Tesla ngày càng giống Apple

Tesla đang có chiến lược "khóa" người dùng vào hệ sinh thái ôtô điện, tương tự cách Apple làm với iPhone và các sản phẩm của hãng.

Năm ngoái, Tesla bắt đầu phát hành gói thử nghiệm Full Self - Driving cho những người muốn trải nghiệm ôtô tự lái hoàn toàn. Nhiều người sau đó đã mua, thử nghiệm và đăng video lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ xảy ra sau đó.

Tesla đã bất ngờ thu hồi quyền truy cập vào Full Self-Driving của một số tài xế. CEO Tesla, Elon Musk , viết trên Twitter hồi tháng 3 rằng lý do là các tài xế đã "không chú ý đến đường đi", nhưng không giải thích gì thêm. Khi đó, gói thử nghiệm đã được gửi đến hơn 2.000 người, với giá 10.000 USD. Không rõ ai trong 2.000 người này đã mất tiền và mất quyền truy cập hệ thống.

Tuy vậy, tại Thung lũng Silicon, quyết định của Tesla dường như phản ánh một công thức dễ hiểu: Người tiêu dùng là chủ thể, nhưng những gã khổng lồ công nghệ mới là người kiểm soát.

Tesla đang theo đuổi phong cách giống Apple. Ảnh: Washington Post.

Kể từ khi ra mắt thị trường, các mẫu xe Tesla thường được ví là " iPhone có bánh xe" - ý rằng những chiếc ôtô điện do công ty của Elon Musk sản xuất đã có những bước nhảy vọt mang tính cách mạng về công nghệ ôtô, như những gì Apple làm với điện thoại thông minh. So với ôtô truyền thống, xe của Tesla có nhiều công nghệ hơn, màn hình cảm ứng lớn, mạng lưới sạc rộng lớn và hiệu suất đột phá so với đối thủ.

Giống Apple, Tesla xây dựng thương hiệu của mình dựa trên các sản phẩm độc quyền và đầy khát vọng, ưu tiên tính trải nghiệm cũng như tiện ích của chính thiết bị. Cả hai công ty đều tích hợp phần mềm với phần cứng theo cách đột phá. Người dùng khi chuyển sang công nghệ của Tesla cũng thấy dễ dàng và trực quan, kể cả những ai không am hiểu.

Kết quả là người dùng dường như bị "nhốt" vào vũ trụ của Tesla, tương tự khách hàng Apple trong hệ sinh thái iPhone. Họ hài lòng với Tesla, từ sửa chữa cho đến cập nhật phần mềm cho xe.

Không phải ngẫu nhiên Tesla và Apple có nhiều điểm chung. Theo các nhân viên từng làm việc cho cả hai công ty này, Tesla luôn ưu tiên nhân viên cũ của Apple trong tuyển dụng. Văn hóa Apple từ lâu cũng đã hình thành trong Tesla.

"Tesla không phải là một công ty ôtô. Đó là một công ty công nghệ chế tạo ôtô", một cựu nhân viên cũ từng làm việc ở mảng sản phẩm cho cả Apple và Tesla nhận xét.

Gần đây, Elon Musk cũng bắt đầu tăng cường vai trò lãnh đạo của mình tại Tesla, trong đó tự gọi mình là Technoking - Vua công nghệ . Theo các nhân viên cũ, Musk theo đuổi phong cách làm việc của cố CEO Apple Steve Jobs theo nhiều cách khác nhau. "Nếu Steve Jobs có thể dễ dãi, nóng nảy và bùng nổ, thì Elon cũng giống vậy", một cựu nhân viên từng làm việc cho cả Steve Jobs và Elon Musk, tiết lộ.

Tầm nhìn của Elon Musk với sản phẩm Tesla cũng theo cách độc quyền, tương tự Steve Jobs làm với iPhone, iPad . Tesla sử dụng một đầu nối sạc độc quyền cho xe, tương tự các sản phẩm của Apple với cổng Lightning. Sạc của Tesla cũng có chất lượng cao. Công ty đã xây dựng mảng sạc ôtô nhanh nhất thế giới với hơn 25.000 bộ sạc siêu tốc.

Hệ thống phần mềm trên ôtô cũng được cập nhật nhanh với độ bảo mật cao, tương tự Apple. Nó khác xa ngành công nghiệp ôtô truyền thống, vốn chỉ được xây dựng chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn hóa và thiếu tính đột phá. Nhiều ý kiến cho rằng việc tích hợp phần cứng và phần mềm trên xe Tesla khiến họ nhớ đến Apple.

