục theo một định hướng và nguyên lý khác. Muốn có hệ thống đó phải có nhân lực. Phải có một chiến lược đào tạo nhân lực kiểu khác. Bài toán cải cách giáo dục đặt ra ở Việt Nam mấy chục năm rồi, qua bao nhiêu đời bộ trưởng, mà vẫn không làm được. Đây chính là cơ hội để làm, vì đòi hỏi mới đối với nguồn nhân lực.

Với những đòi hỏi như thế, vậy thể chế nào cho phù hợp? Toàn những vấn đề hiện đại như vậy, có quản lý theo kiểu bây giờ được không? Hiện nay nhà nước phát động chính phủ điện tử, thậm chí tới đây còn là chính phủ thông minh.

Quản trị theo kiểu văn bản giấy tờ, qua mạng hết, dùng chữ ký điện tử, và giám sát được người làm và đánh giá chất lượng cũng theo hệ thống khách quan hơn. Tất nhiên, ban đầu chưa hoàn thiện, nhưng dần dần nó sẽ hoàn thiện.

(Còn tiếp)