|
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại châu Á-Thái Bình Dương |
Thách thức với hạm đội tàu sân bay Mỹ ngày càng tăng lên tại khu vực tây Thái Bình Dương khi Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xây dựng khả năng chống tiếp cận (A2/AD). Đây là lúc Lầu Năm Góc bắt đầu nghiên cứu xem một cụm tác chiến tàu sân bay có thể chiến đấu trong điều kiện bị tấn công như thế nào.
Một số hệ thống chống tiếp cận của Bắc Kinh gồm tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và máy bay ném bom tầm xa Tây An H-6K được trang bị các tên lửa hành trình tầm xa.
Nhiều người tại Washington tin rằng giải pháp cho vấn đề là tăng tầm hoạt động của máy bay trên mẫu hạm lên khoảng cách đủ xa để tàu sân bay có thể hoạt động cách bờ biển Trung Quốc 1.200 dặm. Khoảng cách này cho phép tàu sân bay Mỹ nằm ngoài tầm tấn công của các hệ thống chống tiếp cận Trung Quốc. Hải quân Mỹ sẽ hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách phát triển một số các máy bay không người lái tàng hình tầm xa có thể thâm nhập bất cứ hệ thống phòng không dày đặc nhất nào.
Tuy nhiên, có một trở ngại tiềm tàng với giải pháp trên. Trung Quốc có khả năng chế tạo các loại tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa hành trình tầm bắn xa hơn. Quả thật, Trung Quốc dường như đã hoàn thành và giới thiệu trong những tháng gần đây loại tên lửa “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-26. Giáo sư Trường Hải chiến Hoa Kỳ Andrew Erickson hồi tháng 9/2015 đã viết rằng loại tên lửa mới của Trung Quốc có tầm bắn tới 2.500 dặm.
Trung Quốc được cho là đã công khai khoe loại tên lửa DF-26 trong lễ duyệt binh mới đây, không có nghĩa họ đã có tất cả các hệ thống dẫn đường và mạng lưới để vận hành loại vũ khí này. Nhưng điều đó có nghĩa vùng biển mở có thể sẽ không còn an toàn nhiều như ước đoán. Nếu Trung Quốc có các phương tiện để định vị một cụm tác chiến tàu sân bay gần tầm bắn tối đa và khả năng cung cấp dữ liệu mục tiêu chính xác cho tên lửa, có nghĩa ngay cả khi hải quân Mỹ có các máy bay không người lái bán kinh tác chiến 1.500 dặm cũng không thể giữ cho tàu sân bay không bị thiệt hại.
Tuy nhiên, tàu sân bay đã luôn luôn đối mặt với những nguy cơ kể từ thời Thế chiến thứ hai cho tới thời Chiến tranh Lạnh. Chiến lược chống tiếp cận là sự tân trang một số kịch bản đã được tiên liệu trong Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 1980, hải quân Mỹ đã phát triển chiến lược nhằm đánh lui đòn phối hợp tấn công nhằm vào các cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ, sử dụng các phi đội máy bay ném bom Tupolev Tu-22M Backfire, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường lớp Oscar và cả các chiến hạm mặt nước trang bị các tên lửa chống hạm tầm xa.
Trong khi ý tưởng đó chưa bao giờ được chứng minh trong chiến đấu chống lại một đợt tấn công thực sự của Liên Xô, hải quân Mỹ chưa bao giờ ngừng lên kế hoạch sử dụng tàu sân bay như một vũ khí tối thượng trên tuyến đầu trong lúc đỉnh điểm căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, thay vì cố gắng nằm ngoài phạm vi tấn công của kẻ địch, chúng ta nên chấp nhận rằng luôn tồn tại những nguy cơ cố hữu trong khi chiến đấu trong một cuộc chiến lớn với một cường quốc lớn khác. Đây có thể là lúc Lầu Năm Góc bắt đầu nghiên cứu xem một cụm tác chiến tàu sân bay có thể chiến đấu trong khi bị tấn công như thế nào.
Quả thực, hải quân Mỹ đã bắt đầu việc này, theo một sĩ quan hải quân hồi hưu. Và một số sĩ quan hải quân dường như tin rằng họ có thể chiến đấu trong điều kiện phòng thủ của Trung Quốc ở khu vực tây Thái Bình Dương. Trong khi một số người tại Quốc hội gần đây đã chỉ ra rằng vào năm 2030, loại chiến đấu cơ tàng hình duy nhất hiện hữu trên boong tàu sân bay sẽ là Lockheed Martin F-35C – đơn giản là không đủ thời gian hay tiền bạc để làm bất cứ điều gì.
Có những cách để phá vỡ chuỗi phòng thủ chống tiếp cận nguy hiểm của Trung Quốc, bằng cách sử dụng tác chiến điện tử hoặc chiến tranh mạng, cho phép một cụm tác chiến tàu sân bay chiến đấu bên trong tầm bắn của tên lửa DF-26. Nhưng một khi các tên lửa phóng đi, chìa khóa có thể nằm trong hệ thống chiến đấu NIFC-CA, phối hợp với hỏa lực của các chiến hạm hộ tống tàu sân bay.
Điều đó có nghĩa phải tăng thêm số lượng tàu chiến có thể mang các tên lửa đánh chặn hoặc một dạng chiến hạm mới có thể mang nhiều tên lửa hơn các chiến hạm hiện nay. Nó cũng có thể phối hợp tác chiến với một loại máy bay đánh chặn hải quân nào đó thực sự có thể thay thế chiến đấu cơ F-14 đã nghỉ hưu. Tất nhiên, tên lửa đánh chặn và máy bay đều rất đắt. Tuy nhiên, súng điện từ, pháo saser và một số vũ khí đáng tin cậy đã được Mỹ phát triển và sở hữu.
Đó có thể không phải cách hoàn hảo để giữ cho tàu sân bay tuyệt đối an toàn bởi lẽ không có kẻ địch nào hiện nay lại yếu ớt như quân đội Iraq năm 1991. Tuy nhiên, có hàng không mẫu hạm vẫn tốt hơn là chiến hạm bình thường.
*Lược thuật bài viết của tác giả Dave Majumdar trên National Interest
Theo QPAN