Tesla cũng có những chiến lược điều hành mang tính "cố chấp" như Apple. Harpreet Singh là người đã mua chiếc Tesla Model S với giá 46.000 USD. Sau vài tháng sử dụng, anh nhận thấy chiếc xe tự động cập nhật. Tuy nhiên, bản cập nhật mới khiến pin bị hao nhanh hơn, đồng thời tốc độ sạc giảm. "Thông thường, tôi sẽ đi được khoảng 265 dặm sau mỗi lần sạc cho ôtô, nhưng con số này còn khoảng 200 dặm sau khi cập nhật phần mềm", Singh nói.

Sau bản cập nhật này, một người dùng khác là David Rasmussen đã đâm đơn kiện Tesla. Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ sau đó đã mở cuộc điều tra mở về các bản cập nhật phần mềm quản lý pin của Tesla. Tuy vậy, phía công ty của Elon Musk vẫn cho rằng các bản cập nhật của mình hướng đến lợi ích kho khách hàng, gồm cải thiện độ an toàn và nâng cao trải nghiệm.

Trước đó, Apple cũng từng bị cáo buộc tự điều chỉnh các thiết bị cũ với lý do "bảo vệ pin", nhưng lại khiến iPhone bị chậm. Vì lý do này, công ty đã bị phạt 113 triệu USD vào năm 2020.

Tesla không phải là hãng ôtô duy nhất triển khai các bản cập nhật tự động cho phương tiện của mình qua mạng, nhưng đã ghi dấu ấn trong ngành bằng cách sử dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng. Chẳng hạn, hệ thống phanh xe trên toàn bộ mẫu Model 3 đã được sửa chỉ sau một đêm thông qua một bản cập nhật phần mềm. Trong khi đó, đối với các hãng xe khác, người dùng buộc phải đến đại lý để làm điều đó.

Khi Apple "cẩu thả" hơn trong các phiên bản iOS gần đây, Tesla cũng vậy. Công ty của Elon Musk gần đây bán các sản phẩm chưa hoàn thiện 100%, từ phần mềm xe tự lái Autopilot cho đến những chiếc xe mới. Những lỗi về chất lượng, hay lỗi phần mềm vẫn xảy ra.

Tesla quảng cáo Autopilot có tính năng cho phép "tự lái hoàn toàn" và "mở ra kỷ nguyên xe tự hành hoàn toàn cho người tiêu dùng". Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế lại khác xa những gì Tesla khoe khoang. Stephen Raynor, một luật sư sống ở Richardson, Texas, đã vô cùng hốt hoảng khi chiếc Model S được trang bị Autopilot đột ngột chuyển hướng và đâm vào hàng rào đường cao tốc.

Khi mà Autopilot vẫn chưa hoàn thiện, Tesla đang có ý định bỏ dần bộ chọn số, thay thế thiết lập đỗ xe, lùi, lái... tiêu chuẩn bằng màn hình cảm ứng. Nói cách khác, người dùng chỉ cần nhấn chọn trên màn hình cảm ứng, sau đó xe sẽ tự làm tất cả.

Apple cũng vậy. Công ty từng đưa ra rất nhiều quyết định về thiết kế khiến không ít chuyên gia đánh giá là "coi thường người dùng". Cố CEO Steve Jobs cũng là người nổi tiếng né tránh nghiên cứu thị trường, thay vào đó là "cho khách hàng thấy những gì họ muốn". Gần đây, Apple loại bỏ giắc cắm tai nghe 3,5 mm, loại cổng USB A trên MacBook ... và rất nhiều quyết định gây tranh cãi khác.

Tesla cũng nhằm mục tiêu hạn chế các tài xế sử dụng ứng dụng bên thứ ba để ưu tiên các sản phẩm "cây nhà lá vườn". Chẳng hạn, tài xế không thể sử dụng màn hình cảm ứng trên ôtô Tesla để gọi Uber và Lyft, thay vào đó là ứng dụng riêng do công ty phát triển. Apple gần đây cũng ưu tiên các dịch vụ của mình hơn và bắt đầu tính phí cao với các ứng dụng bên thứ ba trên App Store .

Ngoài ra, các chủ sở hữu xe Tesla cũng gặp khó khăn trong việc sửa chữa, nhất là sửa chữa từ các dịch vụ bên thứ ba. Đây cũng là chiến lược mà Apple thực hiện bao năm qua. "Rất ít thợ máy muốn đến gần các thiết bị của Tesla", Raynor nói.

Theo VnExpress

Theo https://vnexpress.net/tesla-ngay-cang-giong-apple-4278812.html