Khoảng 8-10 triệu USD trên mỗi một ca tử vong do COVID-19, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và kinh tế của Đại học Chicago đăng trên Wall Street Journal tuần trước đã thúc đẩy các chính phủ mở cửa lại kinh tế trở lại nhằm chặn đà suy thoái.
Tổng thống Donald Trump tuần trước đã đề xuất các hướng dẫn để “tái khởi động kinh tế Mỹ”, trong khi các nước Áo, Na Uy, Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Đức cũng bắt đầu mở cửa lại kinh tế sau khi đã phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau trong khoảng 1 tháng, kể từ giữa tháng 3/2020.
Các nước này một mặt hiểu rằng việc mở lại nền kinh tế có thể làm tăng số ca nhiễm COVID-19, nhưng mặt khác cũng e ngại việc phong tỏa kéo dài khiến cho người dân lao đao hơn cả việc đương đầu với dịch bệnh.
Tổng thống Donald Trump tuần trước đã đề xuất các hướng dẫn để “tái khởi động kinh tế Mỹ”- Ảnh internet.
|
Ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn sức khỏe nền kinh tế kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhưng các chính phủ đôi khi cũng buộc phải chấp nhận rủi ro với số ít để mang lại lợi ích lớn hơn cho toàn xã hội.
Tất nhiên, các quyết định khác nhau về mở cửa trở lại nền kinh tế đã và đang được đưa ra, dựa trên hoàn cảnh, tiêu chí từng quốc gia sử dụng để đánh giá tổn thất xã hội của việc phong tỏa.
Na Uy đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội vào tuần trước sau khi ước tính tổn thất xã hội khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa, thông qua việc dự báo số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm do việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhóm nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn VinaCapital, trong nghiên cứu mới nhất công bố chiều 21/4, đã cảnh báo về ba rủi ro nếu Việt Nam “không nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế”: Cách ly xã hội khiến người thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; thời gian cách ly xã hội càng dài, càng khó khăn cho nhiều doanh nghiệp phục hồi và việc đóng cửa một phần kinh tế sẽ tạo ra bất ổn xã hội.
Đến nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới, nhưng chi phí xã hội khi đóng cửa một phần nền kinh tế ở Việt Nam cao hơn các nước giàu và phát triển, theo nhóm nghiên cứu của VinaCapital.
Chẳng hạn, việc áp lệnh phong tỏa của Mỹ khiến thất nghiệp gia tăng đáng kể, khiến 22 triệu người đã mất việc trong ba tuần qua, nhưng chính phủ nước này đã chi những gói tài chính khổng lồ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người mất việc.
Việt Nam vẫn còn nguồn lực tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng số lượng hạn chế, theo báo cáo phân tích khả năng hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ các nền kinh tế mới nổi của Standard Chartered vào tuần trước, đòi hỏi phải cân nhắc, lựa chọn cách triển khai hiệu quả nhất.
Hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh, GDP quý I chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, tạo nên một tác động chưa từng có đối với vấn đề lao động việc làm của Việt Nam. Khoảng 25,8 triệu lao động tại Việt Nam hiện đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ phải đối diện với sự suy giảm đáng kể về sản lượng kinh tế (mức trung bình hoặc cao).
Cuộc khủng hoảng có thể tác động tới sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm, ILO ước tính đến cuối quý II năm nay dựa trên hai kịch bản: tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý II và tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.
Phạm vi và tốc độ khủng hoảng việc làm có thể lớn hơn rất nhiều so với khả năng gánh vác của hộ kinh doanh gia đình và nông hộ, trong khi tác động trực tiếp của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đến khu vực phi chính thức tương đối nặng nề khi có gần 13 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực phải chịu nặng nề nhất.
Những hình thức “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt cần được nới lỏng dần để các hoạt động sản xuất, kinh doanh “an toàn và lành mạnh” dưới sự chỉ dẫn rõ ràng về cách áp dụng giãn cách xã hội- Ảnh internet.
|
Một thực tế không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến COVID-19 một cách quyết liệt và mạnh mẽ, với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cách tiếp cận đó, theo các nhà kinh tế, cần phải được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế-xã hội và đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế-xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn ba bên: Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động.
Việt Nam vẫn có thể sớm đưa ra quyết định về lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo VinaCapital, một yếu tố mà Việt Nam có thể tập trung vào là sự ổn định liên tục của đường cong biểu đồ số ca nhiễm còn lại, với quy ước rằng số lượng các ca nhiễm mới không vượt quá nhiều so với số ca hồi phục hàng ngày.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét 2 yếu tố khác đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng để quyết định lộ trình mở cửa lại nền kinh tế: Khả năng theo dõi và kiểm soát COVID-19 và năng lực xét nghiệm và điều trị các ca nhiễm COVID-19 của hệ thống y tế.
Thậm chí, để cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 lần hai sau khi bắt đầu nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng hiện tại, Việt Nam có thể cân nhắc số ca nhiễm bệnh vượt trên 500 như một tiêu chí để xác định sự cần thiết trong việc tái áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng nghiêm ngặt hơn, VinaCapital khuyến cáo.
Thời điểm hiện tại, Chính phủ đang đưa ra một loạt các giải pháp tiền tệ và tài khóa để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo vệ thu nhập trong ngắn hạn, định hình các đề án để thúc đẩy khôi phục kinh tế trong trung hạn và dài hạn, sau khi kiểm soát được dịch bệnh lây lan.
Tiến sĩ Lee Chang-Hee, Giám đốc ILO, cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ có tính mục tiêu thông qua các dạng thức khác nhau để người dân có thể vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng cho tới khi tình hình dần trở lại bình thường.
Những hình thức “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt cần được nới lỏng dần để các hoạt động sản xuất, kinh doanh “an toàn và lành mạnh” dưới sự chỉ dẫn rõ ràng về cách áp dụng giãn cách xã hội.
Về lâu dài, theo Tiến sĩ Lee, vấn đề quan trọng mang tính chiến lược là cần “chính thức hóa các doanh nghiệp phi chính thức” để mở rộng cơ sở tiêu dùng trong nước và hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ trong nước.
Công cuộc chính thức hóa đi kèm với nhiều biện pháp bảo trợ xã hội khác nhau sẽ giúp xã hội Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trước những khủng hoảng y tế toàn cầu tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Việt Nam, một đất nước với gần 100 triệu dân, cần xây dựng các thị trường nội địa thực chất do các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt, ông Lee cho đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.