|
Một chiếc xe bán tải điện Cybertruck của Tesla. Ảnh: Reuters. |
Hiếm có thương hiệu nào gắn liền với hình ảnh cá nhân của vị giám đốc điều hành nó như Tesla. Suốt nhiều năm, điều này mang lại lợi ích lớn cho hãng xe điện.
Elon Musk, với cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tham vọng phổ biến xe điện, đã thu hút hàng triệu khách hàng mong muốn thể hiện sự ủng hộ đối với một tầm nhìn công nghệ - môi trường đầy tham vọng.
Thế nhưng, khi Musk bắt tay với ông Donald Trump và lao sâu vào chính trường Mỹ, nhiều chủ xe Tesla – cũng như những khách hàng tiềm năng – đang tự hỏi: lái một chiếc Tesla giờ đây mang ý nghĩa gì? Những băn khoăn đó bắt đầu thể hiện rõ trên các con số kinh doanh đáng lo ngại của công ty.
Garth Ancier, một giám đốc truyền hình tại Los Angeles, nhớ lại cuộc trò chuyện với hai người bạn hơn một năm trước về cảm giác khi lái xe Tesla. “Họ nói: ‘Giờ lái Tesla cứ như đang đội một chiếc mũ MAGA (Giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại – khẩu hiệu của ông Trump) khổng lồ vậy’”, Ancier kể.
Giờ đây, ông muốn bán chiếc Model X đã dùng được 4 năm của mình. “Nếu không phải vì cách hành xử của Musk, có lẽ tôi vẫn sẽ gắn bó với Tesla”.
Là nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ, Tesla từ lâu được biết đến với cộng đồng khách hàng có độ trung thành cao. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sức hút của thương hiệu này đang suy giảm, và điều này đang gây ra hệ lụy tài chính rõ rệt.
Năm 2022, trước khi Musk dấn thân vào chính trường, một khảo sát của hãng tư vấn Strategic Vision cho thấy 22% người mua xe cân nhắc chọn Tesla cho lần mua tiếp theo – một tỷ lệ sánh ngang với các thương hiệu sang trọng như Mercedes-Benz hay BMW.
Nhưng đến mùa Hè năm ngoái, con số này giảm mạnh xuống chỉ còn 7%, ngang với các hãng Lincoln và Dodge, và chưa có dấu hiệu phục hồi. “Sự sụt giảm nhanh như vậy rất hiếm khi xảy ra trong ngành ô tô”, Alexander Edwards, Chủ tịch Strategic Vision, nhận định.
Theo một khảo sát khác được công bố vào tháng 12/2024, khoảng 63% số người được hỏi nói rằng họ sẽ không cân nhắc mua Tesla – tăng 10 điểm phần trăm so với đầu năm đó.
Gần đây, sau khi Musk kêu gọi sa thải hàng loạt nhân viên liên bang và ủng hộ một đảng cực hữu tại Đức, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại các showroom Tesla ở Mỹ và châu Âu. Một số cửa hàng và trạm sạc Supercharger của hãng còn bị vẽ bậy, thậm chí có nơi xuất hiện cả biểu tượng chữ vạn của Đức quốc xã.
Tuy nhiên, những rắc rối của Tesla không chỉ đến từ làn sóng phản đối chính trị. Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, dòng sản phẩm ít đổi mới, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ đối thủ, cùng với vấn đề về chất lượng và giá trị xe cũ lao dốc – tất cả đang khiến thương hiệu Tesla mất dần sức hấp dẫn.
Doanh số lao dốc
Năm ngoái, số xe Tesla bán ra toàn cầu giảm 1% – mức sụt giảm đầu tiên trong hơn một thập kỷ – trong khi doanh số xe điện toàn cầu tăng 25%. Ở Mỹ, Tesla mất 7% doanh số trong năm 2023 và tiếp tục giảm 2% trong hai tháng đầu năm nay, theo ước tính của Wards Intelligence.
Tình hình ở thị trường quốc tế còn ảm đạm hơn. Trong tháng 2, số xe đăng ký mới của Tesla tại Đức giảm 76,3%, còn tại Pháp giảm 26%, theo dữ liệu từ chính phủ và các hiệp hội ngành. Tại Trung Quốc, Tesla giao 30.688 xe mới trong tháng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe nội địa.
Các nhà phân tích cho rằng một số khách hàng đang chờ đợi phiên bản nâng cấp của Model Y, dự kiến ra mắt trong tháng này. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng, chính các phát ngôn và hành động của Musk đang khiến Tesla mất đi lượng khách hàng quan trọng, đặc biệt là ở Đức.
