Tay chơi ít biết trong “game” Vinaconex...

VietTimes - Trong những ngày cuối năm 2019, trên HNX, liên tiếp xuất hiện những giao dịch cổ phiếu VCG theo phương pháp thỏa thuận với quy mô cả triệu, thậm chí cả chục triệu đơn vị mỗi phiên.

Sau sự rút lui của cổ đông nhà nước, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; Mã chứng khoán: VCG) được biết đến như cuộc chơi riêng – đôi khi là cuộc chiến - giữa 2 nhóm đại gia.

Nhóm thứ nhất đại diện bởi Công ty TNHH An Quý Hưng – cổ đông lớn nhất và hiện là công ty mẹ của Vinaconex, với tỷ lệ sở hữu 57,71%. Cuối năm 2018, An Quý Hưng gây xôn xao dư luận khi đã bỏ mức giá gây sốc 7.366 tỷ đồng để tiếp quản 254,9 triệu cổ phần VCG từ SCIC.

Nhóm thứ hai là liên minh của hai cổ đông lớn còn lại của Vinaconex, là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ).

Trong đó, Cường Vũ là cái tên đã chi ra 2.002 tỷ đồng cho Viettel để đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phần VCG, tương ứng với 21,28% vốn điều lệ Vinaconex vào cuối năm 2018; Còn Star Invest được cho là đã gom 33,4 triệu cổ phiếu VCG, chủ yếu từ quỹ đầu tư nước ngoài Pyn Elite Fund, cũng vào cuối năm 2018, để trở thành cổ đông lớn thứ 3 của Vinaconex, với tỷ lệ sở hữu 7,57%.

15,43% vốn điều lệ còn lại của Vinaconex đang nằm trong tay ai? (Ảnh minh họa: Internet)
15,43% vốn điều lệ còn lại của Vinaconex đang nằm trong tay ai? (Ảnh minh họa: Internet)

Suốt từ thời điểm lộ diện (cuối năm 2018) đến nay, cả ba cổ đông lớn của Vinaconex – là An Quý Hưng, Cường Vũ, Star Invest đều chưa từng có thông báo nào về việc điều chỉnh quy mô nắm giữ cũng như tỷ lệ sở hữu.

Việc 84,57% cổ phần Vinaconex luôn nằm im trong tài khoản của 3 cổ đông lớn này, đồng nghĩa, hơn một năm nay, giao dịch cổ phiếu VCG trên sàn hoàn toàn được thực hiện bởi các cổ đông nhỏ lẻ - nhóm nắm giữ 15,43% vốn điều lệ còn lại của Vinaconex.

Bối cảnh thiếu thống nhất giữa hai nhóm cổ đông chi phối Vinaconex sẽ cho cả hai nhóm này động lực để gom tối đa cổ phần VCG trôi nổi. Nhóm An Quý Hưng – với lợi thế sẵn có nhờ tỷ lệ sở hữu quá bán, sẽ có quyền quyết đáp gần như mọi chuyện ở Vinaconex, nếu tiếp tục nâng được tỷ lệ sở hữu lên chạm ngưỡng 65% vốn điều lệ.

Lưu ý rằng, An Quý Hưng, về hình thức, là một công ty gia đình, nhưng không có nghĩa, 254,9 triệu cổ phần VCG mà nó đứng tên là của riêng nhà ông Nguyễn Xuân Đông – chủ An Quý Hưng. Quy mô thương vụ (7.366 tỷ đồng) và tầm vóc Vinaconex, thực tế, là quá sức so với thực lực của vị đại gia xây dựng gốc Hà Tây.

Đích thân Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh, người được xem như đồng minh của Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông ở Vinaconex, từng thừa nhận có một liên minh 5 -6 nhà đầu tư đằng sau An Quý Hưng. “Đây là cuộc chơi lớn nên phải tập hợp đông anh em, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng và có nhiều kinh nghiệm”, một tờ báo dẫn lời ông Thanh vào cuối năm 2018.

Có nhiều đồn đoán về danh tính các đại gia đồng hành cùng ông Thanh và ông Đông đằng sau An Quý Hưng, tuy nhiên, đến nay đó vẫn là một bí ẩn lớn với thị trường.

Một đại gia trong nhóm “G7 Hà Nội” - có thâm niên làm ăn với ông Nguyễn Xuân Đông - cũng được đồn là một trong các tay chơi giấu mặt, bên cạnh các cái tên như ông Hùng "Hùng Túy", Chu Đức Lượng "Phú Mỹ",... Tuy vậy, trao đổi với VietTimes, vị này khẳng định không phải. “Hồi trước tôi cũng tính chung một ít nhưng sau kẹt tiền nên thôi. Hơi tiếc”, ông nói.

Showroom Hùng Túy cũng là trụ sở của Công ty TNHH Hoàng tử và Tập đoàn Picenza. (Ảnh: X.T)

Showroom Hùng Túy cũng là trụ sở của Công ty TNHH Hoàng tử và Tập đoàn Picenza. (Ảnh: X.T)

Tại một bài viết cũ, VietTimes từng đề cập về đại gia nội thất, vật liệu xây dựng Hùng Túy có thể là một trong những nhà đầu tư giấu mặt đã liên minh cùng ông Đông “An Quý Hưng” trong thương vụ Vinaconex. Không chỉ bởi mối quen biết gắn bó giữa 2 bên, mà còn từ một tín hiệu đáng chú ý, là sự xuất hiện của một “người của Hùng Túy” trong cơ cấu lãnh đạo VCG.

Theo đó, ngay tại phiên đại hội đầu tiên của Vinaconex hậu đấu giá (ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/01/2019), ông Trần Trung Dũng (Trưởng bộ phận kế toán xây dựng cơ bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam) – đã bất ngờ được đề cử vào Ban Kiểm soát Vinaconex. Với sự ủng hộ từ 360 triệu phiếu bầu (bầu dồn phiếu), Trưởng bộ phận kế toán xây dựng cơ bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam đã tham gia Ban Kiểm soát Vinaconex và giữ chức vụ đó cho đến hiện nay.

“Nhóm Hùng Túy chắc có góp vốn nên mới cử người vào như vậy để giám sát”, một thành viên thị trường đặt vấn đề.

Tuy nhiên, nhóm Hùng Túy có nhiều cách để tham gia “game” Vinaconex, nếu muốn. Bên cạnh việc xuất hiện trong liên minh đứng sau An Quý Hưng thì nhóm Hùng Túy cũng có thể đứng riêng (một phần hoặc toàn bộ). Bởi như đã phân tích, ngoài 84,57% cổ phần đứng tên 3 cổ đông lớn thì 15,43% cổ phần còn lại của VCG thuộc diện trôi nổi và khó xác định danh tính.

Một nguồn tin nói rằng, nhóm Hùng Túy – thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam và một lãnh đạo công ty này (ông Nguyễn Văn Hùng) – đã gom vào lượng cổ phiếu VCG lớn, tương đương với 7,8% vốn điều lệ Vinaconex.

Tuy nhiên, thông tin này có lẽ cần kiểm chứng thêm. Bởi lẽ, Tập đoàn Picenza Việt Nam thuộc diện “người có liên quan của người nội bộ” Vinaconex (Thành viên Ban Kiểm soát Vinaconex Trần Trung Dũng là nhân sự của Picenza Việt Nam), thì trước giao dịch, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện đăng ký.

Chưa kể, với quy mô nắm giữ trên 5% thì Tập đoàn Picenza Việt Nam và lãnh đạo của nó (cùng nhóm cổ đông) cũng sẽ phải thực hiện công bố thông tin.

Liên tiếp những lệnh thỏa thuận "khủng" cổ phiếu VCG những ngày cuối năm 2019.
Liên tiếp những lệnh thỏa thuận "khủng" cổ phiếu VCG những ngày cuối năm 2019.

Trong những ngày cuối năm 2019, trên HNX, liên tiếp xuất hiện những giao dịch cổ phiếu VCG theo phương pháp thỏa thuận với quy mô cả triệu, thậm chí cả chục triệu đơn vị mỗi phiên.

Điều này cho thấy đang tồn tại không ít những cổ đông “gần lớn” ở Vinaconex./.