|
Ảnh: QQ |
Elon Musk nói rằng ông sẽ cho ra mắt một robot hình người vào năm tới, nhưng vị doanh nhân chơi ngông bậc nhất thế giới này đang giữ một kỷ lục hỗn hợp về những lời hứa. Trước khi hào hứng với màn ra mắt của robot Tesla, bạn cần kiểm tra xem những lời hứa của Musk đã được thực hiện đến mức độ nào.
Tuần trước, tại sự kiện AI Day, Musk thông báo rằng Tesla sẽ hoàn thành robot hình người sớm nhất là vào năm sau để thay thế con người làm các nhiệm vụ nhàm chán, lặp đi lặp lại hoặc nguy hiểm.
Tuy nhiên, Tesla không mang tới sự kiện một nguyên mẫu nào của Tesla Bot. Thay vào đó, Elon Musk thuê một người mẫu mặc trang phục giống như robot và trình diễn những điệu nhảy nhái chuyển động của robot trên sân khấu.
Tất cả những điều này khiến giới công nghệ nhớ đến màn trình diễn xe bán tải điện Cybertruck thất bại ê chề năm 2019 của Tesla. Một trong những đặc điểm nổi trội nhất của Cybertruck chính là khả năng chống đạn, nhưng tại buổi ra mắt, một sự cố không như ý đã xảy ra khi tấm kính của chiếc xe đã rạn nứt sau cú ném bi sắt của giám đốc thiết kế Franz von Holzhausen.
Lời hứa về robot Tesla hơi khó tin, giống như tính năng "tự lái" đầu tiên mà Elon Musk giới thiệu trên những chiếc xe Tesla. Trên thực tế, một số nhà phân tích cho rằng chức năng "lái xe hoàn toàn tự động" này không xứng với tên gọi. Ngay cả bản thân Musk mới đây cũng thừa nhận rằng phiên bản FSD beta hiện tại "thực sự không đủ tốt".
Trong mười năm qua, Elon Musk ít nhất đã mang lại những thay đổi mang tính cách mạng cho ngành công nghiệp ô tô và không gian, đồng thời tạo ra những tiến bộ trong các ngành khác, chẳng hạn như dịch vụ Internet vệ tinh StarLink của SpaceX.
Nhưng vấn đề là Musk không chỉ hứa hẹn về cuộc cách mạng mới, mà còn có những giấc mơ phi thường hơn, chẳng hạn như đưa hàng triệu người lên sao Hỏa hay tích hợp não người với trí tuệ nhân tạo. Làm thế nào để xác định xem chúng ta có nên tin những gì Elon Musk nói hay không? Hãy xem lại một số điều ông chủ Tesla đã hứa và kết quả.
Ngủ trong ô tô tự lái
|
Năm 2014, Musk dự đoán rằng vào năm 2020, hệ thống lái xe tự động sẽ tiên tiến đến mức "bạn có thể lên xe, ngủ thiếp đi và sau đó thức dậy tại điểm đến".
Bảy năm sau, Tesla rõ ràng đã đạt được tiến bộ trong mục tiêu này, nhưng cái mà hãng gọi là lái xe hoàn toàn tự động vẫn chỉ là hỗ trợ lái xe. Hiện tại, khách hàng của Tesla phải trả thêm 5.000 USD để kích hoạt tính năng Enhanced Autopilot mặc dù nó vẫn còn kém xa so với những gì Musk hứa hẹn. Các mẫu xe của Tesla vẫn chưa thể tự đi được từ điểm A tới điểm B mà không cần người lái.
Các chủ xe Tesla đã chờ đợi tính năng tự lái hoàn toàn từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nay và hy vọng rằng lần này Elon Musk sẽ không lỡ hẹn. Nhưng đến nay, Musk vẫn khuyên các chủ xe Tesla nên đảm bảo an toàn bằng cách đừng bao giờ để chiếc xe tự xử lý mọi vấn đề trên đường, luôn sẵn sàng điều khiển xe nếu sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có lý do để tin rằng Tesla và Musk cuối cùng sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Công ty đã đạt được một cột mốc quan trọng. Năm 2015, Elon Musk dự đoán rằng đến năm 2025, giá trị của Tesla có thể cao ngang với Apple (giá trị thị trường của Apple vào thời điểm đó là hơn 700 tỉ USD).