“Khi tham gia vào chính trị, rủi ro là điều không thể tránh khỏi”, Felipe Munoz, nhà phân tích của JATO Dynamics, nhận định.
Giá cổ phiếu Tesla từng tăng vọt sau chiến thắng của ông Trump, khi giới đầu tư kỳ vọng mối quan hệ giữa Musk và Tổng thống có thể mang lại lợi ích cho công ty. Ngoài ra, những cam kết của Musk trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và robot – bao gồm kế hoạch ra mắt xe tự lái hoàn toàn vào năm 2026 – cũng tạo động lực cho giá trị công ty.
Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Tesla đã giảm 35%, xóa sạch phần lớn mức tăng sau bầu cử. Dù vậy, Tesla vẫn là hãng xe có giá trị cao nhất thế giới, với mức định giá khoảng 847 tỷ USD, theo FactSet.
Dữ liệu khảo sát và doanh số cho thấy yếu tố chính trị đang ngày càng tác động đến nhu cầu mua xe Tesla. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Morning Consult, quan điểm của người tiêu dùng đối với thương hiệu này đã có sự đảo chiều rõ rệt giữa các đảng phái – một thay đổi đáng kể so với phần lớn lịch sử của hãng.
Cụ thể, tỷ lệ cử tri đảng Dân chủ cân nhắc mua Tesla trong lần đổi xe tiếp theo đã giảm mạnh từ 23% vào tháng 8/2023 xuống còn 13% vào tháng 2 năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ cử tri đảng Cộng hòa có ý định sở hữu một chiếc Tesla lại tăng vọt từ 15% lên 26% trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhóm khách hàng bảo thủ có xu hướng thận trọng hơn khi mua xe điện, điều này có thể khiến việc chuyển đổi sự ủng hộ chính trị thành doanh số thực tế trở nên khó khăn hơn
Tesla không công bố số liệu doanh số theo từng bang, nhưng dữ liệu từ S&P Global Mobility về số lượng đăng ký xe mới cho thấy doanh số của hãng đã giảm mạnh trong năm ngoái tại một số đô thị thiên tả – vốn là thị trường trọng điểm của công ty – bao gồm New York, Los Angeles, San Francisco và Dallas. Ngược lại, doanh số lại tăng tại Las Vegas, Salt Lake City và khu vực Miami-Ft. Lauderdale.
Diego Leporini, một doanh nhân ở miền Nam California, từng rất ngưỡng mộ Elon Musk. Ông mua chiếc Tesla đầu tiên vào năm 2023 với niềm tin vào sứ mệnh của công ty. Nhưng giờ đây, ông muốn tránh xa vị tỷ phú này.
“Tôi từng thần tượng ông ấy,” Leporini chia sẻ. Tuy nhiên, quan điểm chính trị của Musk khiến ông thất vọng. Để thể hiện sự phản đối trước mối quan hệ giữa CEO Tesla và cựu Tổng thống Donald Trump, Leporini đã bán toàn bộ 83 cổ phiếu Tesla mà ông sở hữu. Hiện tại, ông cũng đang tìm cách chấm dứt hợp đồng thuê chiếc Model Y của mình.
Tesla từng chinh phục thị trường bằng hình ảnh một thương hiệu tiên phong trong công nghệ và bảo vệ môi trường. Sứ mệnh “thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng bền vững” không chỉ thu hút khách hàng mà còn là yếu tố khiến nhiều nhân viên lựa chọn đầu quân cho công ty. Nhưng giờ đây, hình ảnh ấy đang bị lu mờ bởi những tranh cãi xoay quanh cá nhân Musk.
Khi Elon Musk lao vào chính trị
Những năm gần đây, Elon Musk ngày càng bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề chính trị. Năm 2020, ông công khai chống lại các lệnh phong tỏa vì Covid-19, thách thức chính quyền địa phương bằng cách kiện hạt nơi đặt trụ sở Tesla để đòi quyền duy trì hoạt động nhà máy.
Sau khi một vụ ám sát hụt nhằm ông Trump xảy ra vào tháng 7 năm ngoái, Musk không ngần ngại tuyên bố ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa và rót khoảng 250 triệu USD vào các nhóm chính trị thân ông Trump. Trên nền tảng X, ông cũng nhiều lần đăng bài cho rằng những cảnh báo về biến đổi khí hậu là cường điệu.
