(tiếp theo kỳ trước)
Tàu sân bay Mỹ diễu võ Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thể nuốt giận
Kết hợp tất cả các máy bay F-35C, E-2D, EA-18G với NGJ và F/A-18E/F sẽ cải thiện đội máy bay tác chiến trên tàu sân bay. So với đội máy bay hiện nay, đội hình này vào năm 2025 sẽ quản lý chiến trận tốt hơn, cùng với khả năng tấn công điện tử và vũ khí tầm xa hiện đại hơn, cũng như nâng cao khả năng tấn công xâm nhập của chiến đấu cơ F-35C hiện nay. “Khi F-35C được đưa vào đội máy bay trên tàu sân bay, tôi cho rằng đội này sẽ trở nên khá mạnh. Và lúc đó Mỹ sẽ có máy bay kết hợp thế hệ bốn và thế hệ năm với những khả năng mà tôi đã đề cập”, ông Miller khẳng định.
Ban đầu, hải quân Mỹ sẽ triển khai một phi đội F-35C trong mỗi không đoàn trên tàu sân bay, cộng thêm hai phi đội Super Hornet và một đơn vị F/A-18C Hornet. Cuối cùng, phi đội F/A-18C sẽ được loại bỏ và có thể được thay thế bằng một đơn vị Super Hornet thứ ba. Khi được hỏi liệu hải quân sử dụng một không đoàn máy bay có đến hai phi đội F-35C không, ông Miller cho biết: “Cũng có khả năng đó. Tôi nghĩ vấn đề đó còn tùy thuộc vào ngân sách. Nhưng ít nhất là chúng tôi sẽ bắt đầu với một phi đội trước đã”.
Ông Miller cho biết hải quân Mỹ chưa tính chính xác cách thức họ đưa F-35C vào đội máy bay trên tàu sân bay để có thể phối hợp tác chiến. Ông Miller gợi ý cách các nhân tố khác nhau trên đội máy bay này phối hợp với nhau sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Tuy nhiên ông cũng gợi ý EA-18G sẽ hỗ trợ cho F-35C và ngược lại trong trường hợp đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng. “Vẫn chưa thể xác định rõ vì chúng tôi vẫn còn phải học cách tích hợp những khả năng này trên một đội máy bay. Tuy nhiên tôi rất tin tưởng vào khả năng của F-35C”, ông Miller đầy lạc quan.
Một điểm quan trọng của phi đội máy bay trên tàu sân bay trong tương lai chính là MQ-25 Stingray. Trong khi trọng tâm có xu hướng đặt vào khung máy bay, chương trình MQ-25 lại phát triển hơn thế. Chương trình này sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng trên tàu sân bay để thực hiện các hoạt động tác chiến máy bay không người lái trên biển cũng như phát triển các hệ thống chỉ huy và điều khiển cần thiết để vận hành các máy móc. Những thứ này rất cần thiết đối với các chiến dịch thực hiện bằng máy bay không người lái trên tàu sân bay trong tương lai.
Nhiệm vụ chính của MQ-25 sẽ là tiếp dầu trên không, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của phi đội máy bay trên tàu sân bay, còn thứ hai là vai trò tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Ông Miller cho biết chỉ với vai trò thay thế Super Hornet trong nhiệm vụ tiếp dầu, MQ-25 sẽ gia tăng sức mạnh tấn công của tàu sân bay với việc để 6 chiếc F/A-18E/F tự do thực hiện nhiệm vụ. “Việc bổ sung MQ-25 vào phi đội máy bay sẽ làm tăng tính sát thương của không đoàn máy bay hiện nay. Thực hiện vai trò ISR sẽ gia tăng khả năng sống sót của đội tấn công tàu sân bay vì hiện nay luôn có những cặp mắt dòm ngó đến tàu sân bay và đội tấn công trên tàu, đặc biệt là trong những viễn cảnh trong vùng biển tranh chấp”, ông cho biết.
Trong khi đó, chỉ riêng tàu sân bay cũng đã phát triển rất nhanh chóng từ loại sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên Enterprise (CVN-65) và Nimitz (CVN-68)- đây là chiếc đầu tiên trong 10 tàu sân bay lớp CVN-68 của hạm đội tàu sân bay Mỹ. Một siêu tàu sân bay mới sẽ sớm được đưa vào sử dụng là Gerald R. Ford (CVN-78) được coi là một bước nhảy vọt về công nghệ với sự tăng cường đáng kể trong thế hệ năng lượng điện trên tàu, công nghệ phóng và thu hồi máy bay mới và khả năng phát triển. Tàu sân bay lớp Ford sẽ được sử dụng trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Miller cho biết đã có những mối đe dọa đến tàu sân bay từ ngay đầu triển khai hàng không hải quân. Mối đe dọa đến tàu sân bay trong thời Chiến tranh lạnh được cho là lớn hơn rất nhiều so với hiện nay, khi đó Liên Xô tập trung toàn bộ phi đoàn máy bay chiến lược Tupolev Tu-22M3 Backfires và triển khai các tàu ngầm SSGN lớp Oscar được trang bị tên lửa hành trình hạng nặng để tiêu diệt các tàu sân bay của hải quân Mỹ. Mỹ đã thực hiện nhiều cách để đối phó với mối đe dọa Liên Xô và tàu sân bay sẽ có thể thích ứng để chiến đấu trong môi trường hiện tại.
Ông Miller nói: “Bản chất của chiến tranh và chống tiếp cận không mới. Tôi không muốn hạ thấp vai trò của nó, nhưng quả thực những tiến bộ trong chiến tranh thông tin, chiến tranh điện tử, khả năng mang vũ khí và các hệ thống vũ khí mà chúng ta đã thảo luận, cùng với khả năng rèn rũa những năng lực mà Mỹ sở hữu, Mỹ sẽ tạo nên những nơi trú ẩn và sẽ chiến đấu trong những khu vực đó. Mỹ sẽ trở thành lực lượng cơ động”.
Đô đốc Richardson cũng cho rằng tàu sân bay sẽ vẫn được trọng dụng trong tương lai. Ông chỉ ra rằng tàu sân bay Enterprise được triển khai lần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Nhưng kể từ đó, tàu sân bay này vẫn còn được tiếp tục sử dụng trong nhiều năm và hệ thống cũng như phi đoàn máy bay của nó vẫn được mở rộng ngay cả khi trật tự an ninh quốc tế đã thay đổi.
Thậm chí vào ngày chính thức ngừng hoạt động vào tháng 12/2012, Enterprise vẫn là một tàu chiến như ngày đầu tiên nó được đưa xuống biển. Và tàu lớp Ford cũng sẽ như vậy. “Đó là tầm nhìn của chúng tôi. Những tàu sân bay này chắc chắn sẽ đóng góp lớn cho hải quân Mỹ”, ông Richardson tin tưởng.