Đầu năm nay, giá trị thị trường của Tesla lần đầu tiên vượt 800 tỉ USD. Đồng thời, giá trị thị trường của Apple vượt quá 2 nghìn tỉ USD, nhưng đây vẫn là một mức tăng đáng kể so với mức định giá khoảng 25 tỉ USD của Tesla vào năm 2015.
Thuộc địa hóa sao Hỏa
|
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX ngày 19/4. Ảnh: NASA |
Một thành công lớn khác của Musk là SpaceX. Công ty tên lửa này được thành lập vào năm 2002 với mục đích hiện thực hóa ước mơ vĩ đại: bắt đầu cuộc sống mới bằng cách đưa càng nhiều người lên sao Hỏa càng tốt và tạo nền văn minh bền vững trên sao Hỏa. Elon hy vọng sẽ đặt chân đến sao Hỏa trước năm 2010. Vào thời điểm đó, mọi người hầu như không quan tâm nhiều đến những dự đoán và giấc mơ của Musk.
Trong khi đó, SpaceX đã mất sáu năm để đi vào quỹ đạo lần đầu tiên vào năm 2008. Kể từ đó, công ty đã tiên phong và hoàn thiện việc hạ cánh và tái sử dụng tên lửa, phóng tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay - Falcon Heavy.
Mới chỉ cuối tháng 5 vừa qua, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 9 đưa tàu Crew Dragon lên quỹ đạo thành công, đánh dấu mốc đặc biệt sau 9 năm mới có tàu chở người lên vũ trụ đi từ đất Mỹ và lại được thực hiện bởi một doanh nghiệp tư nhân với mức chi phí thấp hơn nhiều so với các chương trình trước đây của NASA.
Bên cạnh đó, SpaceX cũng đã khởi động một chương trình dịch vụ băng thông vệ tinh quy mô lớn Starlink, hiện đã có 100.000 khách hàng đăng ký.
Khi NASA trao hợp đồng phát triển tàu đổ bộ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng sớm nhất vào năm 2024, SpaceX là công ty duy nhất giành được hợp đồng. Giới chuyên gia trong lĩnh vực vũ trụ cho rằng, quyết định của NASA cho thấy, cơ quan này coi SpaceX là đối tác tư nhân đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Đây là một thành tích đáng nể nhưng lại không đạt được mục tiêu mà chính Musk đã hứa.
Lịch trình hạ cánh xuống sao Hỏa của ông liên tục bị trì hoãn, đầu tiên là đến năm 2018, sau đó là 2022, 2024 ... Hiện tại, SpaceX đang tạm thời tập trung vào việc đưa các phi hành gia thuộc chương trình Artemis đổ bộ trên Mặt Trăng.
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã đặt ra mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền ông Biden, NASA không từ bỏ mục tiêu này, mặc dù hầu hết các nhà quan sát đều nhận thấy rằng đây là một mục tiêu nực cười do sự phát triển chậm chạp của hệ thống phóng vào không gian thế hệ tiếp theo của cơ quan này.
Tàu siêu tốc sử dụng công nghệ 'đại cách mạng'
|
Hyperloop là ý tưởng được nêu ra bởi Elon Musk vào năm 2012. |
Đối với hai dự án chính của Musk kể trên, ông dường như hơi thiếu kiên nhẫn, và thậm chí ông có thể áp đặt những thời gian biểu bất khả thi để đẩy nhanh tốc độ của nhân viên trong khi vẫn duy trì lợi ích của công chúng. Dù thế nào thì kết quả khá ổn định sau thời gian đã hứa.
Đối với các dự án khác của Musk, việc thực hiện những lời hứa của ông thậm chí còn không đồng đều.
Lấy Hyperloop làm ví dụ, đây là hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, khi một con tàu di chuyển trong ống chân không để giảm ma sát, từ đó đạt vận tốc ngang ngửa máy bay chở khách thông thường (khoảng 965km/h).
Đã có khá nhiều thắc mắc liệu Musk có thực sự tham gia tích cực vào dự án Hyperloop hay không, khi mà ông đã xuất bản "giấy trắng" (white paper) và biến dự án này thành một dự án mã nguồn mở. Musk thừa nhận vào thời điểm đó rằng ông không có đủ năng lượng để cống hiến hết mình cho sự phát triển của công nghệ này, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc trong dự án, thành lập một công ty để cải thiện việc xây dựng đường hầm và thực hiện một số các dự án.