Tháng 12, Musk gây sốc khi công khai ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức – một tổ chức không chỉ phản đối nhà máy Tesla ở Berlin mà còn phủ nhận vai trò của con người trong biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ông còn bày tỏ sự đồng tình với Reform UK, một đảng dân túy muốn bãi bỏ các chính sách chống biến đổi khí hậu.
Trong lễ nhậm chức của ông Trump, Musk đã thực hiện một động tác tay khiến nhiều người cho rằng đó là một kiểu chào của phát xít Đức. Dù không trực tiếp giải thích, ông chỉ viết trên X: “Kiểu gán ghép ‘ai cũng là Hitler’, nghe chán lắm rồi”.
Phản ứng trước hành động này, các nhà hoạt động ở Berlin đã chiếu hình ảnh Musk với động tác gây tranh cãi lên tòa nhà của Tesla. Tại Mỹ, một số chủ xe Tesla tìm thấy những tờ rơi trên kính xe, kêu gọi họ bán xe ngay lập tức. Cảnh sát ở Arcata, California, cũng nhận được báo cáo từ 4 chủ xe Tesla về những thông điệp đe dọa để lại trên kính chắn gió.
Bên trong Tesla, các nhà quản lý đang đối mặt với những câu hỏi ngày càng nhiều về hành vi của Musk và tác động của nó đến doanh số, tuyển dụng và văn hóa công ty. Đặc biệt, tại Palo Alto, nơi đặt trụ sở bộ phận kỹ thuật của Tesla, mối quan ngại này càng lớn.
Jared Ottmann, một kỹ sư chuỗi cung ứng đã làm việc gần bảy năm tại Tesla, chia sẻ trên LinkedIn rằng anh cảm thấy bất an trước những phát ngôn của Musk. “Tôi đã nhiều lần nêu vấn đề này với quản lý, nhân sự, bộ phận tuân thủ pháp lý và quan hệ nhà đầu tư,” Ottmann, người Do Thái, viết. “Dù hầu hết mọi người bày tỏ sự ủng hộ cá nhân, Tesla vẫn giữ im lặng. Và sự im lặng ấy thật đáng sợ.”
Sau khi từ chối xóa bài viết, Ottmann đã bị sa thải, theo luật sư của anh.
Tại Đức, Thomas Temme, một kỹ sư phần mềm cao cấp tại Tesla, thẳng thắn chỉ trích Musk: “Ông ấy giờ đây đang ủng hộ những thế lực chính trị không chỉ thờ ơ với sứ mệnh của Tesla, mà còn phủ nhận biến đổi khí hậu và phản đối mọi thứ mà công ty từng đại diện.” Temme cho biết anh cảm thấy thoải mái khi lên tiếng vì luật lao động ở Đức bảo vệ người lao động tốt hơn.
Một số thành viên hội đồng quản trị và lãnh đạo cấp cao của Tesla tin rằng mối quan hệ giữa Musk và ông Trump có thể mang lại lợi ích lâu dài cho công ty. Hai thành viên hội đồng quản trị cùng một số giám đốc điều hành đã công khai ủng hộ Musk và các chính sách ông theo đuổi.
Tuy nhiên, không ít khách hàng đang cảm thấy bức bối vì những tranh cãi xoay quanh Musk.
Bob Eckert, một người từng hâm mộ Musk, cho biết ông đã muốn bán chiếc Model Y đời 2021 từ khi ông Trump nhậm chức. “Càng về sau, tôi càng nhận ra rằng đây không phải là điều tôi có thể tiếp tục ủng hộ, dù có phải chịu lỗ đi chăng nữa”, ông nói.
Tháng Hai vừa qua, Eckert đã bán xe, chấp nhận mất 3.000 USD do khoản vay chưa trả lớn hơn giá trị xe. Ông thay thế Tesla bằng một chiếc Ford Mustang Mach-E, nhờ ưu đãi tài chính 0% lãi suất và khoản thưởng 1.000 USD từ đại lý Ford dành cho khách hàng từ bỏ Tesla.
Mâu thuẫn trong Nhà Trắng: Elon Musk công khai chỉ trích Ngoại trưởng Marco Rubio
Tài sản bay hơi 116 tỷ USD, Tesla bị phá: Elon Musk chịu thiệt hại vì dẫn dắt DOGE
Elon Musk lên tiếng sau khi ông Zelensky nói muốn ký thỏa thuận với Mỹ
Theo Wall Street Journal