|
Bamboo Airways liên tục đăng tuyển phi công với mức lương thỏa thuận đầy hấp dẫn gây ra sức ép cạnh tranh lớn về nguồn nhân lực (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet) |
Từ việc VietJet Air tăng đãi ngộ cho phi công
CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã CK: VJC) vừa ra quyết định điều chỉnh lương và phụ cấp đối với phi công của hãng.
Theo đó, đối với cơ trưởng Việt Nam, mức phụ cấp giờ bay được nâng lên hơn 34%, đạt mức 1.035.000 đồng/giờ. Tương tự, phụ cấp chặng bay cũng được điều chỉnh tăng từ mức 220.000 đồng/giờ lên 345.000 đồng/giờ.
Đối với các phi công có trên 3.000 giờ bay ở vị trí cơ trưởng, VJC sẽ áp dụng phụ cấp kinh nghiệm là 4,6 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, mức lương cơ bản của Cơ phó đã tích lũy trên 2.500 giờ bay cũng được tăng thêm 4,6 triệu đồng/tháng. Riêng đối với Cơ phó nước ngoài, mức lương cơ bản cũng được tăng thêm 200 USD/tháng.
Ngoài ra, từ đầu tháng 5/2019, VJC cũng sẽ có thưởng thành tích đối với các phi công sau khi các đoàn bay hoàn tất các chương trình đánh giá.
Nên biết rằng, mức đãi ngộ dành cho phi công nội giữa các hãng hàng không Việt Nam hiện khá phân hóa.
Trong đó, mức lương và chế độ đãi ngộ mà VJC dành cho các phi công vẫn được đánh giá ở mức cạnh tranh. Và khác với đối thủ lớn nhất - Vietnam Airlines, mức đãi ngộ mà VJC dành cho các phi công nội cũng không quá khác biệt so với các phi công ngoại mà hãng tuyển về.
Chế độ đã ngộ tốt từng giúp VJC thu hút hàng loạt phi công Việt về đầu quân, thậm chí nó còn tạo nên những căng thẳng nhất định cho đối thủ, trong công tác cân đối nhân sự. Dư luận hẳn chưa quên những cuộc lãn công đầy bất ngờ, và những tranh chấp gay gay gắt giữa một nhóm phi công với Vietnam Airlines về hợp đồng lao động.
Thế nhưng giờ đây, có vẻ như chính VJC cũng sẽ phải sẵn sàng đối mặt với nguy cơ“chảy máu chất xám”. Bởi thị trường hàng không đã có sự tham gia của một "tay chơi mới" và rất chịu chi: Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Gia nhập thị trường sau và hừng hực tham vọng, Bamboo Airways liên tục đăng tuyển phi công với mức lương thỏa thuận đầy hấp dẫn nhằm huy động đủ số lượng nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh.
|
Một thông báo tuyển dụng phi công của Bamboo Airways (Nguồn: career.flc.vn)
|
Trao đổi với VietTimes, một nguồn tin cho biết, đang có hiện tượng phi công xin nghỉ việc tại các hãng để chuyển nhà khai thác sang Bamboo Airways - gồm cả phi công người Việt Nam và cả phi công người nước ngoài.
Mức thu nhập mà hãng bay của ông Trịnh Văn Quyết đang chào mời được cho là hấp dẫn nhất ở thị trường Việt Nam hiện nay. Theo đó, có những nhân sự được Bamboo Airways chào mức thu nhập cao đến gấp rưỡi, thậm chí hơn nữa so với con số đang nhận ở hãng hiện thời.
Do đó, động thái tăng lương của VJC cũng có thể coi như là một biện pháp phòng vệ chủ động, nhằm giữ chân các phi công trong cuộc cạnh tranh đầu người vốn đang ngày càng khốc liệt hơn.
Không chỉ có VJC lo lắng…
Từ nhiều năm nay, thị trường hàng không trong nước đã "quen" với sự thống lĩnh của 2 tên tuổi lớn là CTCP Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã CK: HVN) và VJC.
Kể từ năm 2008, HVN cũng đã nhiều lần nỗ lực thực hiện cải cách tiền lương (theo chiều hướng tăng) đối với người lao động nói chung và đội ngũ phi công nói riêng. Trong đó, thu nhập từ tiền lương của đội ngũ phi công - theo như báo cáo của Vietnam Airlines - đã tăng 5 lần so với giai đoạn trước 2008.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều cải thiện đáng ghi nhận, mức lương mà HVN chi trả cho các phi công vẫn được đánh giá là kém hấp dẫn so với VJC, đặc biệt là khoảng cách lớn giữa phi công nội và phi công ngoại.
