Tờ The Diplomat (Nhật Bản), số ra ngày 27/2, cho rằng, do chi phí mua sắm, đào tạo, bảo trì và nâng cấp máy bay chiến đấu đắt đỏ, cộng với tính "yếu ớt" của máy bay chiến đấu trên mặt đất, việc vận hành máy bay chiến đấu ngày càng trở thành gánh nặng đối với các nước, bao gồm Đông Nam Á. Nhưng, tên lửa đất đối không đã đưa lại một biện pháp phòng không khác.
Mặc dù các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đã được đưa ra giới thiệu ở Đông Nam Á, thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, không quân phần lớn các nước ở khu vực chỉ có thể sắm được vài phi đội máy bay chiến đấu.
Do có sự hạn chế trong việc bảo đảm trạng thái sẵn sàng chiến đấu, không phận của đa số các nước trong khu vực rất rộng, lực lượng máy bay chiến đấu lại có quy mô nhỏ, có thể thấy rằng, không quân các nước này khó có thể tiến hành đáp trả kẻ thù hoặc phản ứng với các sự kiện bất ngờ khác một cách kịp thời.
Ngoài ra, những phi đội quy mô nhỏ này thường được bố trí tập trung ở một hoặc vài căn cứ không quân, có thể dễ dàng bị tổn thất khi bị đánh đòn phủ đầu, đặc biệt là các cuộc tấn công đến từ bên ngoài.
Một số nước, như Campuchia chẳng hạn, thậm chí đã từ bỏ mua sắm máy bay chiến đấu do yếu kém về tài chính.
Do chi phí về hạ tầng và nhân lực tương đối thấp, tên lửa đất đối không sẽ cung cấp một phương án tiềm năng thay thế cho máy bay chiến đấu.
Do không cần đường băng, lại không có hạ tầng cơ sở dễ bị quan sát thấy, tên lửa đất đối không ít có khả năng bị tê liệt khi kẻ thù tiến hành tấn công đánh đòn phủ đầu.
Tên lửa đất đối không có kích thước gọn, dễ ngụy trang, dễ bảo vệ trong không gian hẹp,có cảnh giới và gia cố. Ngoài ra, khi đương đầu với máy bay địch, tên lửa đất đối không tỏ ra rất "kinh tế", nhất là đối với không quân của các nước trong khu vực, vốn khó có thể chịu nổi tổn thất về máy bay quân sự.
Vì vậy, tên lửa đất đối không có thể gánh vác một số trách nhiệm của máy bay chiến đấu, để những máy bay chiến đấu này thực hiện các nhiệm vụ khác như đánh chặn, hộ tống, trinh sát và tuần tra duyên hải.
Ngoài ra, sự phối hợp nhịp nhàng giữa tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu sẽ hình thành một mạng lưới phòng không tổng hợp.
Đông Nam Á hoàn toàn không xa lạ gì với tên lửa đất đối không. Ngay trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, quân đội Việt Nam đã tiếp nhận các loại hệ thống của Liên Xô như hệ thống S-75 và S-125, từ đó hình thành một mạng lưới phòng không phức tạp để đối phó với Không lực của Mỹ.
Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, hệ thống Bloodhounds của Anh đã được triển khai của Anh tại singapore và hệ thống S-75 của Liên Xô ở Indonesia.
Vào thập niên 80 của thế kỷ 20 và thời đại hậu Chiến tranh Lạnh, khu vực này đã nhập khẩu rất nhiều tên lửa đất đối không, đặc biệt là tên lửa đất đối không kiểu vác vai. Ngoài tên lửa đất đối không, các lực lượng vũ trang của khu vực này cũng đã nhận được một số loại pháo cao xạ - chúng đã có tác dụng hỗ trợ.
Nhìn chung, các nước Đông Nam Á có nhiều điều kiện để phát triển phòng thủ tên lửa đất đối không đa tầng. Nhưng, phạm vi lãnh thổ đặc thù, tính nhạy cảm về chính trị và thiếu tính linh hoạt đều là những trở ngại chính để các nước Đông Nam Á phát huy vai trò lớn hơn của tên lửa đất đối không.
Máy bay chiến đấu được thiết kế dùng cho nhiều loại mục đích như trinh sát, đánh chặn máy bay, chống hạm và phòng thủ mặt đất. Trong khi đó, tên lửa đất đối không hầu như tập trung cho một nhiệm vụ: phòng không.
Trong thời bình, tính linh hoạt của máy bay chiến đấu luôn có ưu thế hơn trong quyết sách của các sĩ quan chỉ huy quân đội và các nhà lãnh đạo chính trị so với tên lửa đất đối không.
Nói một cách nghiêm túc, tên lửa đất đối không chỉ có thể bắn các mục tiêu của chúng, không có bất cứ sự lựa chọn nào cho các hành động quân sự cường độ thấp.
Do những lợi và hại này, tên lửa đất đối không có thể không phải là chủ đề của xây dựng quân sự khu vực. Nhưng, nếu tình hình khu vực tiếp tục xấu đi, các nước trong khu vực muốn tăng cường phòng thủ, nhất là tăng cường phòng ngự đối phó với kẻ địch mạnh, tên lửa đất đối không nhất là tên lửa đất đối không kiểu vác vai và hệ thống tầm ngắn sẽ là thủ đoạn nhanh nhạy hơn, kinh tế hơn so với máy bay chiến đấu.
Nói cách khác, tên lửa đất đối không có thể trở thành một chỉ tiêu hữu dụng, từ đó có thể nhìn thấy quan điểm của các nước Đông Nam Á đối với mối đe dọa từ bên ngoài.