Theo đó, tính đến 30/09/2016, ngân hàng đạt tổng tài sản 222.769 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2015. Dư nợ cho vay đạt hơn 135.600 tỷ đồng, tăng trưởng 21,5%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 14,95% đạt 163.514 tỷ đồng.
Techcombank cho biết, nhằm tiếp tục hỗ trợ tầng lớp trung lưu, mảng Dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân đã gia tăng dư nợ cho vay mua nhà và mua ô tô, qua đó thúc đẩy tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân lên 54% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 43.5% tổng danh mục của ngân hàng. Đây chính là định hướng của ngân hàng với chiến lược tập trung phát triển mảng ngân hàng bán lẻ. Tăng trưởng dư nợ cho vay của nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn tăng 41% so với quý 3 năm ngoái.
Trong khi ở hướng ngược lại, đối với hoạt động huy động, tiền gửi không kỳ hạn tăng nhanh hơn tiền gửi có kỳ hạn, góp phần tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động lên mức 18,5%. Tăng trưởng huy động tốt là tiền đề giúp Techcombank tăng trưởng danh mục cho vay, trong khi vẫn đảm bảo tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 70.4%, tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng nhà nước.
Về kết quả kinh doanh, hầu hết các lĩnh vực hoạt động đều lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.000 tỷ trong quý 3, tăng 29% so với cùng kỳ và trong 9 tháng tăng 21% đạt 6.227 tỷ đồng.
Nếu như cùng kỳ năm trước kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 89 tỷ đồng thì trong quý 3 năm nay lãi gần 74 tỷ và 9 tháng đạt hơn 161 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ đem về cho ngân hàng lãi 279 tỷ trong quý 3 và hơn 911 tỷ từ đầu năm tới nay.
Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Techcombank quý 3 đạt 1.719 tỷ đồng, tăng 43,8% so với cùng kỳ và 9 tháng tăng 34% đạt 5.810 tỷ đồng. Qua đó, đưa tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 85% so với quý III/2015.
Báo cáo cũng tiết lộ thông tin liên quan đến giao dịch của Techcombank với các bên liên quan, đặc biệt là những doanh nghiệp của các cổ đông lớn.
Cụ thể, các cổ đông lớn khá tích cực tham gia gửi tiền vào Techcombank, đáng kể nhất là Tập đoàn Masan và các DN thành viên của tập đoàn này. Cụ thể, cập nhật tại ngày 30/09/2016, CTCP Tập đoàn Masan và công ty con của nó là CTCP Hàng tiêu dùng Masan đang có số dư tiền gửi tại Techcombank lần lượt là 308 và 2.598 tỷ đồng. Trong kỳ, Techcombank cũng phải lần lượt dành 7,562 và 79,311 tỷ đồng để chi trả lãi cho số tiền gửi nêu trên.
Trong thông cáo phát đi về Báo cáo tài chính Quý III/2016, Techcombank cho hay: “Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 1,81%, do đó, giúp giảm chi phí dự phòng cụ thể của ngân hàng”. Báo cáo tài chính cho thấy, tổng nợ cho vay khách hàng nhóm 3 đến nhóm 5 (nợ xấu) tại nhà băng này là 2.360 tỷ đồng, trong đó chiếm lớn nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) với 1.439 tỷ đồng (1,06%).
Chia sẻ về kết quả hoạt động 3 quý đầu năm, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu hành trình 5 năm chuyển đổi từ năm 2016. Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2016 là minh chứng rõ nét cho dấu mốc thành công mới trên hành trình chúng tôi đã chọn. Chúng tôi tin mình đang đi đúng hướng để đạt được cả mục tiêu chiến lược ngắn hạn và dài hạn của mình”
Trong một thông tin liên quan, mới đây, Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã nâng xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn của Techcombank từ B2(cr) lên B1(cr) và nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (baseline credit assessment - BCA) từ b3 lên b2.