Điều này là không lạ khi thời gian qua, thi thoảng lại rộ lên thông tin một số lượng đáng kể phi công của HVN xin nghỉ việc để chuyển sang hãng bay khác. Thậm chí, có những phi công sẵn sàng chấp nhận trả mức bồi thường lớn cho HVN để được tự do “bay đi”.
Cũng cần phải lưu ý rằng, phần lớn trong gần 1.000 phi công người Việt Nam hiện nay là do HVN mất nhiều công sức tuyển dụng và đào tạo. Công sức bỏ ra không chỉ là thời gian mà còn là chi phí hữu hình và chi phí cơ hội khó có thể đong đếm được để phát triển nguồn nhân lực phi công này.
Chia sẻ với báo giới, đại diện của HVN từng cho biết hãng này phải bỏ ra chi phí khoảng 1,7 tỷ đồng để đào tạo một phi công cơ bản tại Học viện Hàng không ESMA (Pháp) trong thời gian kéo dài tới 72 tuần. Để được chính thức “cầm lái”, các phi công còn phải đạt được nhiều tiêu chuẩn khác và thời gian có thể tính bằng năm.
Dồn nhiều công sức là vậy, nguồn nhân lực Vietnam Airlines dày công vun đắp đang bị đe dọa trước cơn khát nhân sự trong ngành hàng không, mà cụ thể là những đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp trên thị trường.
Để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” ồ ạt làm suy giảm sức cạnh tranh, không loại trừ khả năng HVN sẽ áp dụng những biện pháp tương tự VJC. Thậm chí, với "đặc thù" của mình, HVN cũng có thể hướng đến Bộ Giao thông Vận tải nhằm tìm kiếm các công cụ pháp lý chặt chẽ hơn để kiểm soát tình hình.
|
Các giai đoạn huấn luyện Phi công (Nguồn: bayviet.com.vn)
|
Áp lực cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng?
Mới đây, trang tin Bloomberg đã dẫn lời ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways) cho biết Bamboo Airways vừa hoàn tất thỏa thuận mua thêm 26 chiếc máy bay thân hẹp Airbus A321Neo.
Sau khi hoàn tất, thỏa thuận sẽ nâng tổng số máy bay thân hẹp Airbus A321Neo được Bamboo Airways đặt mua lên 50 chiếc, bao gồm cả 24 chiếc trong biên bản ghi nhớ đã được kí với Airbus vào tháng 3/2018.
Những chiếc máy bay đầu tiên dự kiến sẽ được Airbus bàn giao cho Bamboo Airways vào năm 2022.
Ngoài ra, sau chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1/2019, Bamboo Airways đã cùng với Tập đoàn Boeing kí thỏa thuận mua 10 chiếc máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner.
Trước mắt, khi các máy bay mua mới chưa về, Bamboo Airways đang tạm sử dụng giải pháp thuê tàu để khai thác. Theo thông tin của VietTimes, ít tháng tới, Bamboo Airways sẽ đưa thêm một số tàu bay (thuê).
Hiện tại, hãng bay mới gia nhập thị trường này đang khai thác 17 đường bay nội địa và dự định mở đường bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, đồng thời dự kiến bay đến châu Âu vào tháng 6 năm nay.
Với việc gia tăng số lượng máy bay cũng như phát triển thêm các đường bay mới, nhu cầu nhân sự trong ngành hàng không (đặc biệt là phi công) của Bamboo Airways sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Mặt khác, không chỉ riêng Bamboo Airways, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang rất tích cực hoàn thiện các thủ tục, ngỏ ý sẵn sàng tham gia trước sự hấp dẫn của lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.
Song hành với đó, sự cạnh tranh trong tuyển dụng và giữ chân phi công vì thế cũng sẽ quyết liệt không kém sự cạnh tranh về thị phần giữa các hãng hàng không trong thời gian tới.
Dĩ nhiên, Bamboo Airways vẫn còn là một hãng bay mới, quy mô đội bay hiện thời vẫn còn rất khiêm tốn so với hai đối thủ gạo cội - Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Hàng không lâu nay vẫn là một cuộc chơi dài hơn và tốn kém. Do đó, vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng thực lực, tham vọng và cả sự nghiêm túc của "tay chơi mới" Bamboo Airways./.