Tàu Kilo Việt Nam sẽ buộc kẻ địch trả giá đắt ở Biển Đông

VietTimes -- Chuyên gia Carlyle Thayer nhận định rằng các tên lửa hành trình Klub-S của Việt Nam sẽ được dùng để tấn công phá hủy các cảng và sân bay của đối phương trong trường hợp buộc phải tự vệ. Các phiên bản tàu chiến hiện đại và vũ khí phóng tên lửa chống hạm hiện nay của Việt Nam đã đóng một vai trò hoàn toàn mới.
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh

(tiếp theo kỳ trước)

Tàu Kilo Việt Nam thay đổi trận thế Biển Đông

Theo tạp chí Mỹ National Interest, tất cả 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam đều không chỉ được trang bị cho chiến lược chống tiếp cận theo cách thông thường (bao gồm thủy lôi và ngư lôi) mà còn có cả các tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng trên biển Klub-S của Nga (SLCM) có thể tấn công mục tiêu cách xa 300 km, và vẫn phù hợp với Chế độ quản lý công nghệ tên lửa.

Chuyên gia kiêm nhà quan sát quân sự Việt Nam lâu năm Carlyle Thayer nhận định rằng các tên lửa hành trình Klub-S của Việt Nam sẽ được dùng để tấn công phá hủy các cảng và sân bay của đối phương trong trường hợp buộc phải tự vệ. Vai trò đối phó này vẫn phù hợp với chiến lược phòng thủ mang tính răn đe của Việt Nam, nhưng cũng cho thấy khả năng tấn công xuất phát từ chiến lược chống tiếp cận. Không có cách nào để Việt Nam có thể ngăn chặn kẻ địch manh động xâm lược mà không sử dụng các biện pháp làm gia tăng cái giá phải trả của đối thủ, chẳng hạn như một cuộc tấn công tiêu diệt tiềm tàng nhằm vào lực lượng hải quân triển khai ở căn cứ chính của kẻ địch.

Theo National Interest, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria cuối năm 2015 cho thấy việc các lực lượng hải quân nhỏ tiến hành một chiến dịch viễn chinh là điều hoàn toàn khả thi. Tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don của hải quân Nga là tàu ngầm triển khai vũ khí thông thường đầu tiên phóng tên lửa hành trình (SLCM) Kalibr trong các cuộc tấn công thâm nhập vào sâu nội địa Syria.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspian tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria có thể gợi ý nhiều cho Việt Nam
Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspian tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria có thể gợi ý nhiều cho Việt Nam

Tuy nhiên, Nga có thể thực hiện việc này bằng cách phát triển các năng lực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (còn gọi là C4ISR) như thiết bị định vị vệ tinh GLONASS cho phép tên lửa bay qua những khu vực sa mạc rộng lớn ở Trung Đông, tấn công các mục tiêu khủng bố trên lãnh thổ Syria. National Interest cho rằng Việt Nam cũng đang triển khai chương trình C4ISR non trẻ, tập trung vào các thiết bị không người lái trên không và các vệ tinh viễn thám nhỏ. Khả năng dẫn đường mục tiêu dựa vào các vệ tinh thương mại hiện tại của Việt Nam vẫn chưa phải vệ tinh quân sự chuyên dụng có khả năng dẫn đường tến lửa tiến hành tấn công vào đất liền.

Tuy nhiên National Interest nhận xét, khó khăn này không cản trở được khả năng đối phó của Việt Nam với các mục tiêu ven biển. Không có chiều sâu chiến lược và thiếu các địa hình tự nhiên để bảo vệ, căn cứ hải quân ven biển của đối phương dễ bị tổn hại bởi các cuộc tấn công tên lửa. Các cuộc tấn công này không đòi hỏi khả năng nhắm mục tiêu cần có C4ISR như các cuộc tấn công thâm nhập sâu vào lãnh thổ của địch.

Và Việt Nam chỉ muốn nâng cao khả năng phòng vệ để trừng phạt kẻ địch tiềm tàng và làm tăng cái giá phải trả cho hành vi xâm lược manh động, dựa trên những tàu ngầm hiện đại mới trang bị. Vào tháng 9/2014, Việt Nam đã tuyên bố rằng “các tàu ngầm lớp Kilo không phải là vũ khí duy nhất của Việt Nam mà chỉ là một phần trong số vũ khí Việt Nam đang triển khai để bảo vệ chủ quyền tốt hơn”.

Vì vậy, Việt Nam đã thực hiện những động thái hiện thực hóa chiến lược chống can thiệp một cách mạnh mẽ hơn. Chiến lược này thể hiện sự đổi mới so với cách tiếp cận chống tiếp cận thông thường. National Interest  ghi nhận lực lượng hải quân Việt Nam đã thực hành diễn tập “tái chiếm đảo” ở quần đảo Trường Sa.

Tàu Đinh Tiên Hoàng - Một trong các chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam
Tàu Đinh Tiên Hoàng - Một trong các chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam
Chiến hạm tàng hình Gepard và tàu ngầm Kilo trên vịnh Cam Ranh
Chiến hạm tàng hình Gepard và tàu ngầm Kilo trên vịnh Cam Ranh

Vào tháng 5/2016, Việt Nam đã đàm phán với Nga về việc mua thêm hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Gepard 3.9. Điều đặc biệt về thương vụ này là Việt Nam muốn những tàu khu trục này sẽ được trang bị tên lửa SLCM Klub. Điều này gợi nhắc rằng các tàu hộ tống thuộc Hạm đội Caspia của hải quân Nga, cùng loại và kích cỡ với tàu Gepard 3.9 và tàu ngầm Rostov-on-Don đã cho thấy các tàu chiến nhỏ trên mặt nước có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình SLCM như Kalibr. Việt Nam đã rất ấn tượng với khả năng này.

National Interest kết luận, Việt Nam đang dần dần chuyển từ cách chống tiếp cận truyền thống thông thường sang chiến lược mới tinh vi hơn làm gia tăng chi phí đối với kẻ địch mưu toan xâm lược lãnh hải trên Biển Đông. Việc hoàn thiện đội tàu ngầm vào năm 2017 mới chỉ là bước đầu tiên theo hướng đi này. Các phiên bản tàu chiến hiện đại và vũ khí phóng tên lửa chống hạm hiện nay của Việt Nam đã đóng một vai trò hoàn toàn mới.

* Tác giả Koh Swee Lean Collin là nghiên cứu viên tại trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam S. tại Singapore. Ông chuyên nghiên cứu về các vấn đề hải quân Đông Nam Á.