Năm ngoái, một trong những dự án mang tính đột phá của Musk đã được hoàn thành tại thành phố Las Vegas, kinh đô cờ bạc thế giới thuộc bang Nevada. Đó là hệ thống đường hầm dài 21 dặm gọi là Loop. Khi chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 1/2021, hệ thống đường hầm này đã hiện thực hoá một phần giấc mơ của Musk.
Musk coi Loop là phương tiện di chuyển tốc độ cao dưới lòng đất. Các mạng lưới này cho phép hành khách và phương tiện di chuyển với tốc độ gấp đôi tốc độ giới hạn của đường cao tốc trên mặt đất.
Tuy nhiên, cho đến nay, các dự án thử nghiệm gần trụ sở SpaceX ở Las Vegas và California chỉ là những đường hầm nhỏ, và vẫn có người điều khiển chứ chưa phải những khoang trượt tự động - autonomous sled như dự tính ban đầu. Mọi người vẫn đang chờ đợi sự tiến triển mới của cuộc cách mạng này.
Cấy công nghệ mới vào não người
|
Con khỉ được cấy ghép chip của Neuralink có thể chơi game một cách điêu luyện bằng việc sử dụng chính suy nghĩ của nó. |
Đối với dự án tích hợp não - máy tính Neuralink, Musk cũng không thực hiện được lời hứa của mình. Neuralink là một kế hoạch cực kỳ tham vọng của tỉ phú Elon Musk nhằm liên kết não bộ của con người với máy tính. Mục đích ban đầu của dự án hướng tới mục đích chữa bệnh liên quan đến não bộ con người, lâu dài thì cho phép não người hợp nhất với trí thông minh nhân tạo.
Xét về mặt khái niệm, Elon Musk đã định vị Neuralink là một dự án tiềm năng giúp nhân loại ngăn chặn mối đe dọa tận thế gây ra bởi AI. Ông nói rằng công nghệ này có thể giúp chúng ta "đạt được một kiểu cộng sinh với trí tuệ nhân tạo".
Năm 2019, Musk nói: "Chúng tôi hy vọng sẽ hiện thực hóa mục tiêu này cho bệnh nhân trước cuối năm nay, chúng tôi không còn xa mục tiêu này".
Theo nhiều nhà khoa học, việc kích thích hoạt động của não bộ ở con người là có thể thực hiện được nhưng họ cũng nhất trí rằng, lộ trình thời gian mà ông Elon Musk đưa ra là không thể.
Neuralink đã cấy chip vào não của một số con lợn, và thậm chí cấy chip vào não của một con khỉ. Tháng 4 năm nay, Neuralink công bố video khỉ Pager chơi game sau khi được cấy chip, không cần dùng thiết bị điều khiển truyền thống.
Tuy nhiên, các thử nghiệm trên người, các bài báo nghiên cứu khoa học và các dữ liệu thử nghiệm khác xuất hiện khá chậm. Mục tiêu đưa Neuralink ra thị trường vào năm 2021 của Musk dường như đã không thành công.
Rõ ràng, Musk có thể tạo ra đột phá mang tính cách mạng hầu hết các chủ đề mà ông ấy tập trung vào, nhưng lộ trình thời gian của ông lại không đáng tin cậy. Nếu Musk hứa sẽ giao bánh pizza cho bạn trong vòng 30 phút, bạn có thể ra ngoài ăn tối ngay bây giờ, vì bánh pizza của bạn có thể sẽ không được giao cho đến tận tuần sau.
Ngoài ra, xin hãy nhớ rằng vị tỉ phú đặc biệt này này đã ngủ trong nhà máy của Tesla nhiều đêm hay trong một ngôi nhà nhỏ thuộc khuôn viên phát triển Starship. Elon Musk tự tin về tương lai của lĩnh vực ô tô và không gian, nhưng khi ông ấy nói về bất kỳ chủ đề nào khác, cho dù đó là Dogecoin hay robot hình người, chúng ta vẫn nên cân nhắc và không quá mong chờ.
Musk có thể nghĩ rằng Tesla là một công ty chế tạo robot, nhưng các tổ chức như Boston Dynamics có thể không đồng ý với robot hình người. Rốt cuộc, chưa ai nhìn thấy một chiếc xe điện Model 3 nhảy hay lộn ngược như chú chó robot đến từ Boston Dynamics.
Vì vậy, chúng ta sẽ thấy robot Tesla vào năm tới? Có lẽ. Nhưng có thể Musk sẽ bị phân tâm bởi những lời hứa khác.
Theo Tencent Technology