Kính tiềm vọng quang điện tử tiên tiến dành cho tàu ngầm Nga được thiết kế và sản xuất bởi Doanh nghiệp cổ phần “Viện Nghiên cứu khoa học Trung ương Elektropribor” tại Sant - Petersburg.
Ông Vitaly Postnikov, kỹ sư Viện Nghiên cứu Trung ương Elektropribor trong buổi phỏng vấn với tờ Tin tức (Izvestia) Nga cho biết: Những kính tiềm vọng này có thể được lắp đặt trên tất cả các tàu ngầm đang đóng của Hải quân Nga, Đối với các tàu đang có trong biên chế, thiết bị sẽ được lắp đặt trong quá trình sửa chữa và nâng cấp trang thiết bị trong thời bình.
Kính tiềm vọng quang điện tử này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử Nga và trang bị cho các tàu ngầm thông thường như tàu ngầm lớp Lada 677, tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka (Kilo-636).
Thiết kế bên ngoài của kính tiềm vọng quang điện tử này không có đặc điểm gì khác so với các kính tiềm vọng cũ trước đây, vẫn là thiết bị quang học gắn liền với cột quan sát. Bên trong kính tiềm vọng quang điện là các thiết bị hoàn toàn mới, hệ thống ống kính khúc xạ to lớn được thay thế bằng tổ hợp thiết bị điện tử.
Bộ khí tài kính tiềm vọng kết nối với hệ thống trên tàu bằng cáp và bảng điều khiển đặc biệt. Quang cảnh trên mặt nước do kính tiềm vọng thu được lập tức được truyền đến các vị trí tác chiến cùng một lúc. Trước đây, để quan sát được những gì đang diễn ra trên mặt nước, một lính thủy phải đứng trực tiếp quan sát tại kính tiềm vọng.
Một tính năng quan trọng của kính tiềm vọng quan điện tử này là trong vài giây, thiết bị điện tử sẽ ghi lại tất cả các những gì đang diễn ra trên mặt nước. Hệ thống quang học nhanh chóng phát hiện chiến hạm nổi, tàu ngầm đang nổi, máy bay và trực thăng của đối phương trong bán kính vài chục km. Thu thập và so sánh các cơ sở dữ liệu thu được, phân tích và tự động nhận dạng, thiết bị điện tử sẽ đưa ra tọa độ và các thông số của mục tiêu.
Với kính tiềm vọng này, người chỉ huy của tàu ngầm có thể thấy được bức tranh hoàn chỉnh về tình hình không gian chiến trường trên mặt nước sau vài giây, các dữ liệu có được như loại mục tiêu, thông số về vị trí, tốc độ, hướng di chuyển và thậm chí cả tên của mục tiêu. Kính tiềm vọng có khả năng độc nhất vô nhị này, ngay cả các quốc gia phương Tây cũng chưa có.
Một thành phần quan trọng của kính tiềm vọng quang điện do tập đoàn Schwabe, (thuộc tập đoàn Rostec), đó là hệ thống zoom quang học mới nhất, một tập hợp phức tạp các thấu kính có độ chính xác cao, có thể giúp người dùng thay đổi góc nhìn, phóng to đối tượng mà không làm mất đi độ nét của các chi tiết. Đơn giản có thể gọi đó là thiết bị zoom quang học, được ứng dụng phổ biến trong các máy quay camera và máy ảnh.
Tổng giám đốc của công ty cổ phần "Schwabe - Phòng thí nghiệm công nghệ" Theodore Brown phát biểu với trang "Izvestia". Sự ra đời của hệ thống kính viễn vọng quang điện tử mới cho phép các thủy thủ tàu ngầm có khả năng lựa chọn nhanh chóng độ phóng đại tối ưu và trường nhìn. Các hệ thống quang học có ống kính tiêu cự cố định, được sử dụng trong các kính tiềm vọng ở chế độ nhìn trực tiếp không thể cho những hình ảnh rõ nét tương tự như những kính tiềm vọng quang điện tử.
Hiện nay, trên các tàu ngầm phương Tây, kính viễn vọng quang điện tử đang dần thay thế các phương tiện quan sát truyền thống. Là một phần của tiến trình hiện đại hóa, trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Sea Wolf từ 20 năm nay đã lắp đặt các kính tiềm vọng quang điện tử. Tàu ngầm mới nhất lớp Virginia trở thành chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới không cần sử dụng phương tiện quan sát quang học truyền thống - chúng được thay thế bằng cách chỉ hai cột quan sát quang điện tử.
Những trang thiết bị quan sát hiện đại này được ứng dụng không chỉ ở các tàu ngầm hạt nhân, mà còn được lắp đặt trên các tàu ngầm diesel-điện và tàu ngầm phi hạt nhân: Scorpene của Pháp, tàu ngầm lớp 212A của Đức và tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc.
Chuyên gia quân sự độc lập Yury Ljamin nói với Izvestia: “Bộ kính tiềm vọng quang điện tử có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với kính tiềm vọng thông thường. Sử dụng cáp linh hoạt giúp các nhà chế tạo tàu ngầm loại bỏ các lỗ lớn phải cắt trên vỏ thép của tàu ngầm, cũng khôngcần bố trí khoang trục kính tiềm vọng, chiếm hầu hết một khoảng không gian thân tàu. Cột quan sát quang điện tử, so với các trang thiết bị quan sát thông thường, có thể không chỉ quan sát trong dải ánh sáng quang học thông thường, mà còn có thể quan sát trong dải ánh sáng hồng ngoại, đặc biệt quan trọng để quan sát khi lặn sâu dưới biển.